Có những người không ai nhớ mặt, đặt tên, nhưng họ đã làm nên 'Đất nước'!

Hàng triệu người đã ngã xuống dưới mưa bom bão đạn, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Máu đào của họ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, hun đúc nên sức mạnh tinh thần dân tộc và khát vọng vươn lên. Họ đã chiến đấu và hy sinh đúng như trong những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: 'Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Ðất nước'

Quyết hy sinh cho Tổ quốc tươi đẹp

“Từ trên máy bay nhìn xuống thấy quê hương, đất nước mình đẹp lắm. Chính vì thế chúng tôi ngày đó, ai cũng nguyện sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bằng được bầu trời của Tổ quốc”, đó là những chia sẻ của Đại tá, phi công Nguyễn Đình Khoa trong chương trình "Gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu" nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025) được tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội. Dù đã bước sang tuổi 85, mắt đã mờ, trí nhớ cũng không còn như trước, thế nhưng nhắc đến ký ức hào hùng của một thời hoa lửa, Đại tá Nguyễn Đình Khoa vẫn không thể nào quên.

Tham gia quân đội, được tuyển chọn làm phi công từ khi còn trẻ, lần bay đầu tiên trên bầu trời Tổ quốc là những ký ức chưa bao giờ phai nhạt trong Đại tá Nguyễn Đình Khoa.

“Khi máy bay cất cánh, đến tầm cao vừa đủ nhìn xuống. Hình ảnh núi sông, những cánh đồng lúa, những ngôi làng trên mặt đất Việt Nam rất đẹp. Lúc đó xúc động lắm và đó chính là động lực để chúng tôi sẵn sàng hy sinh xương máu bảo vệ từng tấc đất quê hương”, Đại tá Nguyễn Đình Khoa nhớ lại. Suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Đại tá Nguyễn Đình Khoa đã nhiều lần dẫn đầu đội hình máy bay cùng chiến đấu với lực lượng không quân của kẻ địch. Những chiến dịch lớn chưa bao giờ thiếu vắng ông.

Bị thương khi chiến đấu, ảnh hưởng tới 92% sức khỏe, thế nhưng người cựu chiến binh Lê Đức Luân chưa bao giờ mất đi niềm vui trong cuộc sống. Nhìn đất nước đang đổi thay từng ngày, ông biết hy sinh của thế hệ các ông là xứng đáng. Chỉ có một chút tiếc nuối là nhiều đồng đội của ông đã mãi hy sinh, nằm lại trên chiến trường không thể nhìn thấy được thành quả hôm nay.

Xúc động kể lại, cựu chiến binh Lê Đức Luân cho hay, tham qua quân ngũ từ năm 1971, ông là chiến sĩ pháo cao xạ thuộc Sư đoàn phòng không không quân 367. Sau 5 tháng huấn luyện tại Hà Nội thì ông nhận lệnh đi sang Lào. 8 tháng sau, ông và đồng đội tiếp tục nhận lệnh của Bộ Tư lệnh sang chiến trường B1 (hiện tại là Quân khu 5), về đóng quân tại sân bay Khâm Đức, thung lũng Quế Sơn.

Cựu chiến binh Lê Đức Luân dù bị thương mất 92% sức khỏe nhưng ông vẫn lạc quan, luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Cựu chiến binh Lê Đức Luân dù bị thương mất 92% sức khỏe nhưng ông vẫn lạc quan, luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

“Trong thời điểm này, chúng tôi tham gia một số trận đánh và bắn rơi một số máy bay F105 của địch. Đó là loại máy bay còn được gọi là “thần sấm” của Mỹ lúc bấy giờ. Sau đợt đó, chúng tôi tiếp tục nhận lệnh của Trung ương Đảng, phải đi sâu vào trong vì có khả năng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh sắp tới. Chúng tôi di chuyển vào đúng thời điểm ký Hiệp định Paris năm 1973. Đường tuyến lúc ấy rất khó khăn, xe kéo pháo rất nặng, đường đi trơn trượt, chúng tôi tiến một bước là bị lùi một bước. Lúc đó, trên trời là máy bay, trên đường là biệt kích, phục kích của địch”, ông nhớ lại.

Chuyến hành quân ấy cũng là lần cuối cùng ông được tham gia nhiệm vụ. Đoàn xe di chuyển bị máy bay địch ném bom trúng, ông Luân bị thương rất nặng. Sau nhiều ngày sốt cao, ông được đưa về Thanh Hóa chữa trị trong tình trạng thừa sống thiếu chết. Trước đó ông cao 1m70, nặng 65kg, nhưng khi được chuyển đến Bệnh viện Quân y 110, ông Luân chỉ còn 37kg và được chẩn đoán thương tật 92%.

Niềm tin bất diệt vào chiến thắng

Có lẽ với bất kỳ ai từng đến thăm Thành cổ Quảng Trị đều không thể quên hình ảnh nụ cười của người lính trẻ sau trận đánh trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị" của nhà báo khoác áo lính Đoàn Công Tính. Người lính trẻ có mặt trong bức ảnh ấy chính là cựu chiến binh Lê Xuân Chinh, 71 tuổi quê ở Điện Biên. Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Chinh vẫn nhớ rõ bức ảnh được chụp buổi sáng ngày 15/8/1972 ghi lại hình ảnh các chiến sĩ cười nói vui vẻ trong phút dừng bắn hiếm hoi giữa hai trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị dịp trận chiến 81 ngày đêm giữa mùa hè đỏ lửa.

Nụ cười của chiến sĩ Lê Xuân Chinh trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị". Ảnh Đoàn Công Tính

Nụ cười của chiến sĩ Lê Xuân Chinh trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị". Ảnh Đoàn Công Tính

“Thời điểm đó, những trận giao tranh ác liệt diễn ra liên tục, anh em, đồng đội cũng ngã xuống rất nhiều, nhưng tất cả chúng tôi đều có niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi một ngày không xa. Đó là điều lớn lao nhất mà chúng tôi nghĩ tới suốt trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị”, ông Chinh nhớ lại.

Sau đó, bức ảnh được đăng trên báo Nhân Dân đúng dịp 2/9/1972, mang ý nghĩa biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính ngay cả trong cảnh chiến tranh ác liệt.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh chia sẻ tại buổi giao lưu ngày 24/7 tại Hà Nội.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh chia sẻ tại buổi giao lưu ngày 24/7 tại Hà Nội.

Cũng với niềm tin mãnh liệt vào một thắng lợi không xa, cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn, người lính lái chiếc xe tăng 390 xô đổ cổng Dinh Độc Lập chiều 30/4/1975 xúc động kể lại, giây phút lái chiếc xe tăng 390 xô đổ cổng Dinh Độc Lập đã chứng minh cho niềm tin bất diệt với những người lính như ông. Và đó cũng là khoảnh khắc mà ông không bao giờ quên.

Giờ đây đã ở tuổi gần 80, ông vẫn giữ nếp sống giản dị, tự tay chăm sóc người vợ đau yếu, được người dân địa phương kính trọng gọi là “anh hùng”. Ông từng vào sinh ra tử qua ba cuộc chiến, nhưng chỉ nhận mình là một chiến sĩ luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt, vì sự bình yên cho làng quê, đất nước.

Chương trình cũng dành thời lượng tôn vinh những người thân của các liệt sĩ - những người mẹ, người vợ, người con đã hy sinh thầm lặng, chờ đợi và tiếp bước lý tưởng của người đã ngã xuống. Có những đứa trẻ sinh ra khi cha ra chiến trận, lớn lên chỉ biết cha mình qua lời kể, qua bức ảnh trên bàn thờ, và mang trong mình niềm tự hào lẫn mất mát. Những câu chuyện ấy nhắc nhớ rằng có những thanh xuân đã hóa thành đất, có những người lính ra đi không hẹn ngày trở về, để Tổ quốc mãi được liền một dải...

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/co-nhung-nguoi-khong-ai-nho-mat-dat-ten-nhung-ho-da-lam-nen-dat-nuoc--i775867/
Zalo