'Có những khoảng trống phải tự mình lấp đầy'

Nói về đọc sách, sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: 'Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…'. Thực tế, những lời dạy của Bác về ý nghĩa của đọc sách chưa bao giờ là lạc hậu, kể cả trong giai đoạn hiện nay.

Với sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, nhất là lĩnh vực công nghệ nghe, nhìn đã và đang tác động không nhỏ đến sự phát triển của văn hóa đọc. Vì vậy, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc là thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác văn hóa nói chung hiện nay.

Nhiều sách nhưng ít khát khao

Phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp văn hóa, giáo dục đất nước, đặc biệt là với giới trẻ. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, có một thực trạng đáng buồn là giới trẻ chủ động tìm đến sách rất ít. Em T.T.T, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du (TP. Đồng Xoài) ước mơ thi đậu Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhưng cả năm nay em đọc không hết 2 cuốn sách văn học cổ điển mà cô giáo giới thiệu. Còn với T.M.D, học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Phú (TP. Đồng Xoài), khi được hỏi thường ngày em tìm thông tin ở đâu thì em thành thật cho biết: “Hằng ngày, em đọc trên Facebook và các trang mạng xã hội, báo điện tử. Em rất ngại đọc sách”.

Góc trưng bày, giới thiệu sách nhân hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam của Trường THPT Phước Bình (TX. Phước Long)

Góc trưng bày, giới thiệu sách nhân hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam của Trường THPT Phước Bình (TX. Phước Long)

Dù biết đọc sách sẽ giúp bản thân tiếp thu kiến thức sâu sắc hơn nhưng một số học sinh vẫn chọn Google để tham khảo tài liệu khi cần, vì đây là phương tiện “vừa nhanh vừa tiện, đỡ mất thời gian và đỡ buồn ngủ”. Mặc dù viện nhiều lý do để không phải đọc sách, thế nhưng việc giới trẻ tụ tập "chém gió", hóng hớt, buôn chuyện xã hội xuất hiện nhan nhản trong giờ ra chơi, trong những buổi hẹn hò cuối tuần ở các quán cà phê. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn dành thời gian cập nhật tin tức để làm clip theo các xu hướng trên mạng xã hội cho “bằng bạn bằng bè”. Số ít còn lãng phí tiền, thời gian tham gia các lớp “chữa lành thời thượng” mà hậu quả thật dở khóc, dở cười cho bản thân và gia đình.

Nói về trào lưu “chữa lành” đang nổi lên thời gian qua, một số nhà nghiên cứu xã hội chỉ ra rằng có nguyên nhân do giới trẻ sống hời hợt nên tạo ra những “khoảng trống” khiến họ đánh mất niềm tin, sự lạc quan, tụt hậu dần trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi khuyên họ, “có hai thứ tạo nên giá trị con người, đó là những cuốn sách bạn đọc và những người bạn gặp. Hãy đi và đọc, đó là bí quyết để hoàn thiện mình nhanh nhất” thì ít ai chọn đọc sách.

Hoạt động đố vui liên quan đến sách của học sinh Trường THPT Phước Bình (TX. Phước Long)

Hoạt động đố vui liên quan đến sách của học sinh Trường THPT Phước Bình (TX. Phước Long)

Lý giải về tình trạng học sinh ngày càng giảm hứng thú với đọc sách, cô Trần Hoài Phương, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phước Bình (TX. Phước Long) cho rằng: Ngày nay không thiếu sách và phương tiện tiện ích khác để các em phát triển văn hóa đọc, nhưng rất hiếm tìm được học sinh có khát khao đọc sách. Tinh thần ham học hỏi, khát khao tri thức đang mai một vì nó bị quá nhiều ham muốn khác lấn át”.

Xây dựng “con người văn hóa” từ sách

Xưa nay, sách luôn được coi là người bạn tốt, có thể chia sẻ vui buồn, nỗi niềm của mỗi con người. Sách đồng thời cũng là người thầy bởi những tinh túy, kiến thức quý báu, quan trọng, kinh nghiệm vô giá được đúc kết trong những trang sách. Cũng bởi vậy mà từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội. Khi công nghệ dần “soán ngôi”, khi sách ngày càng nhiều, càng phong phú về thể loại thì việc xây dựng cho giới trẻ thái độ đúng đắn với sách và cách đọc sách là việc hết sức cần thiết.

Cô và trò Trường THPT Phước Bình cùng trưng bày, giới thiệu sách

Cô và trò Trường THPT Phước Bình cùng trưng bày, giới thiệu sách

Thời gian qua, tuy việc triển khai đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng kể, nhưng cần thẳng thắn nhìn lại, thực trạng phát triển văn hóa đọc vẫn còn những hạn chế. Cô Trần Hoài Phương phân tích: “Tôi cho rằng, chính vì ít đọc mà phần lớn giới trẻ thiếu khả năng lựa chọn sách hay, sách phù hợp với sở thích hoặc đơn giản là đáp ứng nhu cầu công việc hằng ngày... dẫn đến chán và không còn thiết tha với đọc sách. Một số bạn trẻ bày tỏ vẫn thích đọc sách nhưng lại không có văn hóa đọc, kỹ năng đọc. Chính vì vậy, các bạn chỉ chọn sách theo xu hướng, sách viết về các chủ đề giật gân, kích thích sự tò mò, hiếu kỳ. Trong khi các sách về khoa học tự nhiên, nhân văn và đặc biệt là sách lý luận thì bị chê là khô khan, nhàm chán”.

Thực tế, đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, sau giờ học tập, phần lớn thời gian được giới trẻ sử dụng để lướt điện thoại. Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện trên một nhóm người dùng tại Việt Nam vào năm 2023, thời gian trung bình họ dành để sử dụng diện thoại là 6,2 giờ/ngày.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách.

Thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2023 cho hay, hiện nay sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. Nếu để 2 loại sách này qua một bên, số còn lại chia đều trên số dân thì người đọc sách được khoảng 1,2 cuốn/người/năm.

Để nâng cao văn hóa đọc trong giới trẻ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chỉ ra: Các gia đình cần xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ, thường xuyên rèn luyện kỹ năng đọc sách như thói quen đọc, kỹ năng đọc và sở thích đọc. Các trường học cần lồng ghép “giáo dục kỹ năng đọc sách” với nhiều hình thức để học sinh có phương pháp đọc sách đúng, có nhiều hoạt động khuyến khích phong trào đọc sách, khuyến khích học sinh tự đọc, tìm hiểu sách để trau dồi kiến thức, đồng thời nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị và vốn tài liệu thư viện trong trường học đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh.

Văn hóa đọc luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tri thức nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Qua phát triển của văn hóa đọc có thể thấy sự phát triển của đất nước. Phát triển văn hóa đọc là rèn cách đọc sách để biết cảm thụ cái đẹp, biết gặt hái tri thức, để mỗi người ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần xây dựng một xã hội văn hóa. Do vậy, để có thể sớm lấp đầy khoảng trống văn hóa đọc, điều cốt yếu là khơi dậy được lòng khát khao hiểu biết và sống có giá trị của mỗi cá nhân, mà khoảng trống này, trước hết chỉ có thể mỗi người, mỗi gia đình phải tự lấp đầy.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/161901/co-nhung-khoang-trong-phai-tu-minh-lap-day
Zalo