Cổ phiếu của Petrosetco kém nhạy với iPhone 16

Không còn bùng nổ như những mùa ra mắt iPhone trước, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) có dấu hiệu bị bán ra trong lần mở bán iPhone 16 vào tháng 9/2024.

Ngành phân phối sản phẩm điện tử chậm lại

Mở bán dòng sản phẩm iPhone hàng năm là sự kiện toàn cầu giúp các doanh nghiệp phân phối và nhà bán lẻ có thêm động lực tăng trưởng giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, khác với các sự kiện những năm trước, sự kiện năm nay đã không thu hút nhà đầu tư đối với doanh nghiệp phân phối như kỳ vọng.

Petrosetco (mã PET) chính thức trở thành nhà phân phối ủy quyền sản phẩm Apple tại thị trường Việt Nam từ tháng 6/2020. Kể từ đó, đã 5 mùa mở bán iPhone mà Petrosetco tham gia phân phối, nhưng hai lần đầu tiên năm 2020, 2021, giá cổ phiếu của Petrosetco bật tăng mạnh, các lần mở bán gần đây năm 2022, năm 2023 và đặc biệt năm 2024 (tháng 9/2024) chứng kiến giá cổ phiếu giảm.

Tại lần mở bán thứ năm mà Petrosetco tham gia năm 2024, thống kê từ ngày 21/8 đến 10/9, giá cổ phiếu PET đã giảm 3,5%, từ 28.600 đồng về 27.600 đồng/cổ phiếu và nếu nhìn rộng ra từ ngày 11/6 tới nay, thì giảm 11%, từ đỉnh 31.000 đồng/cổ phiếu. Xu hướng giảm có dấu hiệu tiếp tục khi thị trường chung có dấu hiệu giảm điểm trên diện rộng.

Thực tế, trong năm đầu tiên phân phối sản phẩm Apple (chủ yếu 6 tháng cuối năm 2020), lợi nhuận gộp lĩnh vực bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị của Petrosetco đạt 374,81 tỷ đồng, chiếm 56% tổng lợi nhuận gộp trong năm và tăng 14,9% so với cùng kỳ. Bước sang năm thứ 2 (năm 2021), Petrosetco báo cáo lợi nhuận gộp lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị tăng 89,5%, lên 710,14 tỷ đồng và chiếm 64,8% tổng lợi nhuận gộp của cả công ty.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị có dấu hiệu chậm lại. Trong đó, năm 2022, lĩnh vực này ghi nhận lợi nhuận gộp chỉ tăng 7,5%, lên 763,31 tỷ đồng và chiếm 78,9% tổng lợi nhuận gộp; năm 2023 giảm 38,9%, về 466,16 tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng lợi nhuận gộp và tăng trở lại 16,4% trong nửa đầu năm 2024, lên 232,54 tỷ đồng và bằng 59,1% tổng lợi nhuận gộp.

Có thể thấy, lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị ngày một chiếm trọng số và là động lực tăng trưởng chính của Petrosetco những năm gần đây và dự kiến không có gì thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh trong giai đoạn đầu được phân phối sản phẩm Apple vào năm 2020, năm 2021, Petrosetco bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, suy giảm năm 2023 và hồi phục nhẹ trở lại nửa đầu năm 2024.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 diễn ra vào tháng 6/2024, trước lo ngại của cổ đông về hết dư địa tăng trưởng các nhãn hàng cũ, ông Vũ Tiến Dương, Tổng giám đốc Petrosetco chia sẻ: “Năm nay, công ty cũng đăng ký thêm một số nhãn hàng mới nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Kế hoạch này căn cứ tiến độ làm việc với các hãng và tình hình chung của thị trường”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Tiến Dương cũng cho biết, đặc thù ngành bán lẻ là phục hồi chậm hơn sự hồi phục của nền kinh tế: “Tín hiệu hồi phục ở nhiều lĩnh vực còn yếu, như nhóm xuất khẩu (dệt may), gia công, nhóm bất động sản (giá bất động sản neo cao nhưng sức hấp thụ vẫn chậm)… Vì vậy, tín hiệu hồi phục của ngành bán lẻ còn cần chờ thêm thời gian, chu kỳ để nhóm bán lẻ hồi phục có độ trễ 3-6 tháng so với các nhóm hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày khi thu nhập người dân tăng trở lại”.

Bài toán dư nợ vay lớn khi tiếp tục thâm hụt dòng tiền

Về tình hình kinh doanh, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận năm 2021 là 311,46 tỷ đồng, Petrosetco liên tục suy giảm khi năm 2022 chỉ còn 167,4 tỷ đồng, năm 2023 lãi 139 tỷ đồng và mới hồi phục lên 84,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 (cùng kỳ lãi 43,76 tỷ đồng).

Với việc kinh doanh đi lùi, cộng với việc đẩy mạnh khoản phải thu và tăng tích trữ tồn kho, Petrosetco liên tục duy trì mô hình thâm hụt vốn kéo dài. Trong đó, dòng tiền kinh doanh năm 2020 âm 40,52 tỷ đồng, năm 2021 âm 151,08 tỷ đồng, năm 2022 âm 167,84 tỷ đồng, năm 2023 âm 299,92 tỷ đồng và nửa đầu năm 2024 ghi nhận âm kỷ lục 624,84 tỷ đồng.

Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, Petrosetco liên tục tăng sử dụng nợ vay. Tính từ ngày 31/12/2020 đến ngày 30/6/2024, tổng nợ vay của Petrosetco đã tăng 65,9%, tương ứng tăng thêm 1.788,3 tỷ đồng, lên 4.503,4 tỷ đồng và bằng 198,6% vốn chủ sở hữu (đầu kỳ dư nợ vay chỉ 2.715,1 tỷ đồng). Tỷ lệ đòn bẩy 198,6% đang cao hơn nhiều so với tỷ lệ của ngành là 175%.

Trái với lo ngại của cổ đông, ông Vũ Tiến Dương chia sẻ: “Tồn kho công nợ tăng do quy mô doanh thu tăng và mô hình dòng tiền âm do công ty tối ưu hòa sử dụng dòng tiền tài chính bằng tăng nợ vay để tăng tồn kho và các khoản phải thu phục vụ kinh doanh”.

Có thể thấy, khi hoạt động kinh doanh liên quan tới phân phối sản phẩm công nghệ chậm lại, Petrosetco vẫn duy trì mô hình thâm hụt vốn kéo dài với tỷ lệ đòn bẩy cao so với ngành, việc nợ vay lớn dẫn tới áp lực chi phí tài chính khi hoạt động kinh doanh đang chậm lại.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phieu-cua-petrosetco-kem-nhay-voi-iphone-16-d225009.html
Zalo