Cơ hội hồi sinh sông Tô Lịch
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá sẽ chính thức vận hành thử vào ngày 1/12 tới. Đây là một trong những dự án quan trọng của Thủ đô Hà Nội, với mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với dòng sông Tô Lịch đã chịu cảnh ô nhiễm nặng nề trong nhiều năm qua.
Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, khi đi vào vận hành, dự kiến sẽ giúp cải thiện chất lượng nước của sông Tô Lịch, làm giảm tình trạng ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống cho cư dân quanh khu vực. Việc vận hành nhà máy được kỳ vọng sẽ hồi sinh dòng sông Tô Lịch - con sông gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
Để các dòng sông xanh trở lại
Hiện nay, dọc chiều dài 13,8 km sông Tô Lịch có tới 456 điểm xả thải.
Một trong những lý do nữa khiến sông Tô Lịch không chảy là không có nguồn cấp nước. Nhiều năm gần đây, mực nước sông Hồng tụt xuống thấp, theo tính toán khoảng 2-8m. Các điểm đầu nguồn trơ sỏi đá.
Việc khơi thông dòng chảy cho con sông này không phải không khả thi. PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết: “Không có việc gì là không làm được cả. Để sông Tô lịch và các sông nội đô khác hồi sinh là hoàn toàn khả thi, nếu Hà Nội có kế hoạch chặt chẽ và quyết tâm chính trị thật cao".
Sông Tô Lịch phải chảy trở lại! Và để thực hiện điều đó, Hà nội đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Dự án làm sạch sông Tô Lịch và các con sông khác trong nội thành đã được thành phố triển khai thực hiện. Trong đó, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Sét và 1 phần sông Nhuệ.
PGS.TS Lê Văn Chín - Viện trưởng Viện Tài nguyên nước, Đại học Thủy lợi, cho biết: “Gần 270 nghìn tấn nước thải, tương đương 2/3 lượng nước thải của Hà Nội. Khi đi vào hoạt động, đồng nghĩa nhà máy Yên Xá có thể xử lý 70% lượng nước thải của toàn thành phố. Hà Nội đang có bước đi đúng hướng trong hồi sinh các con sông như Tô Lịch hay sông Lừ".
Tô Lịch không phải con sông đầu tiên được cải tạo sau thời gian ô nhiễm kéo dài. Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM), con kênh chứa rác thải năm nào, nay đã xanh trở lại, sau 10 năm nỗ lực cải tạo và đương nhiên cũng bao gồm một nguồn lực đầu tư rất lớn.
Với những giải pháp đồng bộ, cùng sự đầu tư lớn về nguồn lực, Hà Nội đặt mục tiêu đưa nước sông Tô Lịch và các dòng sông khác sẽ xanh trở lại.
Quy trình vận hành nhà máy nước thải Yên Xá
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó hơn 84% là vốn vay ODA (chính phủ Nhật Bản). Dự án bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm, xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km. Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, với diện tích khoảng 13,8ha.
Với 4 gói thầu được thực hiện thì đến nay, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá do Nhà thầu Liên danh JFE-TSK (Nhật Bản) thi công. Gói thầu số 2, xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính thuộc nhà thầu Công ty Tekken (Nhật Bản). Gói thầu số 3, xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ. Gói thầu số 4, xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới.
Hệ thống cống ngầm nằm ở độ sâu 6-19m bên dưới dòng chảy của sông Tô Lịch. Dự án thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm. Nhà thầu sử dụng hệ thống cọc cừ bằng thép để ngăn chặn đất cát chảy xuống cũng như tạo đường để vận chuyển thiết bị.
Đường ống ngầm dài khoảng 15km với đường kính lớn nhất đạt 2,2m có nhiệm vụ thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông Tô Lịch. Chất liệu của ống ngầm làm từ vật liệu epoxy cho hệ thống cống kết hợp với lớp bê tông quay ly tâm ở cường độ cao, giúp vận chuyển lượng nước lớn an toàn, đồng thời chống thấm tốt.
Về kích thước của đường ống, đường ống nhỏ nhất là 600mm và lớn dần về cuối tuyến - khi lượng nước vận chuyển tăng lên (đạt 2.200mm). Kích thước này đã tính toán ở bước thiết kế kỹ thuật và được các đơn vị chức năng thẩm định. Ngoài ra, các điểm tiếp nhận sẽ trang bị các lưới chắn rác để giảm tình trạng tắc nghẽn.
Đến nay, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành, sẽ đưa vào vận hành thử vào ngày 1/12 tới.
Kỳ vọng hệ thống cống gom nước thải cùng Nhà máy Yên Xá sớm đưa vào hoạt động để hồi sinh sông Tô Lịch là mong mỏi của rất nhiều người dân.
Một trong những lý do khiến sông không chảy là lượng bùn thải trong nước rất lớn. Với 13,8km sông Tô Lịch, có tới 456 điểm xả thải ra môi trường, do đó các điểm này đang được lên phương án đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của dự án nằm dọc bờ sông, nhằm thu gom triệt để nguồn nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, từ đây sẽ lọc ra cát và rác sau đó lọc thành nguồn nước sạch.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm sẽ phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải/ngày, có thể xử lý 70% lượng nước thải của toàn thành phố. Dự án có 52 km cống ngầm và một nhà máy xử lý nước thải. Toàn bộ quá trình thu gom, xử lý nước thải được điều tiết tại trung tâm điều hành với các kỹ sư có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.
Bên cạnh việc hồi sinh các dòng sông “chết” của Hà Nội, đưa đến những dòng nước trong xanh, có thể sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá khi đi vào hoạt động cũng góp phần xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. Điều này cho thấy Hà Nội đang có bước đi đúng hướng trong hồi sinh các con sông.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hảo - Phó Giám đốc Đơn vị tư vấn Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá - TP Hà Nội, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sử dụng công nghệ bùn hoạt tính để xử lý nước thải. Đây là công nghệ truyền thống được sử dụng rộng rãi trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Nước thải khi được nhà máy xử lý sẽ đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam.
Với việc xử lý bằng công nghệ sinh học hiếu khí, các sinh vật sẽ tiêu hóa các chất hữu cơ trả lại nguồn nước sạch, công nghệ này đã được ứng dụng hầu hết ở các nhà máy Nhật Bản. Khi nước thải ra có thể nhìn thấy cá bơi lội, thậm chí cá có thể ăn những vi sinh có lợi trong nước. Sau đó, nước sẽ được chuyển qua 1 bể tiếp theo gọi là bể lắng - nước ở các bể sẽ được duy trì ở 1 tốc độ vừa phải sao cho dòng chảy thật tĩnh để các chất bẩn sẽ lắng xuống phía dưới, tại đây nước sẽ được làm trong và bùn, tạp chất còn lại sẽ được tái sử dụng tại các bể bùn hoạt tính và khu xử lý bùn. Sau đó nước sẽ được dẫn sang khu vực khử trùng để đảm bảo đúng quy trình trước khi xả ra môi trường.
Khu vực khử trùng là nơi mà các hóa chất được sử dụng để đảm bảo loại bỏ hết các tạp chất còn sót lại. Nước sau khi được xử lý, nếu muốn tái sử dụng làm nước sinh hoạt sẽ thêm các công nghệ xử lý tiếp theo.
Ngoài việc hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, để những dòng sông không còn ô nhiễm, cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi xuống sông, hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa độc hại.
Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng là điều hết sức cần thiết.
Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người. Chỉ khi có sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường xanh, sạch, đẹp, và cụ thể hơn là những con sông giữa thủ đô sẽ không còn ô nhiễm nữa.
Sông Tô Lịch cần chảy trở lại! Quyết tâm lớn này đã được thành phố cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp đồng bộ đang được thực hiện cùng lúc. Đây được đánh giá là những phương án mang tính khả thi cao, giúp sớm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Và chắc chắn rằng khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động, nước thải sẽ được xử lý trước khi thải ra môi trường, giúp cải thiện đáng kể nguồn nước của sông Tô Lịch, nâng cao chất lượng đời sống người dân.