'Có những vật chứng, tài sản để lâu không thanh lý được, rất lãng phí'

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Nga báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Bà Lê Thị Nga báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Về biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo Nghị quyết và cho rằng, trong quá trình tố tụng nếu cho phép thực hiện sớm việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đã kê biên, phong tỏa qua hình thức bán đấu giá sẽ tạo khả năng thu hồi các khoản bồi thường thiệt hại cao hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả bị hại và người bị buộc tội. Ủy ban Tư pháp cũng tán thành quy định của dự thảo Nghị quyết về biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (khoản 5 Điều 3) và cho rằng, đây là biện pháp có vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng.

Ông Nguyễn Hải Trung phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Nguyễn Hải Trung phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết. Bởi thực tế hiện nay Công an TP Hà Nội đang hàng ngày, hàng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng tồn tại nhiều năm không được xử lý, gây lãng phí.

Theo vị đại biểu là Giám đốc Công an TP Hà Nội, thứ nhất là lãng phí chính giá trị tài sản của vật chứng. Có những tài sản để lâu quá, mất giá trị, chủ tài sản không để ý đến, coi như bỏ luôn. Trong khi đó không thanh lý được, không hủy được, rất lãng phí.

Theo ông Trung, hiện nay lẽ ra công an thành phố phải có kho vật chứng chung, các quận huyện phải có kho vật chứng của cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Nhưng các quận nội thành không có quỹ đất để xây dựng kho vật chứng theo quy chuẩn. Hơn nữa, trong chương trình cải cách tư pháp, thành phố phải có kho vật chứng cả về hình sự, dân sự nhưng chưa có kho hoặc có nhưng không đáp ứng về diện tích, tiêu chuẩn.

Không những vậy, cơ quan chức năng phải bố trí người trông coi kho vật chứng. Theo quy định, việc quản lý trông coi là công an, xử lý tài sản lại là tòa án. “Mới đây chúng tôi đã nhận mấy chục tấn đất hiếm trong một vụ án và phải xây nhà tạm để lưu giữ. Dù là nhà tạm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, tránh thất thoát mất mát. Trong khi đó để trông coi không chỉ 1-2 người. Nếu đối chiếu với quy định mới nhất, đây là vấn đề rất vướng mắc, rất bất cập”-ông Trung nói và đánh giá phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết còn quá hẹp, chỉ áp dụng với một số vụ án của Ban chỉ đạo Trung ương về tham nhũng nên chưa đại diện được hết các vụ việc.

Theo ông Trung, sau khi triển khai thí điểm Nghị quyết phải tính toán mở rộng phạm vi điều chỉnh, thậm chí phải ban hành Luật, nhất là thời gian thí điểm 3 năm là quá lâu. “Đã coi là điểm nghẽn thì phải khẩn trương giải quyết, tháo gỡ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Quốc hội”-ông Trung bày tỏ.

Ông Lường Văn Hùng phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Lường Văn Hùng phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) cũng nhất trí rằng ban hành nghị quyết để mang lại hiệu quả trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng.

Tuy nhiên trong xử lý vật chứng tiền tố tụng, ông Hùng lưu ý cần rất thận trọng. Hiến pháp quy định, tài sản của người dân được đảm bảo. Vì vậy thời điểm xem xét xử lý vật chứng, tài sản nên áp dụng từ khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và trong giai đoạn điều tra truy tố xét xử.

Quang Vinh, Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-nhung-vat-chung-tai-san-de-lau-khong-thanh-ly-duoc-rat-lang-phi-10293426.html
Zalo