Cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD) với vai trò theo chốt trong nền kinh tế số đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội.
Trước tiềm năng của ngành CNBD, ngày 21-9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển CNBD Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Chiến lược xác định Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm đến 70% sản lượng sản xuất ngành CNBD toàn cầu, là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất đồng thời là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.
Chiến lược ngành CNBD của Việt Nam tập trung vào phát triển chip bán dẫn, chip chuyên dụng, điện tử, công nghiệp điện tử… để phát triển ngành CNBD đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng được nguồn nhân lực có chất lượng cho gia công, xuất khẩu lao động về CNBD. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực dựa trên dự báo, tầm nhìn đồng thời bám sát nhu cầu thị trường. Chú trọng thúc đẩy ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước để tạo đầu ra, đảm bảo cho đào tạo thành công.
Ngoài việc triển khai các chương trình đào tạo dài hạn như STEM từ phổ thông, đại học và sau đại học, chiến lược tập trung đào tạo nhanh trong ngắn hạn như nâng cao, đào tạo chuyển tiếp cho các kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm, kỹ sư điện tử…
Thực hiện chiến lược này, mới đây Bộ Giáo dục và đào tạo đã có văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo trong cả nước khẩn trương xây dựng đề án, đề xuất đăng ký ngành đào tạo, kế hoạch tuyển sinh và đào tạo. Trong đó, chủ động rà soát, xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành CNBD Việt Nam theo hướng hội nhập, đạt chuẩn quốc tế.
Tại Đồng Nai, thời gian qua một số cơ sở đào tạo, trong đó có Trường đại học Lạc Hồng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp triển khai những bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ đào tạo, tài trợ thiết bị liên quan đến điện tử, sản xuất chip bán dẫn, vi mạch bán dẫn. Trường và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu đã ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai nhằm tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến nhằm nâng cao năng lực và chuẩn bị cho sinh viên trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.
Đây được xem là bước tiến quan trọng mở ra nhiều cơ hội cho ngành CNBD phát triển tại Đồng Nai trong thời gian tới.