Cơ hội tái thiết hay nguy cơ bế tắc?

Dưới áp lực ngày càng tăng từ chính đảng Tự do của mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố từ chức, chấm dứt 9 năm ở vị trí Thủ tướng và 12 năm giữ chức Chủ tịch đảng; dư luận hiện đang quan tâm đến những diễn biến tiếp theo trên chính trường Canada.

Đã đến lúc tái thiết

"Đã đến lúc tái thiết" - ông Trudeau nói với các phóng viên bên ngoài dinh thự của mình trong cuộc họp báo lạnh giá hôm 6.1 tại thủ đô Ottawa. "Tôi thực sự cảm thấy rằng tôi cần có trách nhiệm xóa đi tình trạng bất đồng xung quanh việc tôi tiếp tục lãnh đạo và đây là một cơ hội để hạ nhiệt tình hình", ông nói. “Đất nước này xứng đáng có một sự lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử tiếp theo, và nếu tôi bị mắc kẹt trong các cuộc đấu tranh nội bộ, tôi không thể là lựa chọn tốt nhất”.

Thủ tướng Trudeau cũng đã đình chỉ Quốc hội đến ngày 24.3, một thủ tục cần thiết để tiến hành bầu thủ tướng mới. Ông sẽ tiếp tục giữ chức lãnh đạo Đảng Tự do và thủ tướng cho đến khi người thay thế được bầu thông qua cuộc bầu cử toàn quốc của đảng.

Từng là ngôi sao đang lên của trường phái chính trị tiến bộ toàn cầu, giờ đây tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Justin Trudeau đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 33% vào cuối năm ngoái. Ngay cả sự ủng hộ dành cho ông Trudeau bên trong đảng Tự do cầm quyền cũng đã bắt đầu sụt giảm vào năm 2024, cùng với đó là sự bất mãn tiếp tục lan rộng trước tình trạng kinh tế trì trệ.

 Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố từ chức. Nguồn: Getty Images

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố từ chức. Nguồn: Getty Images

Ông Trudeau, 53 tuổi, nhậm chức vào tháng 11.2015 với thông điệp hy vọng và “con đường tươi sáng” cho Canada. Ông đã tái đắc cử 2 lần, trở thành một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất của Canada và nhận được sự hoan nghênh từ những người theo chủ nghĩa tiến bộ vì tập trung vào các chính sách bình đẳng giới. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trudeau đã thúc đẩy các cải cách Thượng viện, ký kết thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, hợp pháp hóa cần sa và thông qua luật trợ tử. Tuy nhiên, danh tiếng của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một loạt chính sách không được lòng dân, từ thuế carbon, nhập cư ồ ạt, đến các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong đại dịch Covid-19 và việc trấn áp cuộc biểu tình của các tài xế xe tải.

Bên cạnh những thách thức lớn trong nước, ông Trudeau tiếp tục phải chịu áp lực từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, khi ông Trump tuyên bố đe dọa áp thuế 25% đối với hàng hóa Canada nếu nước này không hạn chế dòng người di cư và ma túy vào Mỹ. Các cuộc đàm phán thương mại và ngoại giao căng thẳng này đã làm nổi bật sự khó khăn mà ông Trudeau gặp phải trong việc bảo vệ lợi ích của Canada. Hơn nữa, việc Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland - một trong những đồng minh thân cận nhất của Trudeau, đã từ chức vào tháng 12.2024 càng làm tăng thêm sự bất ổn; bà Freeland đã chỉ trích cách ông xử lý các vấn đề kinh tế và ứng xử với chính quyền Donald Trump sắp tới.

Thêm vào đó, những vụ bê bối chính trị trong suốt nhiệm kỳ dài của ông Trudeau cũng làm tổn hại đến danh tiếng của nhà lãnh đạo này; ông Trudeau đã bị khiển trách vào năm 2017 vì nhận quà tặng bao gồm cả kỳ nghỉ và các chuyến bay trực thăng riêng. Vào năm 2020, ông Trudeau tiếp tục vướng vào vụ bê bối khi chọn tổ chức từ thiện WE Charity có quan hệ thân thiết với gia đình ông, để quản lý một dự án lớn của chính phủ dành cho sinh viên trong đại dịch Covid-19, điều này khiến cho dân chúng cảm thấy bất mãn. Sự ủng hộ dành cho đảng Tự do đã giảm mạnh, khiến cho nhiều thành viên trong đảng Tự do đã kêu gọi ông Trudeau từ chức với hy vọng có thể tránh được sự thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử.

Sau khi tuyên bố từ chức, ông Trudeau cho biết Quốc hội sẽ tạm ngừng hoạt động cho đến ngày 24.3. Trong thời gian đình chỉ họp Quốc hội, chính phủ hiện tại sẽ vẫn nắm quyền và điều này có nghĩa là ông Trudeau vẫn sẽ là Thủ tướng Canada vào ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Tiến hành bầu cử

Theo luật liên bang Canada, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào hoặc trước ngày 20.10.2025. Với việc tất cả các đảng đối lập công khai bày tỏ sự mất niềm tin vào đảng Tự do cầm quyền, cũng như mong muốn nhanh chóng tìm ra nhà lãnh đạo mới để chuẩn bị đối phó với chính quyền Donald Trump sắp tới, vì vậy cuộc bầu cử có nhiều khả năng sẽ được tổ chức sớm hơn.

Trong nhiều tháng qua, đảng Bảo thủ đối lập đã tìm cách kích hoạt một cuộc bầu cử bằng cách đưa ra hàng loạt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện. Chính phủ cần sự ủng hộ của đa số trong tổng số 338 nghị sĩ quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đảng Tự do thiếu 17 ghế để đạt đa số, nghĩa là họ cần sự ủng hộ từ các thành viên của các đảng khác tại Canada.

Sau khi thời gian tạm ngừng quốc hội kết thúc, cuộc bỏ phiếu đầu tiên sẽ là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu chính phủ mất phiếu tín nhiệm, họ sẽ từ chức hoặc yêu cầu giải tán quốc hội, dẫn đến một cuộc bầu cử liên bang.

Thách thức đối với đảng Tự do

Theo truyền thông Canada, việc đình chỉ họp Quốc hội có thể sẽ giúp đảng Tự do có thêm thời gian chuẩn bị tìm người lãnh đạo kế nhiệm và không phải đối mặt với viễn cảnh thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Thủ tướng Trudeau cũng cho biết, ông đã yêu cầu đảng Tự do khởi động việc tìm kiếm lãnh đạo mới trước khi thời gian tạm ngừng quốc hội kết thúc. Một nhà lãnh đạo mới sẽ được chọn thông qua một "quy trình cạnh tranh, toàn quốc và mạnh mẽ".

Chủ tịch đảng Tự do Sachit Mehra cho biết, đảng sẽ triệu tập một cuộc họp của ban điều hành quốc gia trong tuần này để thống nhất các quy trình đại hội chọn lãnh đạo mới. Thông thường, các lãnh đạo của các đảng liên bang tại Canada được chọn trong khoảng thời gian từ bốn đến năm tháng, thông qua một đại hội bầu lãnh đạo chính thức. Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với đảng này là các đại hội như vậy thường mất vài tháng để tổ chức và nếu một cuộc bầu cử diễn ra trước thời điểm đó, đảng Tự do sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của một thủ tướng được chỉ định mà không được các thành viên bầu chọn - một điều chưa từng xảy ra ở Canada. Đảng Tự do có thể cố gắng tổ chức một đại hội ngắn hơn bình thường, nhưng điều đó có thể gây ra phản đối từ các ứng viên cảm thấy mình bị bất lợi.

Giáo sư Daniel Beland từ Đại học McGill (Canada) nhận định rằng, việc thủ tướng đương nhiệm từ chức là một cột mốc lớn trong chính trị Canada, đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn đầy biến động. Trong khi đảng Tự do chuẩn bị cho một trang mới, họ cũng phải đối mặt với những thách thức lớn khi suy giảm uy tín của ông Trudeau đã trở thành gánh nặng cho đảng Tự do, khó khăn trong việc lựa chọn một nhà lãnh đạo đủ sức thuyết phục và giành lại niềm tin của cử tri.

Hiện chưa có người kế nhiệm rõ ràng cho ông Trudeau, nhưng một số nhân vật nổi bật trong đảng Tự do như cựu Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, Bộ trưởng Giao thông Anita Anand và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mark Carney đã được đề xuất làm ứng viên tiềm năng.

Sự trỗi dậy của phe đối lập

Theo Al Jazeera, người kế nhiệm ông Trudeau sẽ phải đối mặt với lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre, 45 tuổi; ông Poilievre lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Canada vào năm 2004; trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ vào năm 2022, và đảng này ngày càng được ủng hộ khi người dân Canada không hài lòng với Thủ tướng Trudeau. “Mang giấc mơ Canada trở về” đã trở thành một trong những khẩu hiệu lớn của đảng Bảo thủ.

Nổi tiếng là người thẳng thắn, ông Poilievre đã chỉ trích cách điều hành chính phủ của đảng Tự do trong một cuộc phỏng vấn dài 90 phút với người dẫn chương trình Podcast nổi tiếng Jordan Peterson. Và gần đây, ông cũng đã phản bác những bình luận của ông Trump về việc đưa Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ. Giới quan sát nhận định, với tình hình hiện tại, chính quyền của ông Trump sắp tới gần như chắc chắn sẽ làm việc với chính phủ của ông Poilievre khi đảng Bảo thủ có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở Canada.

Trong cuộc phỏng vấn với CTV News, ông Poilievre thừa nhận rằng, ông Trump là người thương lượng rất quyết liệt, nhưng nếu trở thành thủ tướng, lãnh đạo đảng Bảo thủ khẳng định sẽ tìm kiếm một thỏa thuận lớn khiến cả hai quốc gia an toàn hơn, giàu có hơn và mạnh mẽ hơn; ông Poilievre cho biết sẽ đẩy nhanh phê duyệt xây dựng các nhà máy lọc dầu, nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng và các cơ sở hạt nhân, cũng như tăng cường xuất khẩu điện dư thừa sang Mỹ; đồng thời sẽ thực hiện cuộc trấn áp tội phạm lớn nhất trong lịch sử Canada.

Trong cuộc thăm dò gần nhất của Ipsos Canada cho thấy, đảng Bảo thủ đối lập giành được 45% sự ủng hộ trong số những cử tri đã quyết định, trong khi đảng Tự do và đảng Dân chủ Mới chỉ giành được 20% mỗi đảng.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-hoi-tai-thiet-hay-nguy-co-be-tac-post401387.html
Zalo