Cơ hội, thách thức xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường tỷ dân

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Việc thị trường lớn này mở cửa chính thức cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này của Việt Nam.

Làm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại một cơ sở ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc.

Làm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại một cơ sở ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc.

Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Cơ hội lớn

Theo nội dung của Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh bao gồm: sầu riêng nguyên trái (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ).

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500 ngàn tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 80%. Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400-500 triệu USD và sẽ góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị “tỷ đô” vào năm 2025.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, việc tổ chức, phát triển ngành sầu riêng phải có sự đồng hành giữa các nhóm cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội và các ngành chuyên môn cùng nhau tạo điều kiện cho DN, người dân thực hiện. Tỉnh sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút DN đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị cho ngành hàng chủ lực này trên địa bàn tỉnh.

Với diện tích gần 13 ngàn hécta, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của Đồng Nai. Đồng Nai cũng là tỉnh đứng đầu Đông Nam Bộ về diện tích sầu riêng; là một trong 5 địa phương có diện tích, sản lượng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc lớn nhất cả nước. Năm 2023, sản lượng sầu riêng của Đồng Nai xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 47,5 ngàn tấn, giá trị hơn 3,3 ngàn tỷ đồng.

Tỉnh thu hút nhiều DN đầu tư cấp đông sầu riêng xuất khẩu. Theo một số DN đầu tư bóc múi, cấp đông sầu riêng trên địa bàn tỉnh, việc xuất khẩu hàng cấp đông sang thị trường Trung Quốc được các DN chờ đợi từ nhiều năm nay. Vì cấp đông sầu riêng là giải pháp góp phần giải quyết những hạn chế khi chỉ xuất khẩu trái tươi, nhất là về thời gian bảo quản trái tươi ngắn nên thường chỉ bán được ở các thị trường không quá xa biên giới. Với sầu riêng đông lạnh, DN không lo lắng về thời gian bảo quản nên có cơ hội đưa sản phẩm xâm nhập sâu trong nội địa Trung Quốc còn rất giàu tiềm năng. Xuất khẩu sầu riêng cấp đông có nhiều thuận lợi hơn vì phần thịt quả thường chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là phần vỏ bỏ nên sẽ giảm rất nhiều chi phí vận chuyển. Ngoài ra, việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông, không bị áp lực thời gian, bảo đảm chất lượng và có thể xuất bán quanh năm chứ không phụ thuộc vào mùa vụ như làm trái tươi. Xuất khẩu sầu riêng cấp đông giúp gia tăng giá trị cho loại trái cây này hơn rất nhiều vì có thể xuất khẩu gần hết được sản lượng sầu riêng thu hoạch, chứ không chỉ tuyển lựa được một phần nhỏ lượng trái đủ chuẩn, đủ size như làm trái tươi.

Đại diện Cơ sở Đóng gói Thanh Trung (thành phố Long Khánh) chia sẻ, cơ sở đầu tư thêm xưởng đóng gói, bóc múi sầu riêng cấp đông xuất khẩu với sản lượng lớn vì thấy tiềm năng thị trường xuất khẩu của mặt hàng này còn rất lớn. Hiện xuất khẩu chủ yếu vẫn qua thị trường Trung Quốc. Việc được Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho DN xuất khẩu.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc mở cửa thị trường cho sầu riêng đông lạnh giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Nội dung nêu ra các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Đi kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

Thị trường Trung Quốc đang chuyển sang xu hướng nhập sầu riêng đông lạnh nhằm gia tăng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo nhận định của Hiệp hội Vinafruit, Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam sẽ tạo ra sự tăng trưởng lớn cho ngành hàng này. Chuyển sang xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, lợi thế của Việt Nam gần Trung Quốc, chi phí logistics giảm, sẽ tăng cạnh tranh với hàng của Thái Lan, Malaysia. Tuy nhiên, có nhiều thách thức ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam cần phải nhận diện và chuẩn bị ứng phó, nhất là làm sầu riêng cấp đông trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc), chia sẻ HTX có lợi thế đã mở rộng quy mô diện tích vùng chuyên canh sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP với hơn 120 hécta. Ngoài ra, HTX còn thu mua sầu riêng của các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận. HTX có lợi thế kiểm soát được chất lượng sầu riêng từ vùng trồng nên rất mong muốn đầu tư làm sầu riêng đông lạnh để tăng giá trị cho cây trồng này. Khó khăn của HTX là về vốn đầu tư nên mong được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/co-hoi-thach-thuc-xuat-khau-sau-rieng-dong-lanh-vao-thi-truong-ty-dan-83e54b9/
Zalo