Cơ hội, thách thức của bà Harris khi đấu với ông Trump

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gần như chắc suất đề cử đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Những cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi bà trong cuộc đối đầu với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Dù chỉ còn hơn ba tháng nữa nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, nhưng những biến số bất ngờ liên tục xuất hiện. Nếu tuần trước người ta vẫn còn tranh luận về vụ ứng viên Cộng hòa Donald Trump bị ám sát hụt hay vấn đề tuổi tác của ứng viên Dân chủ Joe Biden, thì câu chuyện tuần này chuyển hướng một cách bất ngờ sang một nhân vật khác: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris - ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ lúc này.

Bà Harris tất bật chuẩn bị tiếp ngọn đuốc từ ông Biden

Ngày 21-7, Tổng thống Biden bất ngờ thông báo dừng chiến dịch tái tranh cử và ủng hộ cấp phó của mình chạy đua vào Nhà Trắng. Phó Tổng thống Harris sau đó đã đáp lời ông Biden bằng tuyên bố khởi động chiến dịch tranh cử, theo đài CNN.

Và chỉ 24 giờ sau khi khởi động chiến dịch, bà Harris cùng đội ngũ tranh cử của bà đã đạt nhiều thành tích đáng nể. Theo đó, đêm 22-7 (giờ Mỹ), bà Harris đã vận động đủ số đại biểu ủng hộ cần thiết để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Cụ thể, phó tổng thống đã giành được sự ủng hộ của hơn 2.500 đại biểu, vượt mức 1.976 đại biểu cần thiết (số đại biểu đảm bảo một ứng viên được đề cử ngay từ vòng đầu tiên tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ).

“Tối nay, tôi tự hào khi nhận được sự ủng hộ cần thiết để trở thành ứng viên của đảng chúng ta, và với tư cách là người con của California, tôi tự hào rằng đoàn đại biểu của bang quê hương tôi đã giúp đưa chiến dịch tranh cử chúng tôi lên vị trí dẫn đầu. Tôi mong sớm được chấp nhận đề cử chính thức” - bà Harris nói sau khi nhận đủ số đại biểu.

Bà Harris cũng cam kết sẽ đánh bại ứng viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Trump. “Trong vài tháng tới, tôi sẽ đi khắp đất nước để nói chuyện với người dân Mỹ về những gì đang bị đe dọa. Tôi mong muốn đoàn kết đảng, đoàn kết đất nước và đánh bại ông Donald Trump vào tháng 11 tới”.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử tại TP Wilmington, bang Delaware (Mỹ) ngày 22-7. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử tại TP Wilmington, bang Delaware (Mỹ) ngày 22-7. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh việc đạt đủ số đại biểu trong thời gian ngắn, đội ngũ tranh cử của bà Harris cho biết đã gây quỹ được 81 triệu USD chỉ trong một ngày kể từ khi bà chính thức bắt đầu chiến dịch tranh cử.

Nhóm của bà Harris gọi số tiền 81 triệu USD là “khoản quyên góp nhiều nhất trong 24 giờ mà lịch sử từng ghi nhận”. Phía bà Harris nói thêm rằng “hơn 888.000 nhà tài trợ đã quyên góp, 60% trong số họ là đóng góp lần đầu tiên trong kỳ bầu cử 2024”.

Hiện tại, phó tổng thống đang có một lịch trình bận rộn cho hoạt động vận động tranh cử. Trong ngày 22-7, bà Harris đã có buổi nói chuyện tại Nhà Trắng, sau đó bà di chuyển đến trụ sở chiến dịch tranh cử ở TP Wilmington (bang North Carolina), kế đó là buổi vận động tranh cử tại TP Milwaukee (bang Wisconsin) trong ngày 23-7.

Đài CNN dẫn các nguồn tin rằng trong ngày 24-7 bà Harris sẽ vận động tranh cử tại TP Indianapolis (bang Indiana) nên sẽ không thể tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ngoài ra, có thông tin rằng đảng Dân chủ đang tìm kiếm ứng viên liên danh tranh cử với bà Harris ở vị trí phó tổng thống. Cụ thể, Thống đốc bang North Carolina - ông Roy Cooper, Thống đốc bang Pennsylvania - ông Josh Shapiro và Thượng nghị sĩ Mark Kelly của bang Arizona nằm trong số những đảng viên Dân chủ được yêu cầu nộp thông tin về tài chính, lịch sử gia đình và các thông tin cá nhân khác.

“Tôi đã đối đầu với đủ kiểu người. Những kẻ ngược đãi phụ nữ, những kẻ lừa đảo người tiêu dùng, những kẻ gian lận đã phá vỡ các quy tắc. Vì vậy, hãy lắng nghe tôi khi tôi nói rằng tôi biết kiểu người của ông Donald Trump” - Phó Tổng thống Kamala Harris nói khi vận động tranh cử ở North Carolina hôm 22-7, đánh dấu lần đầu bà nhắc đến ông Trump sau khi tuyên bố tranh cử.

Nhiều thách thức nhưng cơ hội vẫn còn

CNN dẫn một câu nói nổi tiếng ở Mỹ để mô tả tình trạng hiện tại của bà Harris: "Một ứng viên tổng thống sẽ không bao giờ có một ngày tốt đẹp hơn ngày tuyên bố tranh cử”. Câu nói ám chỉ ngày đầu tiên của cuộc đua tổng thống thường dễ dàng, và thách thức luôn rình rập ở phía trước.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE HILL

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE HILL

Theo giới quan sát, nếu nhận được đề cử từ đảng Dân chủ, bà Harris sẽ phải đối đầu với “một cỗ máy vận động tranh cử” chuyên nghiệp và mạnh mẽ của đối thủ Donald Trump. Các chuyên gia cho rằng ông Trump hai ngày qua có phần “bối rối” trước quyết định rút tranh cử của ông Biden, nhưng đội ngũ tranh cử của cựu tổng thống đang điều chỉnh để hướng mũi tên về phía bà Harris.

Sau thời gian tập trung chỉ trích ông Biden, ngày 22-7, ông Trump và phó tướng J.D. Vance đã nhắm mục tiêu vào bà Harris. Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã gọi bà Harris là “bà trùm biên giới khủng khiếp và vô năng”, ý nhắc đến việc Tổng thống Biden bổ nhiệm Phó Tổng thống Harris giám sát vấn đề nhập cư ở biên giới.

Trong khi đó, ông Vance cáo buộc bà Harris “nói dối” về tình trạng sức khỏe của Tổng thống Biden và cho rằng bà còn “tệ hơn gấp nhiều lần” so với ông Biden.

Ngoài ra, nữ phó tổng thống cũng phải đối mặt thách thức rất lớn từ việc bà là người da màu. Nước Mỹ đến nay chỉ có một tổng thống da màu và chưa từng có nữ tổng thống. “Nghiên cứu liên tục chỉ ra bằng chứng về phân biệt giới tính và chủng tộc trong chính trị Mỹ. Phụ nữ da màu thường là mục tiêu bị nhắm đến nhiều nhất từ những định kiến về giới tính và chủng tộc” - theo PGS Martha Johnson tại ĐH Northeastern (Mỹ).

Dù vậy, theo các chuyên gia, việc bà Harris tiếp ngọn đuốc của ông Biden có thể mở ra bước ngoặt cho đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống năm nay.

Đầu tiên có thể thấy rằng bà Harris đã củng cố sự đoàn kết trong nội bộ Dân chủ sau những chia rẽ liên quan vấn đề tuổi tác của ông Biden. Ngay sau khi bà Harris tuyên bố tranh cử, loạt đảng viên Dân chủ đã lên tiếng ủng hộ bà. “Điều chúng ta sẽ thấy trong bốn tháng tới là sự hợp nhất của toàn bộ đảng Dân chủ đằng sau bà Kamala Harris” - chiến lược gia Chuck Rocha, người sáng lập tổ chức tư vấn Solidarity Strategies (trụ sở Mỹ), nói với tờ Politico.

Bên cạnh đó, sự tham gia của bà Harris bất ngờ đưa đảng Dân chủ vào thế thượng phong trong các tranh luận. Trong nhiều tháng, đảng Dân chủ đã hứng chịu chỉ trích từ đảng Cộng hòa về tuổi tác của ông Biden. Giờ đây, bà Harris khiến “gió đảo chiều” khi bà trẻ hơn ông Trump gần 20 tuổi.

Thêm vào đó, các cuộc thăm dò cho thấy bà Harris có tỉ lệ ủng hộ nhỉnh hơn ông Biden ở đối tượng cử tri da màu, cử tri nữ và thế hệ cử tri trẻ tuổi.

Đảng Cộng hòa xây dựng kế hoạch đối phó bà Harris

Đài CNN ngày 22-7 đưa tin nhóm vận động tranh cử của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang xây dựng một kế hoạch nhằm vào bà Harris dù bà vẫn chưa chính thức trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Kế hoạch được cho là sẽ tập trung vào những chính sách không hiệu quả của chính quyền ông Biden.

“Đó là liên danh Harris-Biden. Những thất bại của ông Biden cũng chính là những thất bại của bà Harris” - Hạ nghị sĩ Tony Gonzales của đảng Cộng hòa nói với CNN.

Ngoài ra, tại các khu vực dao động ở bang Arizona và New Mexico, cánh vận động của đảng Cộng hòa có kế hoạch tập trung vào cách bà Harris giải quyết vấn đề biên giới và tình trạng nhập cư từ Trung Mỹ.

Đảng Cộng hòa từ lâu đã gọi bà Harris là “bà trùm biên giới” và sắp tới đảng này được cho là sẽ nhấn vào cụm từ này nhiều hơn.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/co-hoi-thach-thuc-cua-ba-harris-khi-dau-voi-ong-trump-post801822.html
Zalo