Cổ phiếu công nghệ toàn cầu giảm mạnh
Các chỉ số chứng khoán chính về công nghệ của Mỹ giảm mạnh trong phiên đóng cửa ngày 3-9 (giờ địa phương), nổi bật nhất là cổ phiếu Nvidia mất 279 tỷ USD. Tin tức này đã kéo theo đà sụt giảm mạnh của các cổ phiếu cùng loại tại châu Âu và châu Á.
Chờ đợi cắt giảm lãi suất từ FED
Giá cổ phiếu của Nvidia, tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ, đã sụt giảm 9,5% khi chốt phiên giao dịch ngày 3-9 (theo giờ địa phương), đánh dấu sự lao dốc vốn hóa thị trường tính trong một ngày ở mức mạnh nhất từ trước đến nay đối với một công ty của Mỹ. Sự “bốc hơi” giá cổ phiếu của Nvidia xảy ra sau làn sóng bán tháo cổ phiếu ngành công nghệ khi giới đầu tư hoài nghi về triển vọng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng thu hồi lợi nhuận sau khi đầu tư vào lĩnh vực này. Diễn biến mới nói trên đồng nghĩa với việc Nvidia mất 279 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Tâm lý hoài nghi của giới đầu tư về khả năng thu hồi vốn sau khi đầu tư vào các tập đoàn công nghệ lớn đã lan sang cả những công ty có giá trị lớn nhất Phố Wall trong những tuần gần đây. Giá cổ phiếu của Quỹ bán dẫn iShares giảm 7,6%, trong khi các cổ phiếu Intel, Marvell Technology và Micron đều giảm ít nhất 8%. Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giảm trên diện rộng với Apple, Meta Platforms, Amazon, Alphabet và Microsoft (MSFT) đều mất giá.
Cổ phiếu Mỹ đã tăng mạnh mẽ trong tháng 8 khi nỗi lo của các nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế lắng xuống và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo chiều vào đầu tháng 9, ngay phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Lao động (2-9) ở Mỹ. Chủ tịch FED Jerome Powell đã ám chỉ việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra, có thể là ngay từ cuộc họp vào tháng 9 nhưng cho biết thêm dữ liệu kinh tế Mỹ công bố vào ngày 6-9 sẽ thúc đẩy các quyết định về tốc độ và mức độ hạ lãi suất.
Cổ phiếu châu Âu và châu Á giảm theo
Do ảnh hưởng từ Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu trong phiên mở cửa ngày 4-9 cũng giảm theo. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 1,1% trong các giao dịch đầu phiên với tất cả các ngành đều giảm. Cổ phiếu công nghệ giảm 2,5%, ô tô và ngân hàng giảm 1,3%. Tại châu Á, theo Japan Times, cổ phiếu tại Nhật Bản đã có đợt sụt giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua. Chỉ số trung bình cổ phiếu Nikkei 225 blue-chip đã giảm tới 4,7%, mức giảm lớn nhất kể từ đợt sụp đổ 12% ngày 5-8. Chỉ số Topix nói chung của Nhật Bản đã mất 3,7%. Các cổ phiếu công nghệ ở Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia trong ngày 4-9 đều giảm.
Theo ông Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty chứng khoán Matsui, đợt tăng giá chứng khoán do AI thúc đẩy đã kết thúc và diễn biến thị trường chứng khoán đang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Ngoài ra, mối lo ngại về chi phí vay cao hơn ở Nhật Bản lại nổi lên sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda tái khẳng định BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và giá cả diễn ra như mong đợi. Bình luận của ông Ueda đã giúp đồng yen duy trì mức tăng 1% so với USD. Một số nhà phân tích coi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán lần này là phản ứng tạm thời chứ chưa phải là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng khác.