Cơ hội mở rộng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines trong các lĩnh vực tiềm năng mới
'Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr nhằm tái khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, tăng cường tin cậy chính trị ở các cấp cao nhất, tạo xung lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực…'. Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Philippines Lại Thái Bình cho biết trong trả lời phỏng vấn báo Thế giới & Việt Nam.
Đại sứ có thể chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. lần này và chuyến thăm sẽ mở ra triển vọng gì cho quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, thưa Đại sứ?
Ngày 12/7/1976, Philippines, một trong năm quốc gia thành viên sáng lập ASEAN chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhanh chóng phát triển thực chất và đi vào chiều sâu. Hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào ngày 17/11/2015, nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Philippines dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23.
Từ đó đến nay, hai nước duy trì thường xuyên các trao đổi đoàn cấp cao, gồm cựu Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2016 và tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2027, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Philippines dự Hội nghị cấp cao ASEAN 30, 31 vào tháng 4 và tháng 11/2017.
Trên đà phát triển tốt đẹp đó, hai bên đã thúc đẩy chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. đến Việt Nam ngay từ khi Tổng thống Marcos nhậm chức ngày 30/6/2022. Chuyến thăm nhằm tái khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, tăng cường tin cậy chính trị ở các cấp cao nhất, tạo xung lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, qua tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân, trước thềm các dấu mốc lớn của quan hệ hai nước như kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2025 và 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao vào năm 2026.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Marcos sẽ được thu xếp tiếp đón với các nghi lễ đối ngoại cao quý và trọng thị nhất, trước khi có các cuộc làm việc quan trọng với các Lãnh đạo Cấp cao của ta. Tổng thống Marcos dự kiến cũng sẽ tham dự chương trình kết nối doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tư nhân, cùng Lãnh đạo cấp cao ta tham dự hoạt động văn hóa nhằm củng cố tình bạn, tình láng giềng hữu nghị giữa hai nước. Hai bên dự kiến trao đổi các văn bản, thỏa thuận về hợp tác chính trị - kinh tế - văn hóa. Hiện, các cơ quan chức năng liên quan của hai bên đang tích cực gấp rút hoàn thiện các bước chuẩn bị cuối cùng để chuyến thăm diễn ra hiệu quả và thành công nhất.
Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, mang lại lợi ích thực chất cho nhân dân hai nước, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN, tạo dựng và giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.
Việt Nam và Philippines đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD, Đại sứ có thể cho biết những nét chính trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước và cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ phải nỗ lực thế nào để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại này?
Hợp tác và giao lưu kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Philippines vốn hình thành từ rất lâu đời, từ hàng thế kỷ trước đây, chủ yếu thông qua đường biển, khi tàu thuyền từ Luzon thường xuyên ghé thăm, neo đậu và trao đổi hàng hóa ở Vịnh Bắc Bộ và Hội An.
Ngày nay, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước bao trùm trên rất nhiều lĩnh vực đa dạng, từ hợp tác chủ lực về gạo đến các mặt hàng truyền thống khác, cho đến hợp tác về đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi liên quan đến kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn gấp 3 lần trong 13 năm qua, từ 2,5 tỷ USD năm 2010 lên 5,3 tỷ năm 2020, 6,7 tỷ USD năm 2021, 7,8 tỷ năm 2022 và giữ nguyên con số 7,8 tỷ USD năm 2023 bất chấp những biến động bất lợi của thị trường toàn cầu, trong đó, xuất siêu của Việt Nam sang Philippines tiếp tục tăng lên đạt 2,5 tỷ USD.
Việt Nam hiện là nhà cung cấp chiến lược cho hơn 85% lượng gạo nhập khẩu của Philippines, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực của nước bạn. Ngược lại, xuất khẩu gạo sang Philippines chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của ta, đưa Philippines thành thị trường quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm ổn định đầu ra cho nông dân và doanh nghiệp gạo của ta, và hiện vẫn đang tiếp tục có nhiều tiềm năng để mở rộng khai thác.
Ngoài ra, các mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam tại thị trường Philippines bao gồm cà phê, hạt tiêu, thủy sản, thức ăn gia súc, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ sắt thép, clanke và xi măng, hàng dệt, may, giày dép. Trong khi đó, ta cũng nhập khẩu từ Philippines một lượng lớn các sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, phụ tùng và kim loại thường khác.
Tháng 11/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm rất thành công đến Philippines. Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Philippines được tổ chức tại Manila trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao nhiệm vụ cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước phấn đấu hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 10 tỷ USD. Mục tiêu này tiếp tục được hai bên nhất trí ghi nhận tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Philippines lần thứ 10 (JCBC 10) được tổ chức vào tháng 8/2023 cũng như các cuộc họp liên quan khác.
10 tỷ USD không phải là con số quá lớn, nhất là khi so sánh với thương mại song phương của Việt Nam với các đối tác chủ chốt khác. Tuy nhiên, xét từ quy mô, tiềm năng và tốc độ phát triển của giao thương hai nước hiện nay, 10 tỷ USD là một mục tiêu vừa tầm để phấn đấu, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối giao thông, kết nối cơ chế thanh toán cũng như kết nối về pháp lý, viễn thông; đồng thời tìm kiếm cơ hội trong việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng mới, song song với việc thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội, mở rộng đầu tư tại thị trường của nhau.
Cùng là hai nền kinh tế đang phát triển năng động bậc nhất tại khu vực, có lực lượng lao động trẻ và quy mô tầng lớp thu nhập trung bình gia tăng nhanh, thị trường tiêu thụ lớn và có thế mạnh trong sản xuất và thị hiếu tiêu dùng mang tính bổ sung cho nhau, tôi tin tưởng quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi, sớm hoàn thành mục tiêu đã được các Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.
Xin Đại sứ cho biết về tình hình hợp tác trong các lĩnh vực mới khác như như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, an ninh lương thực, hợp tác địa phương… giữa hai nước và kỳ vọng về hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực tiềm năng này, thưa Đại sứ?
Tình hình khu vực và thế giới đã trải qua rất nhiều biến động lớn và khó lường trong thời gian vừa qua. Nền kinh tế thế giới còn chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn khó khăn của Đại dịch Covid-19, tiếp tục phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề do xung đột vũ trang kéo dài tại Ukraine và tại Trung Đông, làm gián đoạn thị trường năng lượng và lương thực toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng và leo thang lạm phát.
Song song với đó tiếp tục là những khó khăn do các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sự xuống cấp của môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các thách thức an ninh phi truyền thống. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhu cầu hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và Philippines là rất lớn, qua các kênh song phương, trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc cũng như hợp tác linh động theo các vấn đề và các nhóm quốc gia.
Thời gian qua, hai bên đã tích cực trao đổi, tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế biển, phát triển xanh và bền vững, bảo vệ môi trường, kết nối chuỗi cung ứng… Thông qua chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. đến Việt Nam, cơ hội để mở rộng hợp tác về khí hậu, môi trường và hợp tác địa phương sẽ được gia tăng.
Với nhu cầu, năng lực và điều kiện tương đồng, trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược rất thuận lợi, hai bên có tiềm năng to lớn để trao đổi kinh nghiệm và bổ sung, hỗ trợ cho nhau, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, trực tiếp qua kênh song phương cũng như trong các khuôn khổ đa dạng hiện nay của ASEAN.
Việt Nam là Đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong ASEAN và hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng cũng như lợi ích chiến lược tại khu vực, Đại sứ đánh giá thế nào về nhận định này?
Việt Nam và Philippines thực sự chia sẻ rất nhiều nét tương đồng, cùng đi lên từ hai quốc gia nông nghiệp ven bờ Biển Đông, cùng trải qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ phong kiến và thực dân chiếm đóng, chia sẻ khát vọng vươn lên, phấn đấu vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho nhân dân hai nước.
Việt Nam và Philippines cũng chia sẻ diện tích địa lý và quy mô dân số tương đồng nhau, cùng nhiều nét tương tự khác trong văn hóa và đặc điểm con người. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Phililppines, và là Đối tác chiến lược thứ 3 của Philippines sau Mỹ và Nhật Bản.
Thời gian tới, quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, bao gồm duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại biển, hợp tác biển hiện có; mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, phòng chống thảm họa thiên tại; tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trong khuôn khổ ASEAN, hai nước còn rất nhiều cơ hội hợp tác tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong bối cảnh các biến động chính trị, an ninh phức tạp và khó lường tiếp tục diễn ra tại khu vực, bao gồm tình hình tại Myanmar và Biển Đông.
Trên các diễn đàn đa phương, hai nước chia sẻ lợi ích và nhu cầu hợp tác thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với các vấn đề toàn cầu, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực cũng như thế giới.