Cổ phiếu hai 'ông lớn' bán lẻ xăng dầu 'tạo sóng'

Ngay từ giữa tháng 4, dòng tiền đua nhau tìm đến cổ phiếu PLX của Petrolimex và OIL của PV Oil đã giúp cổ phiếu của hai 'ông lớn' bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam liên tục tăng mạnh.

Theo đó, chỉ sau chưa đầy 2 tháng, thị giá PLX đã tăng khoảng 30%, trong khi OIL tăng đến hơn 50% lên vùng giá cao nhất trong hơn 2 năm.

Cổ phiếu của PV Oil tăng lên vùng giá cao nhất trong hơn 2 năm.

Cổ phiếu của PV Oil tăng lên vùng giá cao nhất trong hơn 2 năm.

Sự tích cực của 2 cổ phiếu này diễn ra sau khi Bộ Công Thương công bố dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong cuối tháng 3/2024. Dự thảo này được đánh giá tác động khá lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trong báo cáo mới đây, Maybank Investment Bank đánh giá dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp lớn trong ngành. Công ty chứng khoán này cho rằng Nghị định mới sẽ củng cố lợi thế của thương nhân đầu mối, mang lại lợi ích nhiều nhất cho các doanh nghiệp chiếm ưu thế trong nhóm này bao gồm Petrolimex và PV Oil về tiềm năng gia tăng thị phần và biên lợi nhuận.

Cụ thể, Nghị định vẫn duy trì quy định chỉ các thương nhân đầu mối được phép mua xăng dầu trực tiếp từ nhà máy lọc dầu trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi giá bán từ các thương nhân đầu mối này cho các thương nhân phân phối/bán lẻ không được luật hóa và hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa các bên tham gia. Nói cách khác, thương nhân đầu mối vẫn duy trì được quyền định đoạt việc phân chia biên lợi nhuận trong chuỗi giá trị.

Các thương nhân phân phối sẽ phải mua xăng dầu trực tiếp từ thương nhân đầu mối và không còn được phép mua chéo từ các thương nhân phân phối khác. Bên cạnh đó, Nghị định yêu cầu các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các thương nhân bán lẻ dẫn đến làm yếu đi vị thế của nhóm này trong chuỗi giá trị so với các thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối.

Ngoài ra, Nghị định mới cũng muốn tăng số ngày dự trữ xăng dầu từ 20 lên 30 ngày, điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, nhưng không ảnh hưởng đến tương quan lợi thế cạnh tranh của các thương nhân đầu mối trong toàn bộ chuỗi giá trị.

"Nếu không có những sửa đổi đáng kể so với dự thảo ban đầu, tinh thần của Nghị định mới sẽ cải thiện cách vận hành giá bán lẻ, đồng thời giảm sự phân mảnh và có lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu mối có quy mô lớn", báo cáo nêu.

Tương tự, ACBS cho rằng dự thảo sửa đổi có nhiều điểm hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như Petrolimex về dài hạn.

“Với những lợi thế như kho chứa xăng dầu lớn nhất, vị trí cây xăng thuận lợi và thương hiệu, Petrolimex sẽ cạnh tranh tốt hơn các đối thủ khác”, theo ACBS.

Về cơ bản, các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu (trừ nhà máy lọc dầu) được phân loại thành 3 nhóm: thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ. Ngoài ra, thương nhân đầu mối có thể có kênh phân phối, bán lẻ riêng. Hai thương nhân đầu mối có kênh phân phối và bán lẻ lớn nhất Việt Nam chính là Petrolimex và PV Oil.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Khoảng gần 70% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa hiện nằm trong tay "bộ đôi" Petrolimex và PV Oil.

Trong đó, Petrolimex dẫn đầu với thị phần 50% cùng 5.500 cửa hàng trên toàn quốc. PV Oil xếp thứ 2 với thị phần 18% cùng 700 cửa hàng trực thuộc. Trong quý đầu năm 2024, tổng doanh thu của Petrolimex và PV Oil lên đến gần 105.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý II/2022. Bình quân mỗi ngày hai nhà bán lẻ xăng dầu này thu về 1.150 tỷ đồng.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-hai-ong-lon-ban-le-xang-dau-tao-song-1100869.html
Zalo