Cổ phiếu đầu cơ 'tăng nhanh, giảm sốc'
Bất chấp giai đoạn giằng co của thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu mang thiên hướng đầu cơ vẫn ghi nhận chuỗi tăng mạnh. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng liên tiếp, áp lực bán ra cũng cao không kém khi xu hướng đảo chiều, với nhiều lo ngại từ giới chuyên gia.
"Tăng nhanh, giảm sốc"
Chứng khoán những phiên cuối năm 2024 và đầu năm 2025 đang đi theo chiều hướng giằng co. Các chỉ số chính dao động trong biên độ hẹp, với sắc xanh-đỏ đan xen trên bảng điện tử. Áp lực tỷ giá hiện hữu, cùng sự thận trọng của nhà đầu tư những ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến giao dịch trầm lắng, thanh khoản giảm sâu.
Giá trị giao dịch trên HoSE những phiên đầu tháng 1 chỉ loanh quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức trung bình trên 20.000 tỷ đồng những tháng đầu năm 2024 và bình quân trên 16.000 tỷ đồng trong cả năm trước.
Tuy nhiên, sàn chứng khoán vẫn ghi nhận những cổ phiếu "ngược dòng", đơn cử như mã YEG của Tập đoàn Yeah1.
Cổ phiếu này trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư từ đầu tháng 12 với chuỗi phiên tăng trần liên tục. Từ vùng giá quanh ngưỡng 10.600-11.000 đồng, YEG tăng hơn 30% chỉ sau 2 tuần, lên 14.600 đồng vào giữa tháng 12. Nối tiếp sau đó là chuỗi tăng kịch trần 7 phiên liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu này lên hơn 23.000 đồng. Chỉ tính riêng tháng 12, cổ phiếu của Yeah1 đã tăng hơn gấp đôi, trong bối cảnh thị trường chung giằng co mạnh.
Tuy nhiên, nhịp tăng nhanh bao nhiêu thì mã này cũng ghi nhận áp lực bán tháo tương ứng. Cổ phiếu YEG giảm kịch sàn 6/10 phiên gần nhất. Tới cuối phiên 10/1, mã này giao dịch quanh vùng 15.000 đồng, tương ứng giảm hơn 35% so với mức đỉnh gần nhất cuối tháng 12/2024.
Ngoài YEG, thị trường cũng ghi nhận nhịp tăng cao trong tháng 12 với nhiều cổ phiếu vốn hóa nhóm nhỏ và trung bình khác. Mã TDH của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức tăng hơn 50% chỉ sau một tuần nhờ chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp từ 19 đến 26/12/2024. Tuy nhiên, ngay sau đó, mã này cũng chịu áp lực bán tháo liên tục. Thị giá TDH giảm trở lại vùng 2.500 đồng khi chìm trong sắc đỏ 5/6 phiên gần nhất.
Vấn đề nội tại doanh nghiệp
Đánh giá về những cổ phiếu nhóm này, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, việc cổ phiếu tăng nhanh rồi đối mặt với áp lực chốt lời ồ ạt là việc không hiếm thấy, bởi dòng tiền nóng có xu hướng chốt lời sau nhịp tăng mạnh.
"Thường một cổ phiếu tăng quá 100% thì sau đó sẽ điều chỉnh rất mạnh. Về đồ thị, những cổ phiếu có độ dốc càng lớn thì sau đó sẽ có pha giảm rất mạnh. Như YEG, nếu nhìn về phân tích kỹ thuật, độ dốc trong pha tăng của cổ phiếu này lên tới 70 - 80 độ" - ông Trần Hoàng Sơn đánh giá.
Trước câu hỏi về việc có nên "bắt đáy" hay kỳ vọng nhịp phục hồi trở lại của nhóm này hay không, chuyên gia từ VPBankS cho rằng nhà đầu tư cần đánh giá từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có phục hồi và ổn định hay không.
Như trường hợp của Yeah1, chuyên gia này cho rằng, nhịp tăng vừa qua do hiệu ứng từ việc doanh nghiệp này làm trong lĩnh vực truyền thông và có một số show truyền thông nổi tiếng (Anh trai vượt ngàn chông gai) và được Thủ tướng kêu gọi nhân rộng. YEG vừa hưởng lợi về mặt truyền thông và bản thân kết quả kinh doanh của công ty cũng đã tăng trưởng khá rõ trong quý III/2024.
Đối với YEG, sau giai đoạn giảm giá mạnh từ 2020 đến 2022, công ty này cũng có sự thay đổi, mô hình kinh doanh khác xa trước, đang cấu trúc lại hoạt động kinh doanh để vượt qua khó khăn. Nhìn về tài chính, 2024 là năm tăng trưởng phục hồi.
Tuy nhiên, sau nhịp tăng đột biến tháng 12, nếu xét về định giá, ông Sơn cho rằng YEG không còn là một lựa chọn hấp dẫn. Với mức lợi nhuận kỳ vọng trong khoảng 50 – 60 tỷ đồng trong năm nay, P/E của Yeah1 đang khoảng 37 - 40 lần. "Câu chuyện lạc quan đã phản ánh vào giá rồi. Với định giá như vậy, YEG không phải cơ hội cho giai đoạn xa hơn", chuyên gia từ VPBankS bình luận.
Với trường hợp tăng mạnh trong tháng 12, một cổ phiếu khác có thể sử dụng để so sánh với YEG là KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP.
Cổ phiếu này cũng ghi nhận mức tăng hơn gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn gần đây. KSV giao dịch quanh vùng 50.000 đồng tính tới cuối tháng 11/2024 nhưng đã cán mốc 130.000 đồng tính tới cuối phiên ngày 10/1/2025.
Theo chuyên gia từ VPBankS, KSV là câu chuyện ngược lại khi công ty có nội tại tốt. TKV có thế mạnh về quyền khai thác mỏ đồng Sinh Quyền lớn nhất tại Việt Nam. Quyền khai thác mỏ đã mang lại cho công ty bức tranh kinh doanh ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, công ty cũng đang quản lý mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn. Sự cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc có thể là yếu tố đẩy giá đất hiếm lên cao trong tương lai. "KSV có thể được coi là cổ phiếu ngách, nằm trong lĩnh vực đặc biệt và có lợi thế đặc thù" - ông Sơn nhận xét.
Dòng tiền sớm trở lại nhóm vốn hóa lớn
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), các cổ phiếu vốn hóa vừa hiện tại được giao dịch với mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, định giá của cổ phiếu vốn hóa lớn (đại diện bởi VN30, VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình của thị trường. Định giá cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn hấp dẫn hơn khi xét về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh giai đoạn 2025 - 2026 so với các nhóm cổ phiếu khác.