Có nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm?

UBND TP Cần Thơ đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm các khoản tiền gửi lớn, trong khi UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị không tính thuế cho khoản thu từ lãi tiền gửi tiết kiệm.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), thu hút sự quan tâm không chỉ của các chuyên gia, các nhà làm luật mà cả dư luận xã hội.

Mới đây, góp ý cho dự án này, UBND TP Cần Thơ cho rằng nhà điều hành nên nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, Cần Thơ đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với quy mô tiết kiệm nhỏ, chỉ đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm các khoản tiền gửi lớn.

Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị miễn thuế TNCN cho khoản thu từ lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ, và các khoản đầu tư dài hạn để khuyến khích tiết kiệm và phát triển kinh tế.

Phản hồi trước các đề xuất nói trên, Bộ Tài chính cho biết ngân sách Nhà nước định hướng cơ cấu lại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó mở rộng cơ sở thuế, hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Cùng với đó, chính sách miễn, giảm, giãn thuế đảm bảo tính trung lập. Việc này được thực hiện theo Nghị quyết 07/2016 của Bộ Chính trị.

UBND TP Cần Thơ đề xuất chỉ nên miễn thuế TNCN với quy mô tiết kiệm nhỏ.

UBND TP Cần Thơ đề xuất chỉ nên miễn thuế TNCN với quy mô tiết kiệm nhỏ.

Tại dự thảo, cơ quan này cũng dẫn kinh nghiệm của các nước cho thấy: Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc áp thuế với thu nhập từ lãi suất. Hay tại Hàn Quốc, tiền lãi cũng là thu nhập phải nộp thuế TNCN. Ngược lại, một số quốc gia cho phép giảm trừ với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp khi tính thuế TNCN.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đối tượng miễn giảm cần được nghiên cứu để phù hợp với chủ trương, thực tiễn và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Về mở rộng cơ sở thu thuế, việc áp thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không được Bộ Tài chính đề cập tới tại dự thảo gần nhất. Cơ quan này hiện chỉ tính mở rộng theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại... là thu nhập chịu thuế.

Theo quy định hiện hành, có 10 loại thu nhập chịu thuế, trong đó có tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, thừa kế, quà tặng.

Hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi.

Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế, đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng từng được đưa ra vài năm trước đây. Một số ý kiến đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm với các khoản tiền gửi lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.

Chưa kể, nếu việc gửi tiền vào ngân hàng bị đánh thuế, người dân sẽ chọn giải pháp khác thay thế, dòng tiền sẽ chảy vào USD, vàng và các kênh đầu tư khác như tiền ảo, bất động sản, chứng khoán…

Theo một số chuyên gia, bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết tất cả thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác. Chẳng hạn, những người có thu nhập vượt ngưỡng được miễn trừ gia cảnh cũng phải chịu thuế TNCN. Tương tự, doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp…

Thuế TNCN đem lại nguồn thu cao thứ 3 trong hệ thống thuế, sau VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, trong đó, thuế TNCN ước đạt 189.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Tỷ trọng loại thuế này chiếm hơn 9,3% trong tổng thu ngân sách Nhà nước, tăng từ mức 5,3% vào 2011.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/co-nen-danh-thue-lai-tien-gui-tiet-kiem-1105005.html
Zalo