Cơ hội rất lớn cho Việt Nam bứt phá, vươn mình
Từ góc nhìn của một người làm công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định chưa bao giờ Việt Nam có không gian cải cách thuận lợi như thời điểm hiện nay. Đây là cơ hội lớn cho đất nước bứt phá, vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới. Nhân dịp năm mới Ất Tỵ, phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung về vấn đề này.
Tìm con đường mới, bước đi mới
Phóng viên: Chúng ta vừa bước vào năm 2025 với những chuyển biến rất nhanh về chính sách, như triển khai thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy; điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng lên ít nhất 8% để làm tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong nhiều năm tiếp theo. Ông cảm nhận thế nào về những chuyển biến này?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) biến động tương đối lớn do tác động của đại dịch Covid-19 và nhiều yếu tố bên trong, bên ngoài.
Nếu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 7% thì tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 5,93%; nếu tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, tăng trưởng GDP trung bình cả giai đoạn đạt 6,2%, thấp hơn so với mục tiêu 7-7,5% như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đặt ra. Trước đó, tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2015-2020 là 5,9%/năm.
Hãy hình dung với tốc độ tăng trưởng đều đều như vậy, tuy vẫn thuộc loại khá cao trong khu vực và trên thế giới nhưng so với chính mục tiêu chúng ta đã đề ra thì chưa đủ để nền kinh tế phát triển vượt bậc như kỳ vọng.
Muốn vươn mình, chúng ta phải có điểm tạo bước ngoặt để tăng tốc bứt phá lên. Kỷ nguyên mới phải bắt đầu bằng một bước ngoặt và cải cách thể chế chính là bước ngoặt đó.
Nhìn thẳng vào những điểm hạn chế, yếu kém hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận diện thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và chỉ đạo tập trung cải cách thể chế, dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Cải cách thể chế liên quan nhiều nội dung nhưng điểm đột phá đầu tiên được chọn là tinh giản bộ máy. Sắp xếp bộ máy lần này làm từ trên xuống với phương châm Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, phải hoàn thành trong quý I/2025, không để cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém.
Đây là điểm chưa từng có, cho thấy sự quyết liệt và tầm nhìn của người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Sự đổi mới tư duy của nhà người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong những giai đoạn có tính chất bước ngoặt của đất nước là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công cuộc đổi mới.
Nếu không thay đổi tư duy thì không thể thay đổi hành động để từ đó xây dựng chính sách mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đây là lúc khởi điểm cho những tính toán mang định hướng chiến lược. Nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình lúc nào cũng rình rập nếu chúng ta không tìm được con đường mới, bước đi mới.
Những tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm cần được quán triệt, “thấm” vào bộ máy chính trị để triển khai thực hiện ngay trong cả hệ thống chính trị, nhất là trong công tác cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Dứt khoát phải bỏ tư duy không quản được thì cấm, tư duy làm luật phải hướng đến mục tiêu kiến tạo phát triển thay vì mang nặng yếu tố quản lý.
Đặc biệt, đối với chính sách pháp luật về kinh tế càng phải tập trung khuyến khích tạo cơ hội phát triển, thúc đẩy phát triển và đáp ứng yêu cầu phát triển. Từ trước đến nay, tư duy của chúng ta là ban hành luật để kiểm soát nên tạo điểm nghẽn.
Phóng viên: Vì lẽ đó, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ ưu tiên tập trung thực hiện và xác định tháo điểm nghẽn thể chế là “đột phá” của “đột phá”?.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Tháo điểm nghẽn thể chế phải theo tư duy mới, cách làm mới. Tôi cho rằng, trong 2-3 năm tới phải dừng ban hành những quy định mới theo mục tiêu kiểm soát, quản lý; tập trung rà soát, bãi bỏ những luật không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các luật trung gian.
Nghĩa là không chỉ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng chỉnh sửa mà phải thay đổi, tháo bỏ những quy định của pháp luật đang tạo ra điểm nghẽn cản trở sự phát triển, thậm chí “đập bỏ để xây lại” nếu thấy cần thiết. Đồng thời phải đổi mới cả tư duy thực thi pháp luật theo mục tiêu, kết quả tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp chứ không phải thực thi pháp luật cứng nhắc theo quy trình.
Điểm nghẽn pháp lý lớn nhất đang tập trung ở hai lĩnh vực. Một là trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai và hoạt động đầu tư; hai là trong pháp luật chuyên ngành, rõ nhất là ở các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Mở ra không gian mới cho tăng trưởng
Phóng viên: Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng những biến chuyển “thần tốc” đang diễn ra trên “mảnh đất thực tiễn Việt Nam” khiến nhiều người kỳ vọng đây thực chất là công cuộc đổi mới lần 2?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Công cuộc Đổi mới 40 năm trước của Việt Nam cũng bắt đầu từ sự thay đổi về tư duy, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, sử dụng các công cụ của kinh tế thị trường để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Đại hội VI, Đảng ta đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức và tư duy trong lý luận và hành động quản lý kinh tế khi đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng thời điểm đó và dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không chấp nhận cách làm cũ, quyết tâm chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Đó là nền tảng để đạt được những thành tựu lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, đưa Việt Nam từ trình độ một nước nghèo trên thế giới trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu nhập vào kinh tế quốc tế.
Chúng ta cũng đang bắt đầu kỷ nguyên vươn mình bằng đổi mới tư duy. Tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Đây cũng là thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2025-2030 để hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phấn đấu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Với những điểm hội tụ đó, tôi cảm nhận đây chính là cơ hội lớn trong thúc đẩy cải cách phát triển, là cơ hội rất lớn cho sự bứt phá, vươn mình của đất nước. Khi người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nhận diện thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, sẵn sàng đối diện với sự thật và đổi mới tư duy để có cách làm khác thì đó chính là khởi đầu cho những kế hoạch cải cách mang tính xoay chuyển.
Phóng viên: Sự thay đổi này sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Kinh tế Việt Nam vừa có một năm được đánh giá là đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng có những vấn đề đang rất căn bản đặt ra, không thể giải quyết bằng các giải pháp trước mắt.
Yếu tố tạo nên tăng trưởng vượt mọi dự báo trong năm 2024 là sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh so với năm 2023, xuất khẩu tăng mạnh nhờ cầu nhập khẩu từ các đối tác lớn trên thế giới phục hồi và tăng mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phục hồi mức gia tăng như trước đại dịch Covid-19; đầu tư ngoài nhà nước cũng có cải thiện khi tăng 7,7% so với năm 2023 nhưng mức tăng này còn thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân 13,6% của giai đoạn 2014-2019.
Đầu tư công chỉ tăng 3,3%; tốc độ tăng đầu tư tư nhân trung bình trong các năm 2020-2024 cũng chỉ đạt trung bình 5,8%. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Động lực tăng trưởng năm 2025 đến từ kinh tế địa phương, thông qua cơ chế phân cấp mạnh mẽ và toàn diện cho các địa phương theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Trong mức tăng chung của cả nền kinh tế, đóng đáng kể từ sự cạnh tranh thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng của các địa phương đã thể hiện rất rõ trong giai đoạn 2000-2007. Bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi hơn vì 63 địa phương trong cả nước đã có quy hoạch tổng thể, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và giải pháp tăng trưởng hai con số.
Trên thực tế, lãnh đạo các địa phương đã nhận thức rõ trách nhiệm này. GDP cả nước sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số nếu tất cả các địa phương có tiềm năng đều đạt mục tiêu đề ra và trở thành các cực tăng trưởng. Muốn như vậy, phải tạo áp lực cao và mở ra không gian mới, cách làm mới cho các địa phương phát huy tài năng, dám nghĩ, dám làm bằng mọi cách để đạt mục tiêu.
Đó là các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trong khi đó, bối cảnh bên ngoài cũng chưa lường trước được, nhất là những chính sách khó đoán định của Tổng thống Donald Trump và nguy cơ áp thuế đại trà đối với hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ; khả năng tăng giá của đồng đô-la Mỹ,…
Vì vậy cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 để tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo và đó là cơ hội lớn cho những người hành động.
Trong bối cảnh đó, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được thực hiện rất quyết liệt. Thực chất đó là thiết kế lại bộ máy chứ không phải cắt giảm cơ học, từ đó mở rộng không gian cho những người hành động, dám làm vì sự phát triển chung của đất nước.
Cùng với bộ máy đã được tinh gọn, hệ thống pháp luật cũng được thiết kế theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, bỏ tư duy không quản được thì cấm, đề cao phương pháp quản lý theo kết quả thay vì quản lý theo quy trình.
Đó là điều kiện để mở ra không gian mới cho các sáng kiến, ý tưởng của đội ngũ công chức trong hệ thống nhà nước, tháo bỏ các điểm nghẽn để các nguồn lực bừng nở.
Cải cách thể chế không thể tách rời sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cần động lực để vượt ngưỡng và chỉ có thể chế mới làm được điều đó. Khi được xốc lại tinh thần kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ là những người chơi chính tham gia tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng 2 con số của nền kinh tế Việt Nam trong kỳ nguyên mới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!