Cơ hội vàng để Việt Nam bước vào sân chơi bán dẫn toàn cầu

Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và có khát vọng trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng.

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028.

Trả lời phỏng vấn VietNamNet về cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, ông Lê Quang Ðạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam cho biết: “Công nghiệp vi mạch ở Việt Nam có hai phần chính là thiết kế và sản xuất. Về phần thiết kế, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm rất nhiều trong 2 năm vừa qua.

Tuy phần thiết kế này vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, nhưng đang tiến triển rất tốt về thiết kế vi mạch. Về phần sản xuất vi mạch, chúng ta đang thảo luận và cần một chiến lược đầu tư lâu dài. Tôi nghĩ rằng về lâu dài Chính phủ cần hỗ trợ phần sản xuất vi mạch ở Việt Nam. Thời điểm hiện nay là cơ hội vàng vô cùng hiếm có cho Việt Nam.

Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể nắm bắt được cơ hội này thì cần sự hợp tác của nhiều phía với nhau như Chính phủ, các trường đại học, các doanh nghiệp để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lên một mức độ cao hơn”.

Với những lợi thế mà Việt Nam đang có, bà Linda Tân, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Ðông Nam Á (SEMI), nhận định Việt Nam là trung tâm bán dẫn mới nổi trong khu vực: “Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Ðông Nam Á”.

Theo đại diện SEMI, Việt Nam có “sự ổn định chính trị và quyết tâm lớn của Chính phủ” trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với lộ trình và mục tiêu rõ ràng cho ba giai đoạn.

Tiếp đến, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, ở gần một số thị trường lớn nhất toàn cầu hiện nay như Trung Quốc và ASEAN. Ðồng thời, nằm trên các tuyến hàng hải chủ chốt dễ dàng sang châu Âu và Bắc Mỹ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số trẻ và đam mê công nghệ, Việt Nam có nguồn nhân lực tiềm năng cung cấp cho ngành bán dẫn với chi phí lao động tương đối cạnh tranh so với các thị trường khác.

“Không chỉ vậy, các doanh nghiệp FDI đang có vai trò lớn trong thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Các tên tuổi lớn như Samsung, Amkor, Intel, Micron, Marvell, Infineon… đều có nhà máy tại Việt Nam, củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Linda Tân kết luận.

Chia sẻ với các doanh nghiệp công nghệ trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chiến lược quốc gia về bán dẫn được Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo năm 2023, với mục tiêu Việt Nam có 50 nghìn kỹ sư thiết kế, hàng trăm nghìn kỹ sư, lao động kỹ thuật trong các ngành liên quan, đưa Việt Nam đến 2030 trở thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử.

Từ mục tiêu này sẽ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc cải thiện thể chế, chính sách, phát triển và đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Việt Nam, hợp tác quốc tế.

“Chúng ta sẽ phát triển chip trong một bức tranh lớn hơn. Lĩnh vực thiết kế chip đạt 60 tỷ USD, ngành công nghiệp bán dẫn là 600 tỷ USD, nhưng công nghiệp điện tử là 3.000 tỷ USD, do vậy phải phát triển đồng thời với ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Bây giờ, các thiết bị điện tử bắt đầu chuyển sang hướng có AI và đây là cơ hội”, Bộ trưởng nói thêm.

Viết tiếp giấc mơ người Việt

Lĩnh vực bán dẫn đã phát triển ở Việt Nam trong một khoảng thời gian tương đối dài. Việt Nam đã có nhà máy bán dẫn đầu tiên mang tên Z181, hiện được gọi là Công ty Ðiện tử Sao Mai được Chính phủ thành lập năm 1979. Nhà máy Z181 được đầu tư đồng bộ các dây chuyền công nghệ gồm các thiết bị để nghiên cứu và sản xuất vật liệu, linh kiện bán dẫn điện tử như transitor, diod, thyristor, sensor bán dẫn...

Thế nhưng, đầu những năm 1990, do biến động chính trị thế giới khiến việc sản xuất, đóng gói chip vi mạch của nhà máy Z181 đã phải dừng lại.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết: “Hơn hai thập kỷ trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho thế giới

Cứ đi là có đường. FPT cùng các doanh nghiệp CNTT khác đã tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu. Giờ đây, Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư CNTT, một nửa trong số đó là lập trình viên.

Nếu có thể tập trung nguồn lực này cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung ứng cho toàn thế giới”.

Chủ tịch FPT dẫn câu chuyện của ông Jensen Huang - CEO NVIDIA - khi đến Việt Nam từng nói: Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn. “Ðột phá mới là quan trọng. Chúng ta phải đột phá về thể chế. Trong 18 tháng phải thể hiện: Việt Nam không phải có cơ hội mà còn cam kết với cơ hội đó”.

Hiện FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc Tập đoàn FPT) đã tuyên bố ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Không chỉ có FPT, Viettel cũng đã tiến hành sản xuất chip cho thiết bị 5G. Viettel thiết kế thành công con chip phức tạp nhất đến nay của Việt Nam dựa trên nền tảng nghiên cứu phát triển trong nhiều năm. Ðây là công nghệ cao mà chỉ có vài nước có thể sản xuất được.

Ông Nguyễn Ðình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Viettel khẳng định, Viettel là Tập đoàn công nghệ cao hàng đầu của quốc gia, xác định sứ mệnh là chủ lực phát triển công nghiệp bán dẫn. Viettel xác định đây là chặng đường dài, cần có một lộ trình tiếp cận hợp lý, vững chắc cả về nghiên cứu cơ bản và kinh doanh.

Ðể phát triển công nghiệp bán dẫn, cần thiết kế, sản xuất các con chip đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, các hệ thống điện tử trong nước, nhu cầu an ninh quốc gia. Ðây là nền tảng để phát triển các công nghệ chip tiên tiến, thế hệ mới, mở rộng cung cấp ra nước ngoài.

“Các thế hệ lãnh đạo Viettel từ trước đến nay luôn xác định R&D là nền tảng để tạo ra giá trị bền vững. Nhận những nhiệm vụ lớn của quốc gia, tìm cách giải những bài toán khó nhất là cách Viettel tìm ra những không gian tăng trưởng mới”, ông Chiến nói thêm.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-hoi-vang-de-viet-nam-buoc-vao-san-choi-ban-dan-toan-cau-2356770.html
Zalo