Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/1
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/1 của các công ty chứng khoán.
CTCK MB (MBS)
Trong 11 tháng năm 2024, sản lượng CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HSX: NT2) ghi nhận giảm 14% đạt 2.346 tỷ kWh, mức rất thấp chủ yếu đến từ tình trạng suy giảm nguồn cung khí Đông Nam Bộ, khiến nhà máy được phân bổ Qc khiêm tốn đặc biệt trong quý I/2024.
Về giá bán, giá khí neo ở mức cao đạt 9,4 USD/mmbtu, (+4.4% svck) do nguồn cung khí giá rẻ đang cạn kiệt, các mỏ khí mới có chi phí khai thác đắt đỏ hơn. Trong bối cảnh giá bán neo cao, giá thị trường điện thấp và sản lượng huy động không tối ưu, biên lợi nhuận của NT2 ghi nhận xu hướng giảm mạnh từ 2021-2022 và ghi nhận lỗ gộp 36 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024.
Nhìn sang quý IV/2024, chúng tôi kỳ vọng sản lượng sẽ cải thiện, do phân bổ Qc tốt hơn, đặc biệt trong tháng 12/2024, kéo sản lượng phục hồi 105%, nhưng vẫn ghi nhận giảm 6% trong cả năm 2024. Theo đó, lợi nhuận ròng dự kiến cũng sẽ duy trì ở mức rất thấp đạt 85 tỷ đồng (giảm 82%) theo dự phóng MBS.
Từ 2025, NT2 có nhiều khả năng được ưu tiên cấp khí trong bối cảnh nhà máy vẫn còn hợp đồng bao tiêu với GAS cùng với việc các nhà máy đối thủ như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 (1.400 MW) hết hợp đồng BOT từ 2024-2025, dự kiến không được ưu tiên cấp khí như giai đoạn trước. Chúng tôi kỳ vọng môi trường huy động cho các nhà máy điện nói chung cũng sẽ bớt khắc nghiệt hơn giai đoạn 2024, khi EVN dần cải thiện những khó khăn tài chính đến từ các đợt tăng giá điện cùng nhu cầu phụ tải dự kiến tăng trưởng 11-13% theo kế hoạch của Bộ Công thương. Theo đó, dự kiến lợi nhuận ròng 2025-2026 sẽ tăng trưởng 289% và 63%, với giả định sản lượng các năm lần lượt tăng 25% và 10%.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 23.900 đồng/CP (tiềm năng tăng giá bao gồm tỷ suất cổ tức đạt 19%) dựa trên 2 phương pháp DCF và EV/EBITDA với tỷ trọng tương đương. NT2 là cổ phiếu có tính phòng thủ cao, rủi ro tài chính thấp và có triển vọng lợi nhuận phục hồi rõ rệt từ 2025. Theo đó, NT2 phù hợp với chiến lược đầu tư ngành phòng thủ nhờ tỷ suất cổ tức hợp lý. Tiềm năng tăng giá bao gồm 1) Các khoản lỗ tỷ giá được EVN thanh toán; 2) Có cơ chế dài hạn để các nhà máy khí nội địa được cấp LNG từ 2025. Rủi ro giảm giá: 1) Tình trạng thiếu khí trầm trọng hơn dự kiến; 2) Tăng trưởng nhu cầu điện không cao như dự kiến.
>> Tải báo cáo
Ưa thích cổ phiếu MWG và PNJ
CTCK MB (MBS)
Năm 2024 cho thấy bức tranh phục hồi khác nhau với các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Lợi nhuận ròng chuỗi bán lẻ ICT-CE có tốc độ phục hồi tốt nhất với trung bình, tăng trưởng đạt 1,2 lần, lợi nhuận chuỗi bán lẻ trang sức tăng khoảng 10% và chuỗi bán lẻ tạp hóa lớn (WCM, BHX) thành công có được lãi ròng trong nửa cuối năm 2024.
Trong năm 2025, chuỗi bán lẻ dược phẩm và tạp hóa có khả năng tiếp tục mở rộng trong bối cảnh thu nhập người tiêu dùng sẽ cải thiện tốt hơn khi sự lan tỏa của khu vực sản xuất mạnh mẽ kể từ đầu năm, trong khi chuỗi bán lẻ ICT-CE và trang sức nhìn chung sẽ duy trì số lượng cửa hàng, tập trung vào các chiến lược bán hàng nhằm kích thích nhu cầu tiêu thụ.
Chúng tôi ưa thích MWG trong năm 2025 với kỳ vọng vào sự thành công mở rộng của Bách Hóa Xanh và sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa của nhu cầu tiêu thụ điện tử tiêu dùng. Bên cạnh đấy, chúng tôi cũng ưa thích PNJ với định giá hấp dẫn.
>> Tải báo cáo
Lựa chọn các cổ phiếu KDH, DXG và NLG
CTCK MB (MBS)
So với chu kỳ bất động sản dân cư trước đây, ba động lực chính được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy giai đoạn mới của thị trường: 1) Lãi suất đạt mức thấp sau một giai đoạn duy trì ở mức cao, 2) cải thiện cơ sở hạ tầng giúp phần nào giảm bớt sự đông đúc tại nội thành và tăng cường kết nối giữa các tỉnh vùng ven, khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố, 3) việc thi hành các luật BĐS sửa đổi kỳ vọng sẽ giải quyết những nút thắt hiện hữu của thị trường.
Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ năm 2025 được dự báo đạt 30.100 căn, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, chủ yếu đến từ phân khúc cao cấp. Giá căn hộ tại Hà Nội vượt giá tại TP.HCM, cho thấy sự duy trì sức nóng của thị trường này. Trong khi đó, nguồn cung nhà thấp tầng năm 2025 dự kiến đạt 7.800 căn (-8,2%) do mức nền cao của năm 2024.
Với giá căn hộ tại TP.HCM thấp hơn đáng kể so với Hà Nội, thị trường bất động sản dân cư tại TP.HCM và khu vực phía Nam dự kiến sẽ thu hút dòng vốn đầu tư. Các dự án căn hộ và nhà thấp tầng mới dự kiến tập trung chủ yếu tại khu Đông TP.HCM. Nguồn cung căn hộ tại TP.HCM năm 2025 dự kiến đạt 9.500 căn (tăng 90%), chủ yếu từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án đã phát triển. Nguồn cung nhà thấp tầng mới tại TP.HCM dự kiến đạt 1.100 căn (tăng 100%), chủ yếu từ các dự án mới phát triển.
Chúng tôi lựa chọn các cổ phiếu KDH, DXG và NLG dựa trên các tiêu chí sau: 1) nền tảng tài chính vững mạnh, 2) các dự án có pháp lý rõ ràng, kỳ vọng đạt tỷ lệ hấp thụ cao, và 3) các dự án BĐS tại TP.HCM và các tỉnh vệ tinh, nơi được kỳ vọng đón nhận sự trở lại của các dòng vốn đầu tư.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SAM
CTCK Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu của CTCP SAM HOLDINGS (SAM – sàn HOSE) với giá mục tiêu 9.000 đồng/CP, chúng tôi đánh giá định giá của SAM khá hấp dẫn với định giá tài sản lớn của doanh nghiệp và nhiều câu chuyện tiềm năng trong tương lai. Câu chuyện SAM tích cực tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh tay cắt bỏ các mảng kinh doanh không hiệu quả cũng là điểm bứt phá cho doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, các khoản đầu tư của SAM có nhiều tiềm năng đem lại giá trị lớn và có khả năng triển khai khi bộ máy Ban lãnh đạo mới tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tính đến hết 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SAM đạt lần lượt 3.177 tỷ đồng (tăng 189%) và 82,65 tỷ đồng (tăng 233% so với cùng kỳ). Tính riêng quý III/2024, doanh thu đạt khoảng 919 tỷ đồng (tăng 76%) và lợi nhuận sau thuế đạt 8,14 tỷ đồng (tăng 7%).
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 tới từ 1) Hoạt động tái cơ cấu các công ty kinh doanh kém hiệu quả như Hạ Tầng An Việt, CTCP SAM Nông nghiệp Công nghệ cao; 2) Mảng cáp quang đẩy mạnh cho các khách hàng VNPT, Viettel, VNPT và kinh doanh xuất nhập khẩu thêm một số mặt hàng khoáng sản thuận lợi với các đối tác như CTCP Năng Lượng An Việt Phát, CTCP Dịch Vụ Hàng Hải Vosco với giá trị khoảng 300- 500 tỷ đồng giúp SDC (Công ty dây cáp của SAM) tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mạnh mẽ; 3) Lãi 52 tỷ từ thoái vốn các khoản đầu tư như Hạ Tầng An Việt và CTCP SAM Nông nghiệp Công nghệ cao.
Tính đến 30/09/2024, SAM đã đầu tư vào dự án cảng Mỹ Thủy với tổng giá trị theo vốn góp là 667 tỷ đồng với quyền sở hữu 36%. Dự án được chia thành 3 giai đoạn với 10 bến cảng, mỗi bến có công suất xếp dỡ hàng rời lên tới 3 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 với 4 bến vào khoảng 4.946 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2026. Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu ước tính hàng năm khi giai đoạn 1 hoạt động hết công suất có thể đem lại khoảng 1.100 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đem lại khoảng 250 tỷ đồng tổng và đem lại cho SAM 90 tỷ đồng lợi nhuận (gấp đôi lợi nhuận 1 năm hiện tại). Câu chuyện cảng Mỹ Thủy đang được đốc thúc xây dựng rất mạnh vì là dự án trọng điểm của tỉnh, chúng tôi cho rằng dự án sẽ giúp SAM nhảy vọt kết quả kinh doanh trong tương lai.
SAM đã mạnh tay thoái vốn Hạ Tầng An Việt và CTCP SAM Nông nghiệp Công nghệ cao (SAM Agritech) với hiệu quả kinh doanh kém vì thua lỗ dài trong nhiều năm. Bên cạnh đó, các dự án BĐS đầu tư của SAM cũng đến lúc hái quả khi liên tục đem lại mức lãi tốt trong những năm gần đây như KDL Sinh thái SAM Tuyền Lâm, BĐS KCN Tam Thăng 2 bắt đầu cho thuê và đem lại lợi nhuận tốt. Ngoài ra, các dự án BĐS còn lại khác như Samland Riverside và KDC tại Long Tân dự kiến là khoản tài sản có giá trị rất lớn trong tương lai nếu giải quyết xong vấn đề giải phóng mặt bằng và thuận lợi triển khai dự án.
Hiện nay SAM là nhà sản xuất độc quyền sợi cáp quang có thể sử dụng trong hệ thống băng thông rộng và cáp quang mà chưa có nhà sản xuất nào trong nước làm được. Khách hàng chủ yếu của SAM là các khách hàng lớn như Viettel, VNPT, FPT… vì vậy, SAM sẽ hoàn toàn tăng trưởng mảng kinh doanh này theo sự phát triển của các đối tác. Theo định hướng chiến lược, hệ thống cáp quang của Việt Nam cần phải dẫn đầu khu vực và ước tính tăng trưởng gấp đôi số cáp quang hiện có, vì vậy đây là cơ hội tăng trưởng rất lớn đối với SAM trong tương lai.