Cơ hội mới hợp tác TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên

Việc hợp tác giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên đem lại nhiều hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 3-1, tại TP Đà Lạt đã diễn ra Hội nghị đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) về hợp tác - đầu tư với chủ đề "TP HCM - Tây Nguyên: Cơ hội mới, tầm nhìn mới" và Hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên năm 2024 - kế hoạch triển khai hợp tác năm 2025. Chương trình do UBND TP HCM phối hợp với lãnh đạo 5 tỉnh vùng Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai tổ chức.

Đẩy mạnh liên kết, giao thương

Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong việc liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên trong thời gian qua; đồng thời, đẩy mạnh liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đây cũng là dịp để các DN TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên liên kết, hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, phân phối hàng hóa…

Các doanh nghiệp phân phối TP HCM khảo sát thực tế tại một trang trại rau ở Đà Lạt .Ảnh: THANH NHÂN

Các doanh nghiệp phân phối TP HCM khảo sát thực tế tại một trang trại rau ở Đà Lạt .Ảnh: THANH NHÂN

"Việc phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP HCM và các vùng khác rất quan trọng, góp phần hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo sức bật mạnh mẽ" - ông Võ Ngọc Hiệp nói.

Chia sẻ tại hội nghị, một số DN ở Tây Nguyên nêu ra những khó khăn gặp phải trong quá trình đầu tư thực hiện dự án về công nghệ, chính sách hỗ trợ, quy hoạch, vốn đầu tư… Đồng thời, các DN bày tỏ mong muốn có thêm cơ hội hợp tác với các DN ở TP HCM, thông qua đầu mối là TP HCM để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đề xuất xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, ký kết hợp tác giữa các DN, trang trại trồng hoa với shop hoa, vựa hoa ở các chợ đầu mối tại TP HCM để thúc đẩy tiêu thụ hoa. Nhờ áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, hiện Lâm Đồng có 320 ha nhà kính công nghệ cao, canh tác trong nhà kính khoảng 2.700 ha.

Ngành sản xuất hoa của Đà Lạt - Lâm Đồng đã phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, được xem là tỉnh dẫn đầu về nhập nội, cung cấp hoa cho thị trường nội tiêu và xuất khẩu hoa của Việt Nam. Hiện phần lớn lượng hoa tiêu thụ tại TP HCM được hệ thống nhà xe vận tải trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ tại chợ hoa đầu mối lớn ở thành phố.

"Để xúc tiến tiêu thụ ổn định mặt hàng hoa Đà Lạt, đề xuất UBND TP HCM quan tâm hỗ trợ hoạt động về Chương trình hợp tác giao thương xây dựng một số vựa kinh doanh hoa chất lượng trong các chợ đầu mối (niêm yết giá - không rác thải). Có chính sách hỗ trợ, đầu tư ban đầu cho các shop, trong và ngoài chợ đầu mối, gắn kết với hoạt động cung ứng ổn định sản phẩm hoa đạt chất lượng của các hộ, trang trại trồng hoa ở Đà Lạt" - ông Phan Thanh Sang nói.

Những ý kiến của DN được lãnh đạo địa phương liên quan giải đáp, đề xuất hướng xử lý cụ thể trong thời gian tới. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên thống nhất với các báo cáo sơ kết và đề xuất thêm một số chương trình hợp tác dự kiến triển khai hợp tác với TP HCM trong năm 2025.

Đưa doanh nghiệp đến từng địa phương

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định thế giới đang thay đổi rất nhiều, những cách làm theo kiểu cũ không còn phù hợp, phải tuân thủ quy luật phát triển. Nếu muốn vươn xa phải đi theo những quy định, quy chuẩn mới trong chuỗi cung ứng. "Chỉ riêng thị trường TP HCM hiện cũng đặt ra yêu cầu thay đổi về chất và kiểm soát được chất. Phải có nhận thức mới và cách làm mới theo tiêu chí phù hợp thực tế" - ông Võ Văn Hoan nói.

Hiện có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam, họ yêu cầu rất nhiều tiêu chí trên tất cả lĩnh vực. Họ mong muốn có những dự án, công trình để nhà đầu tư rót tiền vào các lĩnh vực năng lượng xanh, tài chính xanh, quản trị, lao động xanh… Thách thức nhiều nhưng cơ hội không ít, quan trọng nhất là cả nhà nước và DN cùng quyết tâm để làm.

Về cách làm, ông Võ Văn Hoan cho biết TP HCM khi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước luôn luôn có xúc tiến đầu tư với các tỉnh. Đơn cử, có dự án nhưng TP HCM thiếu đất, trong khi các tỉnh Tây Nguyên có. Nếu thành phố không có điều kiện này, sẽ giới thiệu nhà đầu tư về tỉnh đáp ứng được.

"Chúng ta xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước lưu ý điều này để tạo điều kiện cho các dự án của các tỉnh bạn tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài. Đề nghị các tỉnh Tây Nguyên lập danh mục những dự án, nhu cầu sử dụng đất, mở rộng đầu tư; TP HCM lập danh sách DN có nhu cầu, trên cơ sở đó thiết kế chương trình đưa DN đến từng địa phương tìm hiểu và triển khai đầu tư dự án" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói.

Lãnh đạo TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên cho biết tiếp thu các nội dung đề xuất tại hội nghị và triển khai cho những đơn vị liên quan thực hiện. TP HCM cam kết trách nhiệm, chủ động trong việc đề xuất thực hiện vì lợi ích của địa phương, người dân và DN; hỗ trợ tối đa cho các DN Tây Nguyên tham gia…

Tại hội nghị, một số DN TP HCM cho biết muốn hợp tác triển khai các dự án chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn tại các tỉnh vùng Tây Nguyên. Riêng tại Đắk Nông, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn muốn liên kết dự án chăn nuôi heo thịt, heo giống quy mô 20 ha; Công ty Phúc Sinh mong muốn được tỉnh quan tâm đến quy hoạch, thủ tục, đầu tư dự án trồng cà phê quy mô 140 ha...

TRƯỜNG NGUYÊN - THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-hoi-moi-hop-tac-tp-hcm-va-cac-tinh-tay-nguyen-1962501032059505.htm
Zalo