Cơ hội phát triển điện mặt trời mái nhà

Bắc Giang có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà (MTMN). Nếu như trước đây, việc phát triển nguồn năng lượng này gặp khó khăn thì nay đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường

Thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 tổ chức, cá nhân lắp đặt điện MTMN với tổng công suất khoảng 80 MWp. Năm 2024, sản lượng điện từ nguồn này phát lưới bình quân gần 800.000 kWh/tháng với số tiền trước thuế khoảng 2 tỷ đồng. Việc lắp đặt điện mặt trời đã giúp giảm thiểu quá tải lưới điện quốc gia, tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường.

 Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát tình hình sử dụng điện MTMN tại Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam).

Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát tình hình sử dụng điện MTMN tại Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam).

Năm 2023, UBND xã Tuấn Đạo (Sơn Động) được một doanh nghiệp (DN) đang đầu tư dự án phát triển điện gió trên địa bàn hỗ trợ 135 triệu đồng để xây dựng hệ thống điện MTMN với tổng công suất 8 kWp. Nguồn điện được tạo ra từ các tấm pin năng lượng mặt trời bảo đảm cho việc sử dụng các thiết bị điện trong cơ quan. Vào thời điểm cơn bão số 3 hoành hành gây mất điện trên diện rộng, trụ sở UBND xã vẫn có điện phục vụ công việc khi thời tiết có nắng. Nguồn điện được thiết kế hai chiều nên năng lượng dự trữ hết sẽ tự động chuyển sang lưới điện quốc gia. Trước đây, mỗi tháng đơn vị chi từ 7-8 triệu đồng tiền điện. Nhờ có hệ thống điện MTMN, đơn vị tiết kiệm được khoảng 30% tiền điện/tháng.

Cuối năm 2023, gia đình anh Vương Đình Hùng, thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) cũng đầu tư 70 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện MTMN, công suất 6,5 kWp. Nguồn điện này đáp ứng từ 80-90% nhu cầu sử dụng của gia đình anh. Anh Hùng cho hay, năm 2023 xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài gây thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Vì thế, anh càng nhận thấy rõ tầm quan trọng của điện MTMN. Khi xây nhà, anh đã chủ động thiết kế để lắp đặt hệ thống điện áp mái, vừa tiết kiệm chi phí tiền điện, bảo đảm nguồn điện ổn định, vừa góp phần giảm thiểu phát thải xấu ra môi trường.

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang sẽ phát triển thêm 72 cụm công nghiệp, 33 khu công nghiệp cộng với nhiều cơ quan công sở, trường học nên dư địa phát triển điện MTMN tại địa bàn lớn. Mặt khác, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng nên việc sử dụng điện lưới từ điện MTMN là giải pháp hết sức cần thiết nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định, giảm tải cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ

Để khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt điện MTMN, ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP (Nghị định 135) quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ. Chính sách này đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển điện MTMN nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; góp phần giảm thiểu chi phí, bảo đảm mục tiêu phát triển năng lượng xanh, bền vững. Đơn cử như: Được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong một số trường hợp nhất định, hưởng chính sách ưu đãi về thuế, được rút gọn các thủ tục hành chính liên quan…

Ngay sau khi Nghị định 135 có hiệu lực, Bắc Giang đã tổ chức hội nghị tuyên truyền; ban hành danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực điện lực thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai, áp dụng. Cụ thể gồm có 3 thủ tục: Cấp giấy chứng nhận đăng ký; điều chỉnh, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký; thông báo phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

Tính đến ngày 24/12, Sở Công Thương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ cho 4 DN (Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang); Công ty TNHH Precision Technology Component Fulian; Công ty TNHH Vật liệu hợp kim Bedra Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu) với tổng công suất lắp đặt gần 27 nghìn kW.

Tính đến ngày 24/12, Sở Công Thương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ cho 4 DN (Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang); Công ty TNHH Precision Technology Component Fulian; Công ty TNHH Vật liệu hợp kim Bedra Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu) với tổng công suất lắp đặt gần 27 nghìn kW. Hiện đơn vị đang hướng dẫn một số đơn vị khác hoàn thiện hồ sơ, chờ cấp giấy chứng nhận.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang), Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên), DN bắt đầu hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2016, chuyên sản xuất tai nghe, dây kết nối và các sản phẩm điện tử khác với quy mô hơn 225 triệu sản phẩm/năm. Những năm qua, Công ty luôn quan tâm đến việc sản xuất xanh gắn với bảo vệ môi trường. DN đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến; cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời cũng được xây dựng vào kế hoạch thực hiện để đáp ứng mục tiêu sản xuất xanh. Mới đây, DN đã hoàn thiện thủ tục đăng ký phát triển điện MTMN, công suất 9.800 kW. Đại diện Công ty cho biết, thủ tục khá đơn giản, thời gian giải quyết nhanh (10 ngày), không mất lệ phí. DN cũng cam kết bảo đảm an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; không sử dụng các tấm quang điện, thiết bị chuyển đổi điện một chiều thành điện xoay chiều đã qua sử dụng.

Đầu tháng 12/2024, Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam) có văn bản gửi đến Sở Công Thương đề nghị hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục cần thiết để tiếp tục phát triển điện MTMN (trước đó, Công ty đã lắp đặt điện mặt trời). Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức buổi làm việc, khảo sát tình hình sử dụng điện mặt trời của DN và hướng dẫn thực hiện các thủ tục cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị định 135 đến toàn thể tổ chức, cá nhân; tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận, điều chỉnh, bổ sung, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phát đúng quy trình, quy định.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Công ty Điện lực Bắc Giang tiếp tục theo dõi, rà soát tình hình sử dụng điện mặt trời trên địa bàn; bảo đảm tuyệt đối an toàn trong vận hành. Ngoài ra hướng dẫn tổ chức, cá nhân bán lượng điện dư thừa cho hệ thống điện quốc gia với giá theo quy định; đối với các công trình thuộc cơ quan nhà nước thì không áp dụng chính sách mua bán điện dư thừa.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/co-hoi-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-postid410110.bbg
Zalo