Cơ hội để người làm báo trau dồi thêm năng lực, chuyên môn

Tuyến bài Luật Thực hiện dân chủ cơ sở vào trường học góp thêm tiếng nói, giúp các nhà trường, phụ huynh, học sinh và xã hội nắm, hiểu về Luật.

Nhà báo Yến Hoa trong một lần tác nghiệp.

Nhà báo Yến Hoa trong một lần tác nghiệp.

“Góp tiếng nói dân chủ” trong xây dựng nhà trường

Tuyến bài 5 kỳ về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở vào trường học của tác giả Đỗ Yến Hoa, Tạp chí Giáo dục TPHCM gồm: “Cú hích” thực hiện hiệu quả chương trình mới; Trao quyền để học sinh lên tiếng; Nhà trường công khai, phụ huynh đồng hành; Để không còn những “ông quan” trong trường học; Đòn bẩy để xây dựng trường học hạnh phúc đã đoạt Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024.

Chia sẻ về tác phẩm, nhà báo Yến Hoa cho biết, là phóng viên theo dõi mảng Giáo dục nhiều năm nay, nên cứ vào đầu năm học mới, chị sẽ chủ động tìm hiểu những hoạt động của ngành Giáo dục đó là những chương trình, điểm mới tiêu biểu của ngành để viết bài. Nhận thấy việc thực hiện Luật dân chủ cơ sở đang được triển khai hiệu quả trong các trường phổ thông nên tôi đã lựa chọn đề tài này để thực hiện loạt bài dài kỳ.

Theo nhà báo Yến Hoa cho hay, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện một cách hiệu quả dân chủ cơ sở, phát huy tiếng nói dân chủ một cách tập trung, có trách nhiệm trong mỗi đơn vị, cơ quan, tập thể.

 Nhà báo Đỗ Yến Hoa.

Nhà báo Đỗ Yến Hoa.

Đối với các đơn vị trường học, ngành giáo dục TPHCM cũng đã thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua những đơn thư khiếu nại trong tập thể, sự phản ánh của phụ huynh, học sinh, người lao động từ mỗi cơ sở giáo dục đa phần, hầu hết đều xuất phát từ việc... thiếu dân chủ. Hoặc dân chủ chỉ được làm cho có, dân chủ hình thức.

Điều này trở thành rào cản để toàn ngành giáo dục thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng như các đề án, chương trình mang tính đột phá của thành phố đối với ngành giáo dục, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, khu vực...

“Do đó, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở được ngành giáo dục TPHCM đánh giá là cú hích, là bước thuận lợi để mỗi nhà trường soi vào, thực hiện cho đúng, cho đủ, cho sát, tạo sự đồng thuận cao nhất trong đội ngũ, phụ huynh và xã hội trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục”, nhà báo Yến Hoa chia sẻ.

Tạo hiệu ứng mạnh mẽ

Cũng theo nhà báo Yến Hoa, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở vào trường học- trước hết muốn nói về tầm quan trọng của Luật, về nhận thức đúng đắn của đội ngũ về Luật, sau đó là các bước triển khai, tính hiệu quả được kỳ vọng, nêu những cách làm tốt ở một số đơn vị. Đồng thời, do lần đầu tiên có một Luật hướng dẫn về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, do vậy, loạt bài cũng nhằm tuyên truyền sâu rộng đến toàn ngành, từng cán bộ giáo viên nhân viên, phụ huynh, học sinh và xã hội về Luật... để từ đó biết được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc “góp tiếng nói dân chủ” xây dựng nhà trường, đơn vị.

“Tuyến bài nêu ra thực trạng tồn tại khi thực hiện dân chủ cơ sở trong mỗi cơ sở giáo dục TPHCM. Đồng thời chỉ ra tính hiệu quả khi thực hiện dân chủ một cách tập trung, sâu sát, lắng nghe và sự kỳ vọng khi Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đi vào đời sống ngành giáo dục thành phố”, nhà báo Yến Hoa chia sẻ.

 Năm nay là năm đầu tiên nhà báo Yến Hoa gửi tác phẩm dự giải.

Năm nay là năm đầu tiên nhà báo Yến Hoa gửi tác phẩm dự giải.

Cũng theo nhà báo Yến Hoa, ngay khi loạt bài khởi đăng kỳ đầu tiên cho đến khi khép lại, các bài viết đã nhận được sự quan tâm của không chỉ trong ngành giáo dục TPHCM, mà còn của xã hội. Nhiều tổ chức chính trị xã hội đã chia sẻ loạt bài. Đặc biệt, năm học này ngành giáo dục thành phố đặc biệt quan tâm việc triển khai thực hiện Luật Dân chủ cơ sở vào trường học. Do đó loạt bài góp thêm tiếng nói, giúp các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và xã hội nắm, hiểu về luật. Biết rõ vai trò của mình trong việc đóng góp ý kiến đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ... từ đó giúp nhà trường thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục.

“Đặc biệt, với tôi, điều quan trọng hơn cả là góp tiếng nói để tuyên truyền sâu, rộng trong toàn ngành, toàn xã hội về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, để mỗi người đều có thể thực hiện “đúng vai” của mình khi góp sức xây dựng ngành giáo dục thành phố”, nhà báo Yến Hoa chia sẻ.

“Tôi nghĩ Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam rất có ý nghĩa và thiết thực đối với không chỉ các phóng viên theo mảng giáo dục mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của những người yêu mến giáo dục. Riêng tôi, tham dự giải là cơ hội để bản thân tôi trau dồi thêm năng lực, chuyên môn, tìm kiếm, phát hiện thêm đề tài là những vấn đề mà ngành giáo dục đang quan tâm. Khi được đi sâu để tìm hiểu giúp tôi có thêm cái nhìn toàn diện hơn về ngành,...”, nhà báo Yến Hoa nói.

Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-de-nguoi-lam-bao-trau-doi-them-nang-luc-chuyen-mon-post708538.html
Zalo