Cổ phiếu liên tục giảm sâu, lợi nhuận bốc hơn hơn 90%, điều gì đang diễn ra ở Lộc Trời?

Mất 3 thập kỷ để trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhưng cổ phiếu Tập đoàn Lộc Trời lao dốc từ tháng 7/2023 khi các bất cập dần lộ diện. Doanh nghiệp đang đối diện với tình trạng tài chính khó khăn, dòng tiền thiếu hụt.

Cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, lợi nhuận ròng bốc hơi 94%

Chốt phiên sáng ngày 11/10, cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục giảm xuống mức 9.800 đồng/cp, mức giá thấp nhất buổi sáng là 9.100 đồng/cp – lần đầu xuống dưới mệnh giá trong lịch sử giao dịch.

Nhìn lại, cổ phiếu LTG đã giảm giá miệt mài từ vùng 40.000 đồng/cp vào tháng 7/2023, tức bốc hơi 75% giá trị trong hơn 1 năm qua.

Mã chứng khoán LTG giảm trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục lộ ra nhiều vấn đề bất cập như lợi nhuận giảm mạnh sau kiểm toán, khó khăn về dòng tiền, nợ quá hạn với nông dân và “lùm xùm” về nhân sự.

Cụ thể, đầu tháng 4, công ty công bố BCTC kiểm toán cả năm 2023 cho thấy lợi nhuận ròng bị bốc hơi đến 94% xuống 17 tỷ đồng do phần lãi từ giao dịch mua cổ phần Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân giá rẻ bị loại bỏ. Sau đó, Lộc Trời vướng lùm xùm liên quan thiếu nợ quá hạn với nông dân.

Từ đầu vụ Đông Xuân 2023 – 2024, tập đoàn triển khai ký hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư, dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dựa trên ước tính sản lượng mùa vụ, tập đoàn đã lên kế hoạch bao tiêu toàn bộ số lượng lúa và làm việc với ngân hàng để cấp vốn thu mua, trả tiền đúng hạn cho nông dân.

Đến giữa tháng 4, Lộc Trời đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, tổng số tiền phải trả cho nông dân lên tới 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết do biến động khách quan từ các khách hàng mua gạo và ngân hàng, công ty thu xếp dòng tiền từ đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp nhưng vẫn còn chênh về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến nông dân.

Đến ngày 20/5, Lộc Trời đã phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu lúa còn thiếu, thực hiện cam kết với nông dân và chính quyền địa phương.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Nguyễn Duy Thuận, cựu CEO thừa nhận khó khăn về dòng tiền của tập đoàn và bày tỏ cần thời gian vài năm để vượt qua.

Không chỉ khó khăn về dòng tiền, công ty cũng gặp nhiều khó khăn về nhân sự, vào tháng 7, ông Nguyễn Duy Thuận bị HĐQT miễn nhiệm Tổng Giám đốc. Sau đó, nhiều nhân sự khác cũng từ chức như bà Nguyễn Thị Thúy, Thành viên BKS; ông Johan Sven Richard Boden, Thành viên HĐQT; ông Tiêu Phước Thạnh, Thành viên BKS.

Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời đã có công văn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.

Áp lực nợ vay

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang thành lập năm 1993, lĩnh vực chính là cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón. Phải mất hàng chục năm kinh doanh, thương hiệu Lộc Trời mới ghi dấu ấn trên thị trường nông nghiệp Việt Nam và quốc tế.

Trong giai đoạn ông Thuận làm Tổng giám đốc, doanh thu của Lộc Trời tăng liên tục, lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng năm 2021 và lên đỉnh hơn 16.000 tỷ đồng vào năm 2023. Lợi nhuận trong các năm 2020-2022 vẫn duy trì trên dưới 400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong năm đạt đỉnh doanh thu vừa qua, lợi nhuận của tập đoàn này lại teo tóp chỉ còn hơn 16 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2022.

Đến quý I năm nay, doanh thu thuần của Lộc Trời vẫn đạt trên 3.800 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, tuy nhiên, tập đoàn lại báo lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng.

Đến nay, dù đã kết thúc quý tài chính thứ 3 trong năm, Lộc Trời vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính tự lập quý II cũng như báo cáo soát xét bán niên 2024.

Thực tế, kết quả kinh doanh của Lộc Trời đã có dấu hiệu đi xuống từ năm 2021 khi doanh thu tăng nhanh nhưng biên lãi gộp lại liên tục giảm.

Cụ thể, biên lãi gộp hợp nhất của Lộc Trời đã giảm từ mức 22,1% năm 2020 xuống 19,2% vào năm 2021, rồi tiếp tục giảm còn 18,4% một năm sau đó. Năm 2023, khi doanh thu vượt mốc 16.000 tỷ đồng, biên lãi gộp của Lộc Trời chỉ còn 15,4%.

Trong quý đầu năm nay, chỉ tiêu kinh doanh này của Lộc Trời thậm chí đã giảm về mức 6,4%, thấp nhất trong nhiều năm. Biên lãi gộp quá mỏng không đủ bù đắp các khoản chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tập đoàn báo lỗ ròng trong quý đầu năm nay.

Không chỉ hiệu quả kinh doanh đi xuống, Lộc Trời còn gặp khó khăn về dòng tiền dẫn tới việc phải nợ tiền mua lúa của nông dân tỉnh An Giang trong vụ Đông Xuân 2023-2024.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, cùng với đà tăng trưởng doanh thu, phần nợ vay tài chính của Lộc Trời cũng liên tục phình to. Đầu năm 2020, khoản vay tài chính của tập đoàn mới ở mức hơn 2.000 tỷ đồng, và toàn bộ là vay ngắn hạn để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tới cuối quý I năm nay, số dư vay nợ này đã tăng hơn 3 lần lên trên 6.200 tỷ đồng.

Đi cùng số dư nợ vay tăng nhanh này là khoản chi phí lãi vay lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm mà Lộc Trời phải chịu. Tuy vậy, việc tăng vay nợ không khiến dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó khăn, sở dĩ Lộc Trời gặp khó khăn về dòng tiền thời gian qua là do giá trị các khoản phải thu khách hàng quá cao.

Những năm trước, giá trị khoản phải thu khách hàng ngắn hạn của Lộc Trời chỉ dao động quanh mốc 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, số dư này đã tăng lên tới hơn 6.500 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền hàng mà Lộc Trời đã bán cho đối tác nhưng chưa thu được tiền về. Việc kinh doanh nhưng đối tác nợ quá nhiều tiền khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể.

Những khó khăn kể trên đã khiến Lộc Trời đã phải thay đổi kế hoạch chi trả cổ tức từ tiền mặt sang cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong giai đoạn 2023-2025.

Trung Hiếu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/co-phieu-lien-tuc-giam-sau-loi-nhuan-boc-hon-hon-90-dieu-gi-dang-dien-ra-o-loc-troi-78371.html
Zalo