Có nên cấm mua, bán dữ liệu cá nhân?
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định cấm mua, bán dữ liệu cá nhân. Một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng thông thoáng hơn để khơi thông nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, không cản trở thị trường dữ liệu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chiều 5/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quy định 11 quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu
Theo Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày.
Theo đó, trên cơ sở phát triển quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, dự thảo Luật gồm 7 Chương, 68 Điều, bao gồm 7 nội dung chính như sau: Thống nhất thuật ngữ và xây dựng một số khái niệm quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Xây dựng các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Quang Khánh
Dự thảo Luật quy định 11 quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; 3 nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu. Quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân; tổ chức chứng nhận đủ điều kiện năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân; dịch vụ xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân; dịch vụ tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dự thảo Luật yêu cầu đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và Chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài như một bản cảm kết trước pháp luật về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.
Hoàn thiện quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quy định quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm của Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, Bên thứ Ba.
Tập trung vào các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới trình bày.
Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật còn rộng, bao gồm hầu hết các hoạt động liên quan đến dữ liệu cá nhân dẫn đến trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dữ liệu và một số luật chuyên ngành khác. Do đó, cần phải giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này để tập trung vào các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị cân nhắc quy định: “Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”.
Một số ý kiến cho rằng, mức xử phạt hành chính như vậy là không khả thi và quá nặng đối với tổ chức, doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, quy định này không thống nhất với quan điểm xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Một số ý kiến lưu ý, quy định phạt theo doanh thu năm liền trước không phù hợp với tổ chức, doanh nghiệp mới thành lập và trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không có doanh thu hoặc có doanh thu mà không có lợi nhuận. Một số ý kiến đề xuất phân loại các loại hành vi vi phạm để có quy định mức xử phạt phù hợp.
Về hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị nghiên cứu các ý kiến sau: Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm khác cho đầy đủ theo từng nhóm hoạt động và từng loại chủ thể bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tại khoản 5, Điều 7 quy định cấm mua, bán dữ liệu cá nhân, một số ý kiến đề nghị giải thích từ ngữ “mua, bán dữ liệu cá nhân”; một số ý kiến cho rằng, nếu cấm hoàn toàn mua, bán dữ liệu cá nhân có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, nên cần phải quy định theo hướng thông thoáng hơn để khơi thông nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, không cản trở thị trường dữ liệu; Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa thành cấm “mua, bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật”.