Nữ sinh Truyền thông Đại Nam tốt nghiệp loại Giỏi, đạt 9.0 khóa luận và giải Nhì nghiên cứu khoa học
SVO - Từ sự tò mò, thích thú, muốn tìm hiểu về máy ảnh, Trịnh Thị Bích (sinh năm 2003) đã đánh liều theo học ngành Truyền thông đa phương tiện. Kết thúc hành trình đại học, Bích đã thu về những thành tích nổi bật, giành học bổng giỏi và xuất sắc trong thời gian học tập, đạt giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2024 – 2025, đạt 9.0 khóa luận tốt nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động của Khoa Truyền thông và Trường Đại học Đại Nam.
>
Hành trình bắt đầu không dễ dàng
Mình đến với ngành Truyền thông một cách tình cờ, nếu không muốn nói là “liều lĩnh”. Nhờ bài tập “Tìm hiểu về các ngành học sau THPT” của cô giáo chủ nhiệm cấp ba và sự gợi ý từ các bạn trong nhóm, mình mới biết đến ngành Báo chí - Truyền thông, một lĩnh vực mà trước đó mình gần như hoàn toàn xa lạ. Điều duy nhất khiến mình ấn tượng lúc ấy là… chiếc máy ảnh. Hình ảnh một người cầm máy, ghi lại khoảnh khắc đời thường qua từng thước phim nhỏ đã khơi gợi trong mình sự tò mò và thích thú.
Thế nhưng, đứng trước ngưỡng cửa đại học, mình đã rất đắn đo. Mình rụt rè, thiếu tự tin, lại chưa hiểu rõ ngành học này sẽ mang đến điều gì ngoài “việc cầm máy ảnh”. Mình đã tự hỏi không biết lựa chọn này có quá mạo hiểm?

Trịnh Thị Bích trong lễ tốt nghiệp.
Năm nhất trôi qua với không ít khó khăn. Đại dịch COVID-19 bùng phát, mọi thứ đều học online, mình thì loay hoay mãi chẳng thể hòa nhập. Những tiết học đầu tiên thật sự là thử thách lớn, mình không dám bộc lộ bản thân và luôn cảm thấy lạc lõng trong môi trường mới. Đã có lúc mình tự hỏi: “Mình có thực sự theo được ngành này không?”.
Nhưng rồi, nhờ những lời động viên đúng lúc từ gia đình và bạn bè, mình đã dần mạnh dạn hơn. Mình học cách mở lòng, bước ra khỏi vùng an toàn và làm quen với môi trường đại học – nơi dần trở thành mảnh đất để mình lớn lên, trưởng thành từng ngày.
Từ đam mê đến vai trò phát triển CLB Truyền thông PMI – DNU
Chính quyết định liều lĩnh theo đuổi ngành Truyền thông đã mở ra cho mình một hành trình không ngờ tới. Từ một cô gái chỉ biết đến chiếc máy ảnh với giấc mơ “săn khoảnh khắc”, mình dần bước vào thế giới rộng lớn hơn – nơi truyền thông không chỉ là hình ảnh, mà là tư duy, là chiến lược, là kết nối giữa con người với con người. Mình vẫn nhớ cảm giác háo hức ngày đầu khi nghĩ rằng, chỉ cần tay cầm máy ảnh là có thể đi khắp nơi. Nhưng rồi mình được học thêm về quản trị khủng hoảng, xây dựng thương hiệu, phân tích dữ liệu… Những kiến thức mới mẻ ấy đã thay đổi cách mình nhìn nhận, giúp mình phát triển tư duy đa chiều và nhạy bén hơn với đời sống.

Bích trong buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.
Bên cạnh những giờ học trên giảng đường, quãng thời gian hoạt động trong Câu lạc bộ Chuyên môn khoa Truyền thông – nơi mình giữ vai trò Phó chủ nhiệm kiêm Trưởng ban Media – chính là nơi mình được “va chạm” thực tế nhiều nhất. Mình được tham gia tổ chức sự kiện, sản xuất bản tin hàng tháng, rèn luyện kỹ năng quay, chụp, dựng video. CLB không chỉ là nơi mình học hỏi, mà còn là nơi mình gặp gỡ những người cùng đam mê, cùng đồng hành, cùng sẻ chia.
Từng trải nghiệm ấy – từ một sự kiện nhỏ đến bản tin đầu tiên được phát sóng – đều là những viên gạch xây dựng nên phiên bản trưởng thành hơn của mình ngày hôm nay. Mình biết ơn vì đã dũng cảm chọn Truyền thông, và càng biết ơn vì đã không đi một mình trên hành trình ấy.
Quả ngọt từ đam mê nghiên cứu
Mình luôn tin rằng, làm truyền thông không chỉ để tạo ra cái đẹp, mà còn để tạo ra những giá trị mang tính xã hội. Chính vì vậy, khi có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học, mình và các bạn Nguyễn Thị Minh Phương, Nguyễn Thùy Linh, Lê Thị Huyền Trân, Trần Hoài Nam đã chọn thực hiện một đề tài mang tính thời sự, cấp thiết và đầy thử thách: “Nâng cao nhận thức của sinh viên thuộc ngành Truyền thông, Báo chí tại các trường đại học/học viện trên địa bàn Hà Nội về các nội dung tuyên truyền ‘Cách mạng màu’ trên nền tảng TikTok”.

Bích nhận giải Nghiên cứu khoa học.
Chúng mình đều có chung mối quan tâm tới các vấn đề chính trị – xã hội, và mong muốn dùng chính kiến thức truyền thông đang học để góp phần nâng cao nhận thức, đặc biệt là trong môi trường sinh viên. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô Ngô Thị Hồng Hạnh và tinh thần làm việc nghiêm túc của cả nhóm, đề tài đã xuất sắc lọt vào top đầu của khoa và vinh dự đạt giải Nhì cấp Trường năm học 2024 – 2025.
Chính trải nghiệm này đã trở thành nền tảng quan trọng giúp mình hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với điểm số 9.0, một dấu mốc đáng nhớ trong hành trình đại học. Nhưng hơn cả điểm số hay giải thưởng, điều quý giá nhất mình nhận được là sự trưởng thành trong tư duy nghiên cứu, là khát khao tiếp tục cống hiến tri thức để truyền thông thực sự trở thành cây cầu kết nối giữa nhận thức, hành động và trách nhiệm với xã hội.
Chọn Truyền thông để tìm thấy chính mình
Lựa chọn ngành Truyền thông Đa phương tiện là một trong những quyết định liều lĩnh nhất của mình, nhưng cũng là lựa chọn đúng đắn nhất. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ với chiếc máy ảnh, mình dần học được cách xây dựng kế hoạch truyền thông, dựng video, sản xuất các ấn phẩm truyền thông… và từ đó, tìm ra niềm yêu thích thực sự của bản thân.

Trịnh Thị Bích trong lễ tốt nghiệp.
Trải qua 4 năm đại học, mình luôn giữ cho mình tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi và thử thách giới hạn bản thân. Từ việc duy trì thành tích học tập tốt qua các học kỳ, tham gia nghiên cứu khoa học, đến hoàn thành khóa luận với điểm số 9.0 – tất cả đều là những minh chứng cho một hành trình học tập nghiêm túc và nỗ lực bền bỉ.
Tốt nghiệp loại Giỏi ngành Truyền thông Đa phương tiện, mình cảm thấy tự hào không chỉ vì tấm bằng, mà bởi vì hành trình ấy đã giúp mình trở thành một phiên bản tốt hơn – một người biết lắng nghe, biết kết nối và luôn sẵn sàng cống hiến. Với mình, học đại học không chỉ để lấy bằng, mà là để hiểu chính mình và tìm được con đường phù hợp nhất để đi tiếp.
(Ảnh: NVCC)
Trường THPT Thanh Hà có 16 điểm 10 trong kì thi tốt nghiệp THPT 2025
Sinh viên Báo chí tìm kiếm cơ hội giữa 'tâm bão' sáp nhập
Muôn vàn cảm xúc của sĩ tử 2007 sau khi biết điểm thi THPT 2025