Cơ hội vẫn mở ra với các nhóm ngành nội địa trong bối cảnh làn sóng thuế quan Mỹ
Tín hiệu tạm hoãn áp thuế của Mỹ giúp thị trường bớt căng thẳng, nhưng áp lực dài hạn vẫn còn hiện hữu. Trong khi nhóm xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức, cơ hội lại mở ra với các ngành gắn với nhu cầu nội địa, từ ngân hàng, bất động sản đến điện, tiêu dùng, phân bón.
Thận trọng trước sóng thuế quan Mỹ, Hòa Phát thay đổi chính sách cổ tức 2024 WB chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro và tuân thủ với Cục Thuế
Chiều ngày 9/4 (sáng 10/4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp dụng mức thuế quan mới đối với gần 60 đối tác thương mại trong vòng 90 ngày, nhằm mở ra không gian đàm phán và giảm bớt căng thẳng ngắn hạn trong quan hệ thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, song song với động thái này, ông Trump cũng công bố quyết định nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%, trong khi các loại thuế hiện hành áp dụng cho nhôm, thép và ô tô vẫn được giữ nguyên.
Thông tin trên lập tức tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường tài chính toàn cầu. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng vọt 7,9%, còn S&P 500 bật tăng 9,5%, đánh dấu phiên giao dịch có mức tăng mạnh nhất kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng phản ứng đầy hưng phấn, khi sắc xanh lan tỏa trên toàn bộ các sàn. Chốt phiên 10/4, VN-Index tăng 74,04 điểm (+6,77%) lên mức 1.168,34 điểm, với 534 mã tăng giá, trong đó có tới 372 mã tăng kịch trần. Tuy vậy, thanh khoản lại sụt giảm mạnh so với phiên trước, chỉ đạt gần 370 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 6.305 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 so với giá trị giao dịch hôm 9/4.
Tương tự, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng mạnh 8,17% lên 208,32 điểm với 221 mã tăng và 139 mã tăng trần. Giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 564 tỷ đồng, nhưng bức tranh thị trường nhìn chung vẫn rực rỡ sắc xanh.

Sắc xanh bao phủ chỉ số VN-Index và HNX trong phiên ngày 10/4.
Dù thị trường tăng mạnh, giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc tạm hoãn áp thuế chỉ mang tính chất ngắn hạn, không làm thay đổi bản chất căng thẳng của cuộc chiến thương mại. Về trung và dài hạn, các nhóm ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ, cao su, giấy, dây cáp điện… cùng bất động sản khu công nghiệp và logistics sẽ chịu nhiều áp lực do đơn hàng sụt giảm, biên lợi nhuận bị thu hẹp.
Trong bối cảnh này, MBS đưa ra chiến lược tái cơ cấu danh mục sang những ngành ít chịu tác động trực tiếp từ xung đột thương mại, đồng thời được hưởng lợi từ các động lực nội tại của nền kinh tế.
Theo đó, một trong những nhóm ngành được đánh giá tích cực là bất động sản dân cư. Việc mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, cùng với tiến trình tháo gỡ pháp lý và làn sóng sáp nhập tỉnh, đang giúp thị trường phục hồi mạnh. Lợi nhuận quý I/2025 của ngành tăng đáng kể và cả năm dự kiến đạt mức tăng trưởng 6%, nổi bật ở khu vực phía Nam khi nguồn cung căn hộ tăng tới 78% và các dự án chậm bàn giao từ năm trước bắt đầu được ghi nhận doanh thu.

Một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường phiên ngày 10/4. Nguồn: VNDIRECT.
Ngân hàng cũng là điểm sáng nhờ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tính đến 25/3, tín dụng toàn ngành đã tăng 2,5% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức 0,26% cùng kỳ năm trước. Mục tiêu tín dụng năm nay được đặt ở mức 16%, trong khi lợi nhuận quý I ước tính tăng 15%, chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay giảm.
Theo MBS, ngành điện tiếp tục duy trì triển vọng tích cực nhờ chính sách tăng trưởng 8% GDP, sản lượng tiêu thụ quý I tăng 6%, thủy điện hưởng lợi từ điều kiện thời tiết thuận lợi, còn điện khí và than giữ sản lượng ổn định.
Bên cạnh đó, nhóm dầu khí, đặc biệt là phân khúc thượng nguồn được cho là ít bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại, do năng lượng không nằm trong diện áp thuế.
Giá dầu thế giới duy trì ổn định cũng là yếu tố giúp hiệu quả hoạt động của ngành được giữ vững. Trong khi đó, xây dựng tiếp tục được hỗ trợ bởi tiến độ giải ngân đầu tư công (dự kiến tăng 14%) và sự phục hồi của thị trường bất động sản, giúp tăng giá trị backlog ngành. Đồng thời, chi phí trích lập dự phòng cũng có xu hướng giảm, cải thiện biên lợi nhuận.
Các nhóm ngành phục vụ thị trường nội địa như vật liệu xây dựng, phân bón, điện, tiêu dùng thiết yếu hay chăn nuôi cũng được MBS đánh giá tích cực trong giai đoạn tới. Nhóm phân bón hưởng lợi từ giá dầu giảm, nguồn cung thắt chặt từ Trung Quốc - Nga và chính sách hoàn thuế VAT dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2025. Nhựa xây dựng được kỳ vọng tăng trưởng 8% trong năm, với định giá hấp dẫn và cổ tức cao.
Trong khi đó, nhóm tiêu dùng thiết yếu tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn với biên lợi nhuận ổn định, doanh thu nội địa lớn và cổ tức cao. Đặc biệt, ngành chăn nuôi đang có lợi thế nhờ giá thịt lợn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Nhóm chứng khoán được kỳ vọng đóng vai trò dẫn dắt thị trường nhờ thanh khoản cải thiện (trung bình hơn 30.000 tỷ đồng/phiên) và định giá vẫn thấp so với trung bình 5 năm (P/B 1.5-1.8 lần).
Không nằm ngoài xu hướng phục hồi, hàng không đang lấy lại đà tăng trưởng nhờ nhu cầu quốc tế tăng mạnh trong quý I (+30%) và dự kiến tăng 20% trong cả năm. Hạ tầng ngành tiếp tục được mở rộng với các dự án lớn như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hay sân bay Long Thành. Các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại như bảo hiểm, công nghệ - viễn thông và dược phẩm cũng ghi nhận triển vọng tích cực.
Ngành bảo hiểm, dù giảm mạnh về định giá (-18,3%) do biến động thị trường, lại mở ra cơ hội tích lũy dài hạn. Công nghệ - viễn thông được thúc đẩy bởi nhu cầu chuyển đổi số và kế hoạch thương mại hóa 5G, trong khi ngành dược được hưởng lợi từ chính sách ưu tiên thuốc nội và làn sóng nâng chuẩn nhà máy sản xuất.