Có phải cứ đau mắt đỏ là lây cho người khác?

Nhiều người cho rằng cứ bị đau mắt là lây cho người tiếp xúc với mình. Tuy nhiên, tình trạng này do nhiều vấn đề gây ra và không phải loại nào cũng lây nhiễm.

 Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng mắt và không phải loại nào cũng gây lây nhiễm. Ảnh minh họa: Europeaneyecenter.

Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng mắt và không phải loại nào cũng gây lây nhiễm. Ảnh minh họa: Europeaneyecenter.

Bạn thường tự chẩn đoán mình bị viêm kết mạc mỗi khi mắt đỏ và chảy nước? Từ việc đeo kính râm trong quá trình điều trị bệnh đau mắt đỏ cho đến việc tự cách ly, nỗi sợ lây lan cho người xung quanh là điều mà chúng ta đều từng trải qua.

Mặc dù việc duy trì khoảng cách an toàn với các thành viên trong gia đình cũng như vệ sinh tay là điều cần thiết, không phải tất cả bệnh nhiễm trùng mắt đều dễ lây lan.

Triệu chứng nhiễm trùng mắt dễ lây

Theo Healthshots, một số triệu chứng cơ bản có thể chỉ ra nhiễm trùng mắt có tính lây lan:

- Chảy dịch: Mắt bị nhiễm trùng sẽ liên tục chảy nước hoặc có mủ. Loại, màu sắc và kết cấu của dịch tiết cũng thường giúp người ta xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng. Ví dụ, dịch tiết ra nước và trong là dấu hiệu của nhiễm virus, trong khi dịch tiết có mủ thường là dấu hiệu của vi khuẩn. Dịch thường xảy ra khi nhiễm trùng có thể dễ dàng lây lan.

- Đỏ và sưng tấy: Đỏ mắt cùng với sưng mí mắt là dấu hiệu phổ biến cho thấy nhiễm trùng đang lây lan. Toàn bộ vùng mắt trông sưng húp và viêm nhiễm.

- Ngứa: Ngứa hoặc rát thường xảy ra khi nghi ngờ nhiễm trùng là bệnh truyền nhiễm. Đó là một triệu chứng khó chịu, có thể dẫn đến nhức hoặc đau mắt, khiến bạn phải chà xát, dụi vùng bị nhiễm trùng.

- Gỉ mắt: Gỉ, ghèn là lớp chất dịch khô bên trong và xung quanh mắt khiến mắt trở nên cứng và nặng hơn. Tình trạng này thường được nhận thấy khi thức dậy sau một giấc ngủ và cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng truyền nhiễm.

Triệu chứng nhiễm trùng mắt không lây

Nhiễm trùng mắt không lây nhiễm thường không có nhiều triệu chứng bên ngoài và rõ ràng. Một số bệnh nhiễm trùng mắt như viêm bờ mi tồn tại trong thời gian dài. Đây là những bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra do các bệnh tự miễn dịch hoặc các chất kích thích lâu dài không lây nhiễm và không thể dễ dàng lây lan qua tiếp xúc.

Ngoài ra, đỏ mắt do dị ứng không lây nhiễm, thường cả hai mắt đều đỏ, ngứa dữ dội, chảy nước mắt, viêm mắt. Chúng cũng kèm theo các triệu chứng dị ứng khác như ngứa mũi, hắt hơi, ngứa họng hoặc hen suyễn.

Nhiễm trùng mắt lây lan như thế nào?

Có nhiều cách khác nhau để nhiễm trùng mắt có thể lây lan. Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh như chạm ngón tay bị ô nhiễm vào mắt hoặc tiếp xúc với các bề mặt và đồ vật bị ảnh hưởng như khăn tắm hoặc đồ trang điểm.

Ví dụ, dụi mắt sau khi chạm vào vật gì đó không sạch sẽ có thể dẫn đến phát triển căn bệnh này. Các giọt hô hấp cũng có thể mang virus, gây ra một số loại viêm kết mạc.

Khoảng thời gian nhiễm trùng mắt có thể lây lan khác nhau, tùy thuộc vào loại điều trị. Viêm kết mạc do vi khuẩn dễ lây lan miễn là có dịch tiết ra nhìn thấy được, thường kéo dài khoảng 24 giờ đến 2 ngày sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Trong khi đó, viêm kết mạc do virus có thể có thời gian lây nhiễm lâu hơn, kéo dài từ vài ngày đến hai tuần cho đến khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn.

Do đó, việc duy trì các biện pháp vệ sinh đúng cách và tránh dùng chung đồ dùng cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng mắt lây lan thêm.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/co-phai-cu-dau-mat-do-la-lay-cho-nguoi-khac-post1501046.html
Zalo