Cổ phiếu bảo hiểm nổi sóng
Cổ phiếu ngành bảo hiểm đang bứt phá mạnh nhờ cộng hưởng của nhiều thông tin từ kết quả kinh doanh tích cực, thoái vốn nhà nước, kỳ vọng lãi suất tăng và khung pháp lý mới…
Trong phiên giao dịch đầu tuần 25/10, thị trường chứng khoán diễn biến không mấy tích cực khi VN-Index giảm gần 4 điểm (-0,28%). Trong diễn biến đó, cổ phiếu bảo hiểm lại là điểm sáng khi bứt phá mạnh để trở thành lực kéo lớn nhất cho chỉ số.
Phiên bứt phá ngày 25/10 cùng thời điểm diễn ra Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận và cho ý kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm sau 20 năm áp dụng.
Cổ phiếu lên đỉnh
Bảo hiểm là cái tên đáng chú ý nhất khi các mã chủ chốt tăng nhanh từ đầu phiên và càng nới rộng theo thời gian. Trong đó BVH của Tập đoàn Bảo Việt trở thành mã dẫn dắt thị trường khi tăng trần lên 64.500 đồng/cổ phiếu cùng thanh khoản tăng vọt.
Ngoài ra mã BMI của Tổng công ty Bảo Minh dư mua trần tại mức giá 44.450 đồng/cổ phiếu và VNR của Vinare cũng tăng trần lên 42.900 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu khác như PVI tăng 7,1%, PTI tăng 5,1%, PRE tăng 4,8% và nhiều mã khác tăng 1-3%...
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị SCIC triển khai thoái vốn theo danh mục năm 2021 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh và Nhựa thiếu niên Tiền Phong.
Trong đó SCIC đang giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH (tương đương 3,26% vốn) và sở hữu 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tương đương 50,7% vốn). Ngoài ra một cổ phiếu bảo hiểm khác là VNR cũng xuất hiện trong danh mục thoái vốn của SCIC nhưng chưa được ưu tiên trong đợt này.
Tính khoảng thời gian dài hơn, các cổ phiếu nhóm bảo hiểm đã bắt đầu tăng tốc từ giữa tháng 9 khi phần lớn các mã chứng khoán có mức tăng 15-30%, thậm chí cổ phiếu VNR còn đạt mức tăng gấp rưỡi chỉ sau hơn một tháng.
Còn tính từ đầu năm, nhiều mã ngành bảo hiểm đã bứt phá rất mạnh trong đó VNR tăng gần 160%, hay các mã PTI, BMI, BLI, MIG… cũng tăng giá 70-90% trong cùng giai đoạn này. Phần lớn các cổ phiếu nhóm này đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử.
Các công ty đang niêm yết là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Tại Việt Nam chưa có công ty bảo hiểm nhân thọ nào niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Các động lực tăng giá
Đà tăng của nhóm cổ phiếu bảo hiểm là sự cộng hưởng của nhiếu yếu tố cùng với diễn biến tích cực của thị trường chung gần đây. VN-Index đã tăng tích cực từ giữa năm 2020 đến nay, trước khi đi ngang tích lũy gần đây.
Trong khi trước đó cổ phiếu bảo hiểm chưa tăng nhiều dù có hoạt động khá ổn định, dẫn đến mức định giá của ngành này bị rẻ đi tương đối. Vào giữa tháng 9, một báo cáo của FiinGroup cho thấy định giá nhóm này đang ở mức rất thấp so với lịch sử với hệ số P/B ở 1,7 lần, rẻ hơn nhiều so với nhóm ngân hàng và chứng khoán thời điểm đó.
“Mặt bằng lãi suất thấp là lợi thế cho mô hình của ngân hàng và công ty chứng khoán nhưng lại là yếu tố làm cho lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính và tiền gửi của ngành bảo hiểm kém đi. Hơn nữa, với sự thiếu vắng giao dịch của cổ đông nội bộ đã làm cho cổ phiếu bảo hiểm kém sôi động và lý giải cho sự chiết khấu định giá ở mức thấp”, FiinGroup nhận định.
Giới đầu tư đang kỳ vọng mặt bằng lãi suất đã thiết lập vùng đáy và nhiều khả năng sẽ đảo chiều đi lên khi nền kinh tế dần phục hồi. Tiền gửi ngân hàng chiếm khoảng 80% danh mục đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên cạnh việc bị định giá thấp, yếu tố hỗ trợ tiếp theo là phụ lục Nghị định 31/2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) đối với lĩnh vực bảo hiểm. Do đó các công ty bảo hiểm có thể đón thêm cổ đông ngoại mới cùng tham gia vào doanh nghiệp.
Đơn cử như Tổng công ty Bảo Minh từng nhiều lần có văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền xin nới tỷ lệ room ngoại lên 100% tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó PVI và PTI mới được chấp thuận nâng tỷ lệ lên 100% vào đầu tháng 10.
Báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt đánh giá hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều đặt mục tiêu tăng trưởng âm hoặc thấp trong năm 2021 do môi trường lãi suất thấp. Việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp các công ty bảo hiểm được định giá lại.
Một yếu tố khác là khung pháp lý ngành đang được hoàn thiện. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực từ giữa năm 2023.
Chứng khoán Rồng Việt đánh giá các thay đổi (dự kiến) trong luật mới cho thấy một sự cởi mở trong tư duy quản lý đồng thời đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia thị trường. Các thay đổi trọng yếu có thể tạo ra những thay đổi lớn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
Đối với tổ chức bảo hiểm vi mô, đây là loại sản phẩm đặc thù có vai trò an sinh xã hội và cần cách thức triển khai với bảo hiểm thương mại để khuyến khích các nhà bảo hiểm. Nếu khung pháp lý phù hợp, phân khúc này có thể bùng nổ về doanh thu nhờ dư địa thị trường người có thu nhập thấp rất lớn.
Theo Chứng khoán KIS Việt Nam, điểm tích cực trong sự thay đổi này là các công ty bảo hiểm sẽ không bị giới hạn tỷ trọng tối đa cho từng hoạt động đầu tư, sẽ có nhiều cơ hội để tối đa hóa việc sinh lời tùy theo tình hình thị trường.
Lợi nhuận tăng trưởng cao
Bộ Tài chính thông tin tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 152.000 tỷ đồng, tăng 15,38% so với 9 tháng năm 2020. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 43.890 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 108.103 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng trong 9 tháng đầu năm, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 37.977 tỷ đồng, tăng 11,69% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 14.568 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 23.409 tỷ đồng.
Năm 2020 chỉ có 15 doanh nghiệp hoạt động thì đến nay thị trường bảo hiểm đã có 75 đơn vị đang kinh doanh, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 23 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cùng 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Thực tế hoạt động của khối công ty bảo hiểm vẫn đang tăng trưởng tích cực bất chấp đại dịch. Đơn cử trong quý III, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ghi nhận lợi nhuận trước thuế gấp đôi cùng kỳ đạt 131 tỷ đồng và lợi nhuận lũy kế từ đầu năm tăng 18% lên 248 tỷ đồng.
Tương tự Bảo hiểm Agribank (ABI) thông báo doanh thu thuần tăng 7% và lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 71% trong quý vừa qua. Tính chung 9 tháng đầu năm, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận đạt 361 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và vượt 20% mục tiêu cả năm.
Ông lớn bảo hiểm PVI cũng đạt mức tăng trưởng 86% về lợi nhuận trước thuế trong quý III, nhờ cải thiện biên lãi gộp và tiết giảm chi phí. Lũy kế từ đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 987 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch năm.
Trong khi đó Bảo hiểm Petrolimex (PGI) ước tính lợi nhuận 9 tháng đầu năm vào khoảng 247 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong hơn 26 năm hoạt động, dù vị thế thị phần phí bảo hiểm gốc của doanh nghiệp suy giảm.