Có những mối tình như thế...
Đồng cảnh, đồng cảm và sẻ chia, họ đã về với nhau dù có thể biết trước thời gian bên nhau chẳng còn bao lâu... Đã có những mối tình đẹp đến thế ở khu phong Cẩm Bình (xã Cẩm Thạch).

Sau 34 năm chung sống, vợ chồng ông Sáu vẫn gắn bó, yêu thương.
Giờ khu phong không còn bệnh nhân điều trị. Ở đây, hiện chỉ có 27 bệnh nhân trong tỉnh đang chăm sóc tàn tật sau phong, đó là những di chứng để lại sau khi khỏi bệnh, là cò tay, cụt rụt ngón... Cũng đã hơn 20 năm, khu phong không phát sinh bệnh nhân mới.
Làng phong ngày ấy - bây giờ, tất nhiên đã có nhiều đổi thay. Thôn Tô, hiện là nơi sinh sống của những bệnh nhân phong trước đây. Bệnh khỏi, họ đã về “sum họp” cùng bà con thôn Tô, cùng gắn bó, đoàn kết... Bản thân họ cũng tự phấn đấu, nỗ lực để thoát nghèo, là làm vườn, chăn nuôi... Thực tế, với những di chứng để lại, họ sẽ khó khăn hơn trong công việc nhưng lòng họ vẫn luôn tự nhắc nhở, rằng: “Khỏi bệnh đã là hạnh phúc nên không còn gì trở ngại...”.
Một trong những ấn tượng trong tôi về làng phong ở hiện tại là câu chuyện của tình yêu. Tình yêu của những bệnh nhân phong có điều gì đó thật đặc biệt. Tất nhiên, tình yêu đấy không phải vừa mới chớm nở mà nó hiện diện ở những ngày đã qua và bền bỉ cho đến hôm nay và chắc chắn cả những ngày sau...
Là câu chuyện tình yêu của ông Sáu, bà Ái, chị Tân... Chồng, vợ của họ hoặc cùng là bệnh nhân phong hoặc là người bình thường. Họ tự nguyện đến với nhau, nên duyên chồng, vợ như chia sẻ của chị Tân: “Ngày ấy, chúng tôi cùng gặp nhau ở khu phong. Người cùng bệnh đến với nhau không có gì ngoài sự thông cảm, chia sẻ. Ở thời điểm đấy, chúng tôi chỉ luôn mong có sức khỏe để đi được cùng nhau lâu dài...”.
Cùng nhau đi lâu dài? Là một tổ ấm, là nơi có chồng, vợ và những đứa con. Tiếng tình yêu đã kéo họ về bên nhau, để yêu thương, che chở. 2 đứa con, một trai, một gái lần lượt ra đời. Đi cùng niềm vui là khó khăn nhân đôi. Sau này, khi chồng mất, khó lại chồng khó nhưng chị Tân vẫn lặng lẽ gồng gánh để chăm lo cho các con. Cháu đầu hiện đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa.
Câu chuyện tình yêu của vợ chồng ông Sáu (sinh năm 1964), hàng xóm nhà chị Tân lại vừa như có gì đó hài hước nhưng ẩn chứa trong đó là cả một “bầu trời yêu thương”. Bà Toán - vợ ông Sáu, một người phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn. Ngày lấy ông, cũng có những lời ra tiếng vào nhưng không làm bà thay đổi quyết định. “Chắc tại tôi ngày đấy đẹp trai quá nên bà ấy “rung rinh”. Ông Sáu dí dỏm nói. “Liếc” sang chồng, bà Toán tủm tỉm: “Ông ấy bệnh tật nhưng hiền lành. Tôi bị “cảm gió” bởi cái sự hiền lành đấy”.
34 năm chung sống, vợ chồng ông Sáu sinh được 2 người con. 34 năm, ông bà không một lời to tiếng. Dù bị di chứng sau phong nhưng ông Sáu vẫn cùng bà Toán vun vén gia đình, phát triển kinh tế. Trên đất vườn nhà với diện tích 1.500m2, ông bà trồng khoai, trồng ngô, chăn nuôi lợn...

Dù tàn tật sau phong nhưng chị Tân vẫn cố gắng chăm chỉ làm việc.
Ở khu phong Cẩm Bình, có rất nhiều câu chuyện cảm động, về tình thương, tình yêu. Nhưng trong đó, chuyện tình của bà Ái được nhiều người nhắc đến nhất. Đó là một câu chuyện tình buồn nhưng đẹp.
Năm 2003, bà Ái khi đó 41 tuổi. Trong một lần đi điều trị bệnh phong ở Hà Nội, bà đã gặp ông L.V.T., là người dân tộc Mường ở tỉnh Sơn La. Ông T. cũng là bệnh nhân phong. Khi một vài lần sau này tiếp tục ra điều trị, bà và ông lại có dịp gặp nhau. “Lúc đó, tôi đâu biết rằng ông ấy để ý đến mình, còn tôi thì coi ông ấy như một người bạn đồng cảnh. Một lần, đang ở khu phong Cẩm Bình thì có người chạy vào phòng tôi báo tin, rằng ông ấy đang có mặt ở khu phong này. Tôi hoảng hốt giật mình. Đúng là ông ấy thật. Không hiểu sao khi đấy tôi khóc, có lẽ vì thương ông ấy quá”.
Ông T. bệnh nặng. Chân thối rữa... Ngồi gần ông lúc nào cũng xông mùi khó chịu. Vậy mà, ngày ông vào khu phong Cẩm Bình, bà Ái đón ông như một tình thân và hơn thế... Trái tim bà bỗng dấy lên sự thương cảm. Ông từng nói với bà: “Ái ơi, cho tôi ở lại đây nhé, đừng bỏ tôi”. Lúc đấy, bà chỉ nghĩ được một điều: “Hoàn cảnh ông ấy cũng khó khăn, giờ mình không chăm thì ông ấy sẽ thế nào”.
Bà Ái cũng không thể ngờ rằng, cuộc đời bà lại gắn bó với ông khi mà trước đó, bà không có ý định xây dựng gia đình vì bản thân là... bệnh nhân phong.
Từ đấy, vào mỗi buổi sáng, bà lại nấu nước ngâm chân cho ông, tắm rửa, giặt giũ... Về sau này, ông bị liệt, gánh nặng trên vai nhiều hơn nhưng bà Ái không kêu than, trách móc, bởi: "Khi tôi chấp nhận ông ấy cũng có nghĩa tôi bằng lòng với sự lựa chọn của mình”.
Sau 20 năm chung sống, vào năm 2023, ông mất, đây là nỗi đau vô cùng với bà. Giỗ đầu của ông, bà đã về quê ông và xin chân hương mang về để thờ vọng. Trong căn phòng nhỏ ở khu phong Cẩm Bình, bà đã lập bàn thờ, thờ ông.
Đã có những con người như thế, những mối tình như thế...