Có nên gọi Tết mồng 3 tháng ba là Tết Hàn thực?
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, không nên gọi là Tết Hàn thực vì rất nhiều cứ liệu chứng minh, bánh trôi, tục ăn bánh trôi, hay Tết mồng 3 tháng Ba ở Việt Nam có nguồn gốc sở tại.
Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, vào ngày Tết mồng 3 tháng ba (âm lịch) hàng năm, các gia đình thường chuẩn bị bánh trôi, bánh chay dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng thành, hướng về cội nguồn.
Bánh trôi nước có từ thời đại Hùng Vương
Đề cập đến nguồn gốc Tết mồng 3 tháng ba, một số sách đã giải thích đây là “Tết Hàn thực” (ăn nguội), có nguồn gốc từ Trung Quốc và liên quan đến nhân vật Giới Tử Thôi ở nước Tấn thời Xuân Thu. Tục làm bánh trôi, bánh chay bắt đầu từ đó và người Việt chịu ảnh hưởng theo.
Sách Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính cho biết đời Xuân Thu, vua Văn Công nhà Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, gặp được một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo giúp đỡ mưu kế. Sau Tấn Văn Công trở về làm vua, phong thưởng cho những người có công nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận gì, về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm. Vì Giới Tử Thôi không chịu ra, vua hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra. Cuối cùng, hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi và phong cả khu rừng đó làm tự điền.
Hôm ông chết là ngày mồng 5 tháng ba. Người xứ đó thương ông, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì cấm đốt lửa ba ngày mà bắt đầu từ ngày mồng 3 tháng ba, chỉ ăn đồ ăn lạnh đã nấu sẵn để tưởng niệm.
Tác giả sách Việt Nam phong tục cho rằng ta nhiễm theo tục ấy, ăn Tết từ ngày mồng 3. Tuy nhiên, ta làm bánh trôi, bánh chay để thế cho đồ lạnh, và chỉ cúng gia tiên, chứ không tưởng nhớ Giới Tử Thôi và cũng không kiêng cữ gì.
Sách Tín ngưỡng Việt Nam (bộ Nếp cũ) của học giả Toan Ánh cũng có những lý giải nguồn gốc Tết Hàn thực tương tự sách Việt Nam phong tục, nhưng tác giả Nếp cũ lại chỉ ra thêm những điều khác biệt giữa Tết Hàn thực của người Việt và người Hán. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh bánh trôi nước có nguồn gốc có từ thời Hùng Vương chứ không phải bắt chước người Hán.
Tác giả cho biết, tháng ba còn được dân ta gọi là mùa Trôi nước vì bắt đầu tháng ba là có bánh trôi bánh chay. Trước đây, mỗi khi hội Đền Hùng vào ngày 10 tháng 3, cũng như ngày hội Đền Hát Môn, nơi thờ Hai Bà Trưng vào ngày 5 tháng 3, dân làng đều dâng cúng một mâm bánh trôi 100 chiếc để cúng, cúng xong đem chia đôi, đem 50 chiếc thả xuống sông, đặt trên bè sen, còn 50 chiếc còn lại đem đặt lên núi để nhắc lại tích cũ 50 con vua Lạc Long Quân theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển.
Tết mồng 3 tháng ba ở Việt Nam có nguồn gốc sở tại - bản địa
Cũng nhấn mạnh bánh trôi nước không có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, PGS.TS Bùi Xuân Đính đã đưa ra rất nhiều cứ liệu chứng minh, bánh trôi và tục ăn bánh trôi, hay Tết mồng 3 tháng ba ở Việt Nam có nguồn gốc sở tại - bản địa.
Ông cho biết giữa bánh trôi Việt và bánh trôi của người Trung Quốc (ta thường gọi là bánh trôi Tàu) có sự khác biệt nhau rất rõ rệt: Bánh trôi Tàu (thủy viên, đọc theo tiếng Quảng Đông là “sủi dìn”, nghĩa đen là viên bánh ngập trong nước), giống như bánh chay mà người Việt làm hiện nay, song khác ở chỗ: nhân bằng vừng đen rang chín dậy mùi thơm, sau đó giã nhuyễn cùng dừa nạo để bánh vừa thơm, vừa béo ngậy và khi nặn cùng với vỏ bột nếp có độ mềm, không bị nát.
Tác giả cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền cũng cho biết truyền thuyết và tập tục ở nhiều địa phương giải thích bánh trôi có từ thời các Vua Hùng và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhở về sự tích “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ (như ở Đền Hùng, Đền Hát Môn...).
Ông cũng so sánh tục ăn bánh trôi của người Việt khác rất nhiều so với Tết Hàn thực ở Trung Quốc: Người Việt chỉ ăn tết bánh trôi trong một ngày, đa số vào ngày mồng 3 tháng ba, một số làng ăn vào mồng 6, mồng 8, hoặc mồng 10, thậm chí đến ngày 12 cùng tháng, trong khi đó, người Hán ăn ba ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 tháng ba.
Bánh trôi của người Việt không phải làm trước đó để trở thành đồ nguội như ở Trung Quốc, mà làm trong ngày tết chính (mồng 3 hoặc các ngày khác; bột có thể được ngâm, giã từ hôm trước). Bánh cũng như các đồ ăn khác đều làm nóng, không làm nguội. Ngoài bánh trôi và bánh chay là đồ ngọt, người Việt còn có đồ mặn (gà, thịt lợn, các món xào, nấu) được chế biến trong buổi sáng mồng 3 để dâng lên tổ tiên. Trong khi ở Trung Quốc, Tết Hàn thực trong ba ngày chỉ ăn đồ nguội.
Ngày mồng 3 tháng ba (hoặc các ngày khác), người Việt ở nhiều làng không chỉ dâng bánh trôi lên gia tiên mà còn dâng lên thành hoàng, không gia đình nào và làng nào khấn mời Giới Tử Thôi về hưởng lộc.
Một số sách do người Việt sống ở Trung Quốc và người Hán biên soạn không nói đến nguồn gốc Trung Quốc của Tết mồng 3 tháng ba, chẳng hạn như sách An Nam chí lược (soạn vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV) của Lê Tắc có đoạn chép: Vào năm Nhâm Thìn, 1292, vua Trần Nhân Tông khẳng định trước sứ giả nhà Nguyên rằng, Hàn thực là “phong tục An Nam theo cổ nhân”; ý nói rằng, Hàn thực là phong tục của người Việt xưa, là dịp người Việt thờ cúng và nhớ về tổ tiên, cội nguồn, chứ không phải thờ một vị tướng quân theo quan niệm người Trung Quốc. Ở một đoạn khác, sách chép rằng: Ở An Nam, “Tết Hàn thực thì dùng bánh cuốn tặng nhau”, không nói đến bánh trôi.
Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Tết Hàn thực do người Hán gọi. Khi sang Việt Nam, được ghi trong sử sách và thường chỉ có các bậc trí thức quen dùng; còn người dân vẫn thường gọi Tết mồng 3 tháng ba, hay Tết bánh trôi, hay Tết trôi nước.
Tổng hợp các tư liệu trên cho thấy, bánh trôi và tục ăn bánh trôi ngày mồng 3 tháng ba của người Việt hoàn toàn khác với bánh trôi và tục ăn bánh trôi của người Hán và các tộc người khác ở Trung Quốc được gọi là “Tết Hàn thực”, cả về cách giải thích nguồn gốc, thời điểm tiến hành, cách làm và đối tượng dâng cúng.
Vì thế, tác giả sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền đề xuất không nên gọi là “Tết Hàn thực” mà nên gọi là “Tết mồng 3 tháng ba”, hoặc Tết Bánh trôi, hay Tết Trôi nước, như dân gian vẫn gọi xưa nay.