Cơ hội và thách thức của các nhà mạng trong chuyển đổi số và thương mại hóa 5G

Mục tiêu nỗ lực phủ sóng 5G trên toàn quốc vào năm 2030 đặt ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã mở ra nhiều cơ hội lớn cũng như đi kèm với không ít thách thức cho các nhà mạng hiện nay.

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai 5G với việc đấu giá thành công các băng tần cho các nhà mạng. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi hiện đã có 2 nhà mạng triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc (Viettel và VinaPhone).

Hiện, MobiFone đã và đang hoàn thiện các công tác chuẩn bị, sẵn sàng cung cấp dịch vụ 5G toàn diện, nhanh, ổn định và đảm bảo an toàn đến khách hàng. Định hướng phát triển của MobiFone trong những năm tới không chỉ là việc mở rộng mạng 5G mà còn là xây dựng hạ tầng số và hệ sinh thái số vững mạnh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng đã cùng Tập đoàn Ericsson ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đổi mới sáng tạo, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển công nghệ 5G tại Việt Nam.

Các giải pháp mạng riêng, phân chia tài nguyên mạng và tích hợp công nghệ hiện đại khác để đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng ngành như sản xuất, y tế, giáo dục, tài chính và năng lượng đã được các nhà mạng triển khai. Sự kết hợp giữa công nghệ 5G và tự động hóa dựa trên AI được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa cho sản xuất thông minh thế hệ mới. Qua đó, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh. Theo dự báo, năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3-7,4 %. Năm 2030, 5G đem lại cho các nhà mạng Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng di động 5G, coi đây là nền tảng cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Một trong những mục tiêu trọng tâm đặt ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là phải phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030.

Cho đến thời điểm này, các nhà mạng Việt Nam đã thương mại hóa 5G và đang nỗ lực triển khai 5G phục vụ cho người dân và ứng dụng vào các ngành kinh tế với kỳ vọng ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh...

Tuy nhiên đi cùng với những cơ hội lớn đó, Thương mại hóa 5G cũng đặt ra cho các nhà mạng rất nhiều thách thức. Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone đã chỉ ra những thách thức lớn mà các nhà mạng đang phải đối mặt: "Thách thức đầu tiên là khung pháp lý. Hiện Việt Nam chưa có đầY đủ các cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị. Thách thức thứ 2 là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp công nghệ 5G. Thách thức lớn thứ 3 là bài toán đầu tư. Muốn phủ sóng 5G thì số lượng trạm là rất lớn, phải vài trăm nghìn trạm mới phủ sóng 5G hết Việt Nam. Trong khi đó, mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G ở xã hội Việt Nam đang thấp. Thách thức cuối cùng là vấn đề an ninh mạng. Số lượng kết nối IoT lớn như vậy, nếu bị tấn công DdoS thì hậu quả sẽ rất lớn".

Đại diện VNPT, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho rằng, thách thức lớn nhất khi triển khai 5G là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi, nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn. Đây là thách thức quyết định việc triển khai công nghệ mới như 5G trong hoạt động chuyển đổi số của từng doanh nghiệp.

Hiện nay công nghệ 5G đang dần trở thành nền tảng cho kỷ nguyên số, Việt Nam đang nỗ lực để bắt kịp xu thế này.

Hồng Thủy

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cua-cac-nha-mang-trong-chuyen-doi-so-va-thuong-mai-hoa-5g-172241227114728915.htm
Zalo