Có một Đà Nẵng dọc rẻo cao Trường Sơn
Sau sáp nhập, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất cả nước, với diện tích tự nhiên lên tới 11.859,6 km2. Trở thành một phần của thành phố Đà Nẵng mới, những xã vùng cao trên đỉnh Trường Sơn với vô vàn khó khăn đang nỗ lực để hòa cùng cuộc cách mạng với bao kỳ vọng đổi thay.
Bài 1 - Cán bộ… bán trú
Bến Giằng là xã miền núi cách trung tâm thành phố Ðà Nẵng hơn 80km. Xã được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Tà Bhing, Tà Pơơ và Cà Dy, với diện tích hơn 535 km2, dân số 8.277 người - trở thành xã rộng nhất Ðà Nẵng. Một tuần sau khi vận hành chính quyền 2 cấp, cán bộ nơi đây chạy đua cùng công việc bề bộn, ngổn ngang.
Cán bộ vừa làm, vừa học
Chủ tịch UBND xã Bến Giằng - Châu Ngọc Vĩnh cho hay, sau sáp nhập xã Bến Giằng trở thành xã có địa bàn rộng nhất thành phố Đà Nẵng, mở ra những cơ hội lớn trong quy hoạch và phát triển địa phương. Tuy nhiên, giai đoạn này vô vàn khó khăn.

Bhling Ưi và “con ngựa sắt” vượt tuyến đường nhầy nhụa để đi làm. Đây cũng là nỗi ám ảnh của cán bộ xã Bến Giằng mỗi ngày khi đến nhiệm sở.
Trụ sở làm việc được bố trí tại 3 nơi và tận dụng lại những trụ sở trước đó, nên khá chật so với số lượng con người hiện tại và cũng đã xuống cấp. Ngoài ra, hạ tầng viễn thông hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu, kết nối yếu, một số dịch vụ công chưa liên thông gây khó khăn trong xử lý hồ sơ đảm bảo đúng hẹn cho người dân… Cán bộ hầu hết ở xa, điều kiện đi lại, ăn ở sinh hoạt khó khăn, có người vượt quãng đường xa hơn 40 km đến cơ quan làm việc. Trong khi hiện nay khối lượng công việc so với trước rất lớn, ngoài công việc như trước đây còn thêm 80% đầu việc của huyện nên bỡ ngỡ, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực nghiên cứu, học tập để đáp ứng.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bến Giằng hướng dẫn dân làm thu tục trực tuyến.
“Khó khăn rất nhiều, nhất là giai đoạn đầu vận hành như thế này. Nhưng tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ xã rất tốt, đón nhận mô hình hoạt động mới với mục tiêu gần dân, sát dân và phục vụ tốt hơn cho nhân dân, được người dân đánh giá cao. Đó là động lực, điểm mạnh lớn nhất” - ông Vĩnh nói.
Đúng 7h30 sáng, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bến Giằng (đóng tại trụ sở UBND xã Cà Dy cũ), các cán bộ xã có mặt đầy đủ tại các vị trí phân công, đón tiếp người dân đến làm thủ tục.
Chị A Lăng Thị Nhê (ở thôn Bến Giằng, xã Bến Giằng) đến trung tâm làm thủ tục đăng ký đất đai. Đang loay hoay chưa biết đến quầy nào thì một ĐVTN niềm nở tiến lại, hướng dẫn đến quầy để được tư vấn. Các cán bộ tại trung tâm hướng dẫn chi tiết giấy tờ cần đem theo để thực hiện thủ tục này. “Lần đầu tiên đi làm thủ tục chưa biết phải như thế nào, cũng lo lắm. Nhưng được cán bộ, tình nguyện viên nhiệt tình hỗ trợ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm” - chị Nhê chia sẻ.
Chiếc màn hình treo vị trí dễ nhìn trình chiếu video hướng dẫn thực hiện các thủ tục, tuyên truyền về triển khai chính quyền 2 cấp để người dân tiện theo dõi. “Chúng tôi trình chiếu thông tin về cách thức thực hiện các thủ tục để bà con xem, đồng thời hỗ trợ khi người dân đến liên hệ. Bà con không có điện thoại thông minh, được cán bộ, ĐVTN nhập giúp thông tin” - anh Zơ râm Đời, cán bộ Tư pháp - hộ tịch - chứng thực tại Trung tâm, nói. Tuần đầu tiên, bộ phận của anh tiếp nhận 1 hồ sơ đăng ký thủ tục cấp khai sinh. Cán bộ hỗ trợ người dân làm thủ tục trực tuyến, tuy nhiên do lỗi kết nối liên thông nên hồ sơ chưa có trên hệ thống 1 cửa. Anh đã nhắn tin lên nhóm Zalo chung để nắm tình hình và sớm gỡ vướng tránh trễ hẹn với bà con.

Mỗi ngày vượt 40km đến cơ quan, chị ALuc Blem chưa bao giờ đến muộn.
Bản thân là cán bộ tư pháp xã Tà Bhing cũ nay về xã mới anh Đời được bố trí công việc đúng chuyên môn. Dù vậy, chính quyền 2 cấp đòi hỏi chuyên môn công việc hiện tại cao hơn, anh phải học hỏi cập nhật từ đồng nghiệp. Khác với vùng đồng bằng, các trung tâm phục vụ hành chính công tại xã vùng cao không có cảnh đông đúc, bốc số xếp hàng, bà con đến rải rác chứng thực, đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn… Tuy nhiên, bà con thì phải vượt quãng đường xa nên những cán bộ như anh Đời luôn cố gắng làm tốt nhất, không để bà con phải chờ đợi lâu.
Ba lô trên vai bí thư đoàn xã
Nhà cách nơi làm 40km chị Bluc Alem, cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bến Giằng phải đặt báo thức từ 5 giờ sáng. Để đến cơ quan, chị vượt hàng chục cây số đường núi hiểm trở, tiếp đó là tuyến đường Quốc lộ 14D đầy “đau khổ”. Đêm qua mưa nên đường nhão như bùn khiến chủ nhân cùng chiếc xe máy cà tàng mấy lần suýt té. Tuyến đường huyết mạch này hiện nay đang là nỗi khiếp sợ của người dân nơi đây vì đã xuống cấp trầm trọng. Mỗi ngày hàng trăm xe tải chở quặng vẫn nối đuôi nhau chà xát khiến con đường càng thêm khổ sở.
“Bà con ở xa, mật độ thưa, nhu cầu, số lượng hồ sơ không nhiều nhưng không vì thế mà lơ là nhiệm vụ. Không để bà con lặn lội từ các thôn, bản xa đến nơi lại phải chờ đợi. Chúng tôi luôn đảm bảo có mặt đúng giờ, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là phục vụ bà con cho chu đáo, nỗ lực khắc phục khó khăn” - chị Alem nói.
“Giai đoạn đầu vận hành chính quyền 2 cấp còn nhiều khó khăn, nhất là với một xã miền núi. Khối lượng công việc nhiều, cán bộ chưa quen và đang đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng tinh thần quyết tâm rất cao của cán bộ cùng sự tin tưởng của nhân dân, là động lực rất lớn để bộ máy đi vào ổn định”.
Chủ tịch UBND xã Bến Giằng Châu Ngọc Vĩnh
Gặp Bí thư Đoàn xã Bến Giằng Bhling Ưi, vai khoác ba lô, người lấm lem đất đỏ. Ưi nói, lâu nay vẫn thường trực chiếc ba lô đựng máy tính cùng vài bộ áo quần để tiện di chuyển. Chàng Bí thư người Cơ Tu cười tươi, nói vừa chạy từ trụ sở Mặt trận Tổ quốc xã cách đây 6 cây số để cùng anh em dọn dẹp, sắp xếp nơi làm việc. Sáng nay đã kịp hoàn thành được nhiều việc theo dự kiến. Sáng sớm, lực lượng ĐVTN xã ra quân hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, ít hôm nữa cán bộ đoàn nòng cốt này sẽ tỏa đi về các thôn, bản để hỗ trợ bà con. “Sáng nay sau khi ra quân thì một đội ở lại đây hỗ trợ bà con, một số anh em tranh thủ chạy về trụ sở trên kia tận dụng lại của nhà công vụ bỏ hoang trước đây. Một ngày chạy đi chạy lại cả mấy lượt quốc lộ 14D thành ra người lấm lem hết”, Ưi cười.
Nhà Ưi ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ cũ, bên kia ngọn đồi cách nơi làm việc hơn 20 cây số đường núi, nên để kịp giờ làm chàng Bí thư người Cơ Tu dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị.
“Giai đoạn đầu sáp nhập xã nên có nhiều việc phải làm, ĐVTN là lực lượng trẻ nên tích cực xung kích hỗ trợ. Tụi em cũng sẽ tổ chức triển khai lưu động về các thôn bản. Dù mệt nhưng mọi người cùng động viên nhau cố gắng, và cảm thấy rất tự hào khi được chung sức trong cuộc cách mạng của cả nước”, Ưi chia sẻ.