Cổ phiếu bán lẻ sẽ tăng trưởng cùng nhịp với kinh tế vĩ mô?

Nhìn lại năm 2024, cổ phiếu ngành bán lẻ có mức tăng vượt trội (+36%) so với thị trường chung (+12,7% của VN-Index). Trong số này, FRT là cổ phiếu có diễn biến tích cực nhất khi đạt mức tăng 74%, kế đó là MWG (+43%) và PNJ (+16%)...

Chuỗi Pharmacity chỉ đóng cửa một vài cửa hàng trong chín tháng đầu năm nay nhưng so với quy mô đạt đỉnh trong năm 2022 thì chuỗi này đã đóng khoảng 22% số cửa hàng.

Chuỗi Pharmacity chỉ đóng cửa một vài cửa hàng trong chín tháng đầu năm nay nhưng so với quy mô đạt đỉnh trong năm 2022 thì chuỗi này đã đóng khoảng 22% số cửa hàng.

Nhìn chung, bối cảnh kinh tế cải thiện trong năm 2024 đã giúp cải thiện tâm lý người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát đi ngang và thị trường bất động sản còn chưa phục hồi rõ ràng, mức phục hồi của tiêu dùng còn khá chậm. Cơn bão Yagi cũng đã ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ khi phải chịu thêm chi phí phát sinh và mất doanh số.

Bước sang năm 2025, theo Công ty Chứng khoán SSI, một số yếu tố kinh tế vĩ mô có thể hỗ trợ cho tiêu dùng phục hồi, bao gồm: (1) tăng trưởng xuất khẩu các ngành cần nhiều lao động, nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam; (2) thị trường bất động sản phục hồi sẽ thúc đẩy hiệu ứng tài sản và (3) gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng đến tháng 6-2025.

Cụ thể hơn, đối với nhóm bán lẻ điện thoại và điện máy (ICT và CE), doanh thu điện thoại vẫn ở mức yếu trong khi doanh thu điện máy tốt hơn. Do đó, chuỗi Điện máy xanh/Thế giới di động của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) có kết quả kinh doanh tích cực hơn so với chuỗi FPT Shop của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), nhờ tỷ trọng điện máy trong cơ cấu doanh thu cao hơn.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại và điện máy cũng được cải thiện nhờ chiến lược tối ưu hóa chi phí hiệu quả và cạnh tranh giá bớt gay gắt hơn. Trong chín tháng đầu năm 2024, FRT đã đóng cửa 118 cửa hàng FPT Shop (giảm 16% số cửa hàng so với cuối năm 2023), trong khi MWG đóng cửa 213 cửa hàng Điện máy xanh/Thế giới di động (giảm 7% số cửa hàng so với cuối năm 2023) để cắt giảm chi phí.

Trong năm 2025, mảng điện thoại được kỳ vọng sẽ khả quan hơn (tăng trưởng doanh thu đạt từ 5-10%) nhờ các yếu tố như: nền thấp của năm 2024, chu kỳ thay thế sản phẩm và sự cải tiến công nghệ của iPhone 17. Nhìn lại quá khứ, doanh thu điện thoại di động và máy tính xách tay đã đạt đỉnh vào năm 2021 nhờ nhu cầu tăng đột biến do dịch Covid-19. Với chu kỳ thay thế 4-5 năm, kỳ vọng nhu cầu thay thế sẽ bắt đầu từ năm 2025 đi kèm biên lợi nhuận cải thiện của các doanh nghiệp trong ngành.

Các cổ phiếu bán lẻ vẫn còn không ít dư địa để tăng trưởng trong năm nay. Nhưng nếu tiêu dùng tăng yếu hơn kỳ vọng do các yếu tố liên quan đến lạm phát, chính sách thuế quan mới của chính quyền Donald Trump hay đà phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến, việc điều chỉnh kỳ vọng với nhóm cổ phiếu bán lẻ là điều cần được tính đến.

Với nhóm bán lẻ hàng hóa, chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) ghi nhận mức tăng doanh thu ấn tượng (+36% trong chín tháng đầu năm 2024, tốt hơn nhiều so với mức tăng 9% của WinMart). BHX đã tái cấu trúc thành công cơ cấu sản phẩm (nhiều rau hơn ở các cửa hàng khu vực thành phố, nhiều trái cây nhập khẩu hơn ở các cửa hàng nông thôn, nhiều thịt/hải sản có thương hiệu hơn), nhờ đó đã thu hút được nhiều khách hàng mới. Nhờ vậy, chuỗi này đã hòa vốn trong quí 2-2024, trong khi WinMart hòa vốn trong quí 3-2024.

Tuy nhiên, WinMart lại vượt trội hơn BHX trong việc mở mới cửa hàng. Trong chín tháng đầu năm 2024, WinMart đã mở mới 100 cửa hàng trong khi BHX chỉ mở mới 28 cửa hàng. Về triển vọng năm 2025, kỳ vọng việc tối ưu hóa chi phí (chủ yếu số hóa các công việc có tính lặp lại tại cửa hàng để cắt giảm chi phí nhân công) và mở rộng mạng lưới cửa hàng sẽ tiếp tục giúp thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của BHX hay WinMart. Hai chuỗi bán lẻ này có thể sẽ mở mới lần lượt 200 và 150 cửa hàng (tương đương 12% và 4% mạng lưới cửa hàng), giúp doanh thu tăng trưởng lần lượt khoảng 13% và 8%.

Với nhóm bán lẻ dược phẩm, ngành này có sự phân hóa lớn trong năm vừa qua. Trong ba quí đầu năm, chuỗi Nhà thuốc Long Châu đã mở 352 nhà thuốc mới trong khi chuỗi An Khang đã đóng khoảng 200 cửa hàng (giảm khoảng 40% mạng lưới cửa hàng) để giảm thiểu lỗ trong quá trình hoàn thiện mô hình kinh doanh. Chuỗi Pharmacity chỉ đóng cửa một vài cửa hàng trong chín tháng đầu năm nay, nhưng so với quy mô đạt đỉnh trong năm 2022 thì chuỗi này đã đóng khoảng 22% số cửa hàng.

Ngoài việc bán thuốc, Long Châu cũng đã bắt đầu mở rộng dịch vụ vaccine từ năm 2024 nhằm tận dụng tệp khách hàng hiện có của nhà thuốc. Chuỗi vaccine của Long Châu hiện nay đã trở thành chuỗi vaccine hiện đại lớn thứ hai tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh vaccine của Long Châu được kỳ vọng sẽ tăng nhanh do chi tiêu vaccine tăng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cho các bệnh không bao gồm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện còn thấp.

Với nhóm bán lẻ trang sức, yếu tố tác động lớn là giá vàng. Giá vàng đã tăng hơn 30% trong năm 2024, qua đó kích thích nhu cầu tích trữ vàng của người dân. Cùng với đó, lượng vàng miếng cung cấp ra thị trường thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước lại sụt giảm. Ngoài ra, Chính phủ cũng có những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng để ngăn chặn các hoạt động “buôn lậu”.

Trong bối cảnh đó, các cửa hàng vàng nhỏ lẻ đã gặp không ít khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc vàng, buộc phải hạn chế hoạt động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vàng trong nước. Là một trong những “ông lớn” trong ngành, PNJ đã tận dụng được cơ hội này để giành thị phần từ các cửa hàng vàng nhỏ lẻ, thể hiện qua tăng trưởng doanh thu bán lẻ (+16% trong chín tháng đầu năm 2024), tốt hơn nhiều so với tổng mức tiêu thụ trang sức tại Việt Nam (-12% trong chín tháng đầu năm 2024, theo Hội đồng Vàng thế giới).

Cũng do tình trạng thiếu hụt vàng, PNJ đã quyết định nung chảy hàng tồn kho lâu năm thành vàng nguyên chất, sau đó tái sử dụng để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Theo đó, công ty đã ghi giảm hàng tồn kho trong quí 3-2024, dẫn tới làm giảm biên lợi nhuận gộp trong năm 2024. Bước sang năm 2025, PNJ được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng thị phần từ các cửa hàng vàng nhỏ lẻ. Với tình trạng thiếu hụt vàng bớt nghiêm trọng và không còn ghi giảm hàng tồn kho, biên lợi nhuận gộp của PNJ nhiều khả năng sẽ phục hồi trong năm 2025. Ước tính doanh thu bán lẻ năm 2025 của PNJ sẽ tăng 14% trong khi lợi nhuận ròng có thể tăng 18%.

Tóm lại, các cổ phiếu bán lẻ vẫn còn không ít dư địa để tăng trưởng trong năm nay. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao các số liệu về tiêu dùng qua từng tháng để đánh giá kịp thời triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Nếu tiêu dùng tăng yếu hơn kỳ vọng do các yếu tố liên quan đến lạm phát, chính sách thuế quan mới của chính quyền ông Donald Trump hay đà phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến, việc điều chỉnh kỳ vọng với nhóm cổ phiếu bán lẻ là điều cần được tính đến.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-phieu-ban-le-se-tang-truong-cung-nhip-voi-kinh-te-vi-mo/
Zalo