'Có một cây là có rừng…'

Ởtuổi 80, nhạc sĩ Trần Long Ẩn vừa xuất hiện trong đêm nhạc 'Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa' tại Nhà hát TPHCM. Tuổi cao, sức khỏe không còn như xưa, nhưng nhạc sĩ vẫn cố gắng có mặt, và ông xúc động khi thấy những ca khúc của mình được vang lên, qua nhiều giọng ca quen thuộc như Cẩm Vân, Quang Linh, Tạ Minh Tâm, Hiền Thục…

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong vòng tay người thân, đồng nghiệp.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong vòng tay người thân, đồng nghiệp.

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Long Ẩn, người yêu nhạc nhớ đến nhiều ca khúc của ông: "Một đời người một rừng cây", "Tình đất đỏ miền Đông", "Mừng tuổi mẹ", "Đêm thành phố đầy sao", "Đi qua vùng cỏ non", "Xin làm người hát rong"...

Đó là những ca khúc đã vang lên trên nhiều sân khấu, ở nhiều thời điểm khác nhau. Trần Long Ẩn không chỉ viết ra những giai điệu du dương, dễ nghe mà còn gửi gắm nhiều ý tứ sâu sắc trong những ca từ, thể hiện được những tình cảm chân thành của tác giả đối với quê hương, đất nước và con người.

Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, mỗi ca khúc đều gắn liền với một câu chuyện, câu chuyện đời chung hoặc câu chuyện tình riêng. Qua ca khúc, ông gửi gắm thông điệp đầy lạc quan về cuộc sống, tình yêu… Ông đã ước nguyện cả cuộc đời làm một người hát rong, miệt mài hát về những triết lý sống đẹp-triết lý “sống vì mọi người”.

Chẳng hạn, ca khúc “Tình đất đỏ miền Đông” nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết theo phong cách dân ca Nam bộ, ra đời ngay sau những ngày giải phóng. Ca khúc này viết về một vùng đất ông từng có nhiều gắn bó. “Tình đất đỏ miền Đông” đã đoạt giải Nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước do Hội Văn nghệ Giải phóng tổ chức năm 1976.

Hay với ca khúc “Một đời người một rừng cây”, nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết vào khoảng năm 1980. Ý tưởng xuất phát từ câu của một người lãnh đạo khi chỉ vào rừng đước Cần Giờ (TPHCM) và nói, các chú phải trồng gần thì cây đước mới lên thẳng, mới hữu dụng; trồng xa quá thân thấp, um tùm vô dụng.

Và nhạc sĩ đã viết: “Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng/ Và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương…”. Ông chia sẻ: “Ý bài hát tôi muốn nói lớp trẻ - bộ đội ta ở nơi gian khổ họ trưởng thành và đã là thanh niên thì chung sức giúp đỡ nhau. Tôi mượn rừng cây để nói về cái đẹp con người, về lực lượng bộ đội ở biên giới Tây Nam những năm tháng đó”. Cũng trong ca khúc này, ông có một câu hát để đời, như gửi gắm một thông điệp, một triết lý: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết nhường phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai/ Cũng từng nghĩ về đời mình…”.

Những năm tháng hoạt động âm nhạc sôi nổi, nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người đi nhiều. Dấu chân ông đã chạm vào các vùng miền đất nước và ông cũng được đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng gia tài âm nhạc của ông không đồ sộ về số lượng, chỉ hơn 100 ca khúc, trải dài trong 50 năm sáng tác.

Nhưng với những ca khúc: “Đi qua vùng cỏ non”, “Một rừng cây một đời người”, “Tình đất đỏ miền Đông”, “Người mẹ Bàn Cờ”, “Xin làm người hát rong”… đã đủ dựng lên một chân dung âm nhạc Trần Long Ẩn vừa trữ tình, vừa khúc chiết, sâu sắc những triết lý sống nhân văn: "Rồi mùa Xuân ấy/ Tóc trắng mẹ bay/ Như gió như mây bay qua đời con/ Như gió như mây, bay qua thời gian"… (Mừng tuổi mẹ); và: "Khi nghĩ về một đời người/ Tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây/ Tôi thường nhớ về nhiều người/ Trẻ trung như cụm hoa hồng/ Hồn nhiên như là ánh lửa/ Chiều hôm khi gió về…" (Một đời người một rừng cây).

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người biết chắt lọc những tinh hoa của cuộc sống, chắt lọc những yêu thương trong trái tim, nhịp đập của cuộc sống, của quê hương, đất nước để viết thành những nốt nhạc, những giai điệu có đặc thù của riêng mình và không thể trộn lẫn vào đâu được.

Đó là tính dân gian, tính dân chủ, tính nhân văn, tính nhân dân nhưng đồng thời có một nét gì rất riêng của một nhạc sĩ trên hành trình sáng tạo cá nhân mình. “Sự thành công trong một bài hát có thể chỉ trong năm bảy phút nhạc thôi, có thể chỉ ghi chép vừa một tờ giấy A4 thôi nhưng đó là sự chắt lọc của một trái tim, cuộc sống, của một con người yêu quê hương đất nước và bên cạnh đó còn là tài năng hiếm có của một nhạc sĩ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sinh năm 1944 tại Bình Định. Ông nguyên là Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM.
Trước năm 1975, ông là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". Vào năm 1972, ông được điều vào vùng giải phóng, học về âm nhạc, lý luận văn nghệ cách mạng và được đào tạo chính quy tại Nhạc viện Hà Nội từ năm 1974. Sau ngày thống nhất đất nước, ông công tác trong ngành văn hóa tại TPHCM, giảng dạy Nhạc viện TPHCM.
Với những đóng góp cho âm nhạc, nhạc sĩ Trần Long Ẩn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2002), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007), Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam...

HÀ THƯ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-mot-cay-la-co-rung-10284414.html
Zalo