Cô Huyền 30 năm gieo yêu thương tới học trò khiếm thính

Bằng sự yêu thương và thấu cảm với những học sinh thiệt thòi, cô giáo Hồ Ngọc Huyền đã gắn bó với Trường Chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng (phường 21, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) suốt 30 năm qua.

Kết nối bằng ngôn ngữ ký hiệu

Đến với Trường Chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng, nhiều người sẽ cảm nhận được một môi trường giáo dục hoàn toàn khác với bình thường, bởi lẽ cô và trò chủ yếu giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu khiến lớp học yên tĩnh đến lạ thường. Tuy nhiên, sự gắn kết, thấu cảm là nguồn năng lượng bất tận để những giáo viên đặc biệt này gắn bó với các học sinh kém may mắn. Gắn bó với mái trường đặc biệt tròn 30 năm, cô Hồ Ngọc Huyền đã coi nơi này như ngôi nhà thứ hai, coi học trò là con để hết lòng yêu thương, dạy dỗ.

 Cô Huyền đã gắn bó với học sinh khiếm thính suốt 30 năm qua.

Cô Huyền đã gắn bó với học sinh khiếm thính suốt 30 năm qua.

Cô Huyền vốn tốt nghiệp ngành Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Đứng trước nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cô lại lựa chọn làm giáo viên của các học sinh đặc biệt. “Khi tôi còn nhỏ, bà và dì của tôi có dịp giúp đỡ nhiều em nhỏ khiếm thính. Khi ấy, tôi có dịp chơi đùa và nhiều kỷ niệm cùng các bạn khiếm thính. Bởi vậy khi đi thực tập tôi đã xin về Trường Chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng và trở thành giáo viên chính thức từ tháng 6-1995 cho đến nay”, cô Huyền cho biết.

Cô Huyền chia sẻ, do cô học ngành Giáo dục tiểu học để dạy trẻ bình thường nên ban đầu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc và giao tiếp với học sinh khiếm thính. Cô đã phải học ở các em rất nhiều về ngôn ngữ ký hiệu cũng như được đồng nghiệp hỗ trợ chuyên môn. Tuy nhiên, điều cô Huyền cảm thấy quan trọng nhất khi dạy học sinh đặc biệt đó là tình yêu thương, sự kiên nhẫn và thấu cảm.

Dạy học sinh khiếm thính là một hành trình không hề đơn giản. Cô Huyền thường xuyên phải đối mặt với áp lực từ công việc và tâm lý học sinh, đặc biệt nhiều em gặp khó khăn trong việc hòa nhập, cần sự động viên lớn để vượt qua mặc cảm. Mỗi em cần một phương pháp tiếp cận riêng mà chỉ có người giáo viên gắn bó lâu dài với các em mới tìm ra được.

Cô Huyền có nhiều sáng tạo trong phương pháp dạy học cho học sinh khiếm thính.

Cô Huyền có nhiều sáng tạo trong phương pháp dạy học cho học sinh khiếm thính.

Cô Huyền cho biết, mục tiêu chính của giáo viên là phát triển khả năng nghe nói của các em và đi đôi với chương trình dạy văn hóa. Hiện nay, trường có gần 130 học sinh đang theo học ở các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học, phân chia theo nhóm lớp. Các em được học đầy đủ các môn học phổ thông và được học nói theo một giáo trình bài bản giúp sớm hòa nhập.

Thương học trò bằng tấm lòng người mẹ

Suốt 30 năm đứng lớp, cô Huyền nhớ mặt từng em cho dù các em đã ra trường khá lâu, nhắc đến ai cô đều kể rành mạch về tính nết, công việc hiện tại của các em. Từng buổi đi sinh hoạt ngoại khóa đều là những kỷ niệm không thể quên được của cô và trò.

Trong chuyên môn cô Huyền luôn nỗ lực tìm tòi tạo ra các trò chơi và lồng ghép kiến thức để lôi cuốn học sinh kiên trì tìm hiểu. Như trong các tiết học cô luôn chuẩn bị đồ dùng đẹp, hấp dẫn, an toàn cho học sinh học tập, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy rất thương học trò nhưng cô Huyền cũng luôn thưởng phạt phân minh, động viên kịp thời và phê bình đúng mức. Cô cũng phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để phụ huynh hướng dẫn con học tại nhà.

Cô Huyền tâm sự: “Điều khó khăn khi giao tiếp với các em là nghe nói và ngôn ngữ, có nhiều lúc các em muốn thể hiện nhưng không nói được hết ý, dễ sinh ra cáu gắt. Tôi phải tìm hiểu xem học sinh muốn nói gì và giúp các em nói lên ý. Khi diễn tả đúng ý các em, nét mặt các em vui tươi, rạng rỡ ngay, đó cũng chính là niềm vui của cô giáo”.

Để nâng cao chuyên môn, cô Huyền đã tham gia các lớp về can thiệp sớm và giáo dục trẻ em đặc biệt nhằm thấu hiểu học trò hơn. Cụ thể, cô Huyền đã tham gia khóa học và Hội thảo về Can thiệp sớm cho trẻ dưới 3 tuổi tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tham gia các khóa học ngắn hạn tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục trẻ khuyết tật TP Hồ Chí Minh.

Trường Chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng vốn là trường tư thục nhưng hoạt động phi lợi nhuận, đặc biệt các gia đình cho con theo học chủ yếu có điều kiện khó khăn vì vậy nguồn tài chính để trả lương cho giáo viên không cao. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, yêu học trò cô Huyền cũng như nhiều cô giáo khác đã quyết tâm gắn bó với mái trường đặc biệt nhiều năm.

“Trước kia tôi cũng có nhiều cơ hội về dạy các trường có mức đãi ngộ cao hơn hoặc dạy trẻ bình thường cũng nhàn hơn. Tôi lỡ yêu mái trường này rồi nên không dứt ra được. Gia đình tôi thì luôn ủng hộ quyết định của tôi, họ không bao giờ chê thu nhập tôi thấp mà luôn nói tôi giàu, vì giàu sự yêu mến, kính trọng của các thế hệ học trò”, cô Huyền nói.

 Niềm hạnh phúc nhất với cô Huyền là sự trưởng thành của các em học sinh.

Niềm hạnh phúc nhất với cô Huyền là sự trưởng thành của các em học sinh.

Cô Huyền cho biết thêm, hiện nay giáo dục đặc biệt được các cấp quan tâm hơn nên điều kiện học tập của các em được nâng lên. "Tôi vẫn luôn mong trường được khang trang và có nhiều cây xanh hơn cho học trò học tập, vui chơi. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ sở đào tạo nghề tiếp nhận các em và sau đó giới thiệu việc làm cho các em để không uổng công nỗ lực của các em từ nhỏ cũng như giúp các em tự lập, hòa nhập với cộng đồng. Nhiều em học sinh tốt nghiệp giờ đã có gia đình và công việc ổn định, đó là điều chúng tôi hạnh phúc nhất. Thỉnh thoảng các em dẫn cả gia đình về trường thăm các cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam khiến chúng tôi rất xúc động xen lẫn niềm tự hào vì sự nghiệp trồng người đã có ngày thu trái ngọt”, cô Huyền tâm sự.

Ngoài công tác chuyên môn, cô Huyền còn phụ trách công tác văn, thể, mĩ của trường và làm Phó chủ tịch Công đoàn Trường, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên Hy Vọng. Cô Nguyễn Thị Thân, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy Vọng cho biết: “Cô Huyền đã gắn bó với mái trường này từ những năm đầu thành lập và cô rất tâm huyết với học trò. Dạy trẻ khiếm thính ngoài chuyên môn cần phải có tình yêu thương như người mẹ, sự kiên trì, hy sinh của người cha, kiến thức của người giáo viên, những yếu tố đó đều hội tụ đủ ở cô Huyền. Chúng tôi rất vui vì có những giáo viên tâm huyết, chấp nhận thiệt thòi để ở đây chia sẻ và hỗ trợ các em nhỏ khiếm thính”.

Cô Hồ Ngọc Huyền vinh dự là một trong 60 thầy cô giáo xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/co-huyen-30-nam-gieo-yeu-thuong-toi-hoc-tro-khiem-thinh-802802
Zalo