Cổ phiếu bất động sản chìm trong sắc đỏ
Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên hôm nay (2/10) chịu sức ép lớn nên đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, dù có sự phân hóa, nhưng nhóm ngân hàng vẫn là góp công lớn giữ cho thị trường không bị giảm sâu.
Trong phiên sáng, sự thận trọng trước các thông tin bất lợi từ bên ngoài khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, nhưng tâm lý nhà đầu tư hiện nay đã vững vàng hơn, không chạy đua bán tháo, mà chủ yếu giao dịch cầm chừng thăm dò, nên VN-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.290 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng đầu phiên khiến VN-Index nới rộng đà tăng, xuống thử thách ngưỡng 1.285 điểm, nhưng cả 2 lần ngưỡng hỗ trợ này đều trụ vững. Sau 2 nhịp bán và nhận thấy lực cầu chờ mua giá thấp khá tốt, bên bán đã chùn tay, khiến giao dịch chậm lại và VN-Index chỉ giằng co trong biên độ hẹp, đóng cửa giảm nhẹ, dù thấp hơn phiên sáng và trên bảng điện tử, sắc đỏ vẫn chiếm thế áp đảo.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,34%), xuống 1.287,84 điểm với 96 mã tăng (nhiều hơn 12 mã so với phiên sáng), trong khi có tới 299 mã giảm (nhiều hơn 18 mã so với phiên sáng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 771,1 triệu đơn vị, giá trị 17.747,4 tỷ đồng, giảm 21,5% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 93,3 triệu đơn vị, giá trị 2.797,2 tỷ đồng.
Xét về các nhóm ngành, phiên hôm nay nhóm bất động sản, xây dựng có giao dịch kém tích cực nhất khi đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Đây là nhóm có số lượng thành phiên đông đảo nhất trên sàn, nhưng số sắc xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay NTL, KOS, NBB, CCL, CCI, cùng với khoảng 15 mã đứng tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là PDR khi mất 5,57% xuống 21.200 đồng, tiếp đến là DXG giảm 4,79% xuống 15.900 đồng, LDG giảm 4,57% xuống 2.090 đồng, SGR sau phiên hồi mạnh hôm qua sau chuỗi điều chỉnh từ đỉnh 49.250 đồng cũng đã quay đầu giảm 4,11% trong phiên hôm nay, xuống 42.000 đồng. Các mã giảm từ hơn 2% đến 2,7% có DXS, VPI, KBC, DIG, TEG, D2D và NHA. Trong đó, dù giảm mạnh, nhưng có 3 mã nhận được lực cầu tốt, giúp khối lượng giao dịch nằm trong Top 10 hôm nay là DIG khớp 20,54 triệu đơn vị (giảm 2,18% xuống 22.400 đồng), PDR khớp 18,6 triệu đơn vị và DXG khớp 18,33 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm chứng khoán cũng chỉ có duy nhất 1 sắc xanh tại ORS với mức tăng khá tốt 3,55% lên 14.600 đồng, khớp khá tốt 12,67 triệu đơn vị, còn lại chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 21,6 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn; đóng cửa giảm 1,21% xuống 12.200 đồng. Tiếp đến là VND khớp 15,71 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,27% xuống 15.100 đồng.
Nhóm thép có sự phân hóa, trong đó mã đầu ngành HPG giảm 1,68% xuống 26.300 đồng, khớp 21,29 triệu đơn vị. Trong khi HSG đứng tham chiếu 21.300 đồng, khớp 14,42 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng dù có phân hóa, nhưng vẫn là nhóm có giao dịch tích cực nhất hôm nay với sắc xanh ưu thế hơn sắc đó, góp công lớn giúp thị trường không bị giảm sâu. Trong đó, tăng mạnh nhất nhóm là TPB 2,34% lên 17.500 đồng, tiếp đến là EIB tăng 1,59% lên 19.200 đồng, TCB 1,01% lên 24.900 đồng, VCB tăng 0,76% lên 92.700 đồng; SSB, MSB, BID, MBB, ACB, STB có sắc xanh nhạt.
Ở chiều ngược lại, trong 7 mã giảm, có 6 mã giảm hơn 1%, trong đó HDB giảm mạnh nhất 1,61%, LPB giảm khiêm tốn nhất 0,79% xuống 31.450 đồng, cùng với NAB đứng tham chiếu 16.550 đồng.
Ngân hàng cũng là nhóm hút dòng tiền nhất hôm nay khi cả 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE đều thuộc nhóm này là VPB khớp 37,58 triệu đơn vị, TPB khớp 33,12 triệu đơn vị và TCB khớp 28,21 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, các mã khớp mạnh khác có SHB khớp 21,23 triệu đơn vị, MSB và MBB khớp trên dưới 13 triệu đơn vị.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới rộng đà giảm đầu phiên và xác lập đáy của ngày trước khi thu hẹp đà giảm vào cuối phiên, đóng cửa gần như bằng phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1 điểm (-0,42%), xuống 235,05 điểm với 61 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,9 triệu đơn vị, giá trị 1.153 tỷ đồng, giảm 54% về khối lượng và 48% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị 101 tỷ đồng.
SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 9,44 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 16.200 đồng. Tiếp đến cũng là một mã chứng khoán là MBS khớp 5,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,58% lên 32.100 đồng. CEO khớp 5,57 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,48% xuống 15.700 đồng; PVS khớp 3,28 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,99% lên 40.800 đồng. TIG khớp 2,36 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,6% xuống 13.400 đồng. Ngoài ra, còn có 9 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có 2 mã tăng là PVS và BVS, cùng NRC đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.
UPCoM giằng co nhẹ trong phiên chiều rồi bất ngờ bứt lên vào ít phút cuối phiên về lại điểm xuất phát khi đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index đứng ở mức 93,28 điểm với 125 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,6 triệu đơn vị, giá trị 627,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 29 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã vẫn có thanh khoản tốt nhất với 7,43 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,41% lên 24.300 đồng. Trong khi đó, BCR vượt qua OIL trở thành mã có thanh khoản tốt thứ 2 với 2,51 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,79% xuống 5.500 đồng; OIL khớp 2,48 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,56% lên 13.000 đồng. Bên cạnh đó, còn có 6 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ hơn thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 10 là VN30F2410 giảm 2,9 điểm (-0,21%), xuống 1.357,1 điểm (VN30-Index giảm 4,37 điểm, tương đương giảm 0,32% xuống 1.354,51 điểm). Khối lượng giao dịch đạt 183.117 hợp đồng, tương đương tổng giá trị 24.838,4 tỷ đồng; khối lượng mở 59.677 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay ghi nhận mức giao dịch đột biến tại CMWG2314 do SSI phát hành với gần 9,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,1% xuống 1.790 đồng/chứng quyền. Trong khi đó, giảm mạnh nhất là CMSN2313 cũng do SSI phát hành khi giảm kịch sàn 66,67% xuống 10 đồng/chứng quyền, thanh khoản 3,65 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau CHPG2331 cũng do SSI phát hành với 3,95 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 24% xuống 190 đồng/chứng quyền.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có tổng khối lượng giao dịch 5,57 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 4.252,2 tỷ đồng. Trong đó, TSL12101 do Tập đoàn Đạt Phương phát hành có khối lượng giao dịch tốt nhất với 1,65 triệu đơn vị, chiếm gần 30% tổng khối lượng giao dịch hôm nay, tương ứng giá trị 1.718,7 tỷ đồng, cũng là mã có giá trị giao dịch lớn nhất, chiếm 40% tổng giá trị giao dịch.