Cơ hội vàng cho ngành sầu riêng

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam thông qua việc ký Nghị định thư cho sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này, là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh dự báo tăng mạnh

Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), là sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, tỉnh có khoảng 5.800ha trồng sầu riêng, diện tích tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 2.500ha. Hiện có 54 mã số vùng trồng, 6 cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Gia Lai định hướng tiếp tục phát triển ổn định cây sầu riêng lên tối đa khoảng 6.000ha.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá gần 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, với Nghị định thư vừa ký kết, cùng năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường, dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD

Dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cho biết, doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực cấp đông sầu riêng từ năm 2022. Theo Điều II của Nghị định thư nói trên về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, phía Việt Nam phải đảm bảo rằng các công đoạn như tách vỏ, tách múi và chế biến khác của sầu riêng đông lạnh được thực hiện bởi các nhân viên được chỉ định. Để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, nhân viên này phải làm việc trong khu vực sản xuất trong suốt quá trình chế biến và đóng gói. Đối với doanh nghiệp, việc hiểu rõ các tiêu chí về "nhân viên được chỉ định" là rất quan trọng để đảm bảo tuyển chọn đúng người, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, trong tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu, có yêu cầu về việc thiết lập và vận hành hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đối với an toàn thực phẩm (HACCP). Theo đó, nhân viên cần được đào tạo và cấp chứng nhận HACCP để đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu.

Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn được đăng ký. Phía Việt Nam sẽ quản lý và giám sát các vườn cung cấp nguyên liệu cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào.

Chia sẻ thêm, ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, doanh nghiệp cần thực hành nông nghiệp tốt và đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu. Đối với chủ đề doanh nghiệp quan tâm, cần tuân thủ các tiêu chí theo quy định. Trong đó, cơ sở vật chất, kho chứa thường, kho lạnh và thiết bị sản xuất phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhà máy và cơ sở chế biến đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) xét duyệt hồ sơ và cấp mã đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Cùng với đó, việc xây dựng mã số vùng trồng là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu mà thu mua sầu riêng từ các vườn trồng của nông dân, hợp tác xã thì doanh nghiệp cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với từng lô hàng.

Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng nhấn mạnh, cần nâng cao công nghệ cấp đông, chất lượng sản phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất sầu riêng đông lạnh. Để có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quy định cho các địa phương, hiệp hội, vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư và quy định của Trung Quốc, chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo cho việc truy xuất khi có yêu cầu.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-vang-cho-nganh-sau-rieng-156149.html
Zalo