Cơ hội để chứng khoán tìm lại mốc 1.300 điểm trong tháng 9

Tại báo cáo chiến lược mới đây, khối phân tích Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch với biên độ 1.250 - 1.325 điểm trong tháng 9. Đây là mức thị trường đã chạm nhiều lần kể từ đầu năm khi tâm lý thị trường duy trì được động lượng tích cực.

Sang tháng 9, bối cảnh vĩ mô duy trì tích cực và việc tháo gỡ nút thắt nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng theo FTSE Russell nếu có tiến triển sẽ là những chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam duy trì động lượng phục hồi và quay lại xu hướng tăng.

Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu sẽ hướng về cuộc FOMC diễn ra từ ngày 17 - 18/9 khi Fed khả năng cao sẽ kết thúc thời kỳ thắt chặt tiền tệ bằng quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm.

Cắt giảm 25 điểm cơ bản đang là kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, 50 điểm cơ bản, theo CME FedWatch, đang có xác suất tăng lên khá cao sau những dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan.

Bên cạnh đó, cuộc họp quyết định lãi suất của BOJ vào ngày 20/9 cũng cần chú ý. Một quyết định tăng lãi suất hoặc một thông điệp cứng rắn về khả năng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm có thể khiến đồng USD suy yếu thêm.

Xu hướng đồng USD yếu sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để nhà điều hành thực thi những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì một mặt bằng lãi suất thấp, kích thích đầu tư & tiêu dùng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao (6%-7%) trong bối cảnh dư địa tài khóa và tiền tệ trong phần còn lại của năm là rất lớn.

Mặt khác, theo ước tính giải ngân đầu tư công đạt 31,6% kế hoạch năm và giải ngân thêm 530.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng 8 tháng đầu năm tăng 6,25% kể từ đầu năm và có thể có thêm 1 triệu tỷ đồng bơm vào nền kinh tế để đạt mục tiêu 15%.

Việt Nam vẫn thuộc danh sách theo dõi để có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ đánh giá phân hạng tháng 9 hằng năm. So với thời điểm đánh giá gần nhất, các cơ quan chức năng liên quan đã có những nỗ lực thiết thực tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng.

Cụ thể, ngày 19/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giải pháp để nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, qua đó đáp ứng hai tiêu chí còn lại để được nâng hạng theo đánh giá của FTSE. Dẫu vậy, giải pháp trên chưa chính thức có hiệu lực.

Do đó, nhóm phân tích dự kiến FTSE Russell nhiều khả năng sẽ có những nhận xét tích cực đối với các nỗ lực của cơ quan quản lý trong kỳ đánh giá này và cơ hội được FTSE Russell chấp thuận nâng hạng trong năm 2025 sẽ khả thi hơn khi thông Tư trên chính thức được ban hành và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có những nhận xét tích cực trong quá trình sử dụng các giải pháp pre-funding.

Cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo sẽ điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đã hoàn thành 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2024. Việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng lần hai này của Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed và chỉ số DXY hạ nhiệt đã củng cố sự tự tin của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì môi trường chính sách tiền tệ “ôn hòa” theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế.

Về điểm số, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch với biên độ 1.250 - 1.325 điểm trong tháng 9. Đây là mức thị trường đã chạm nhiều lần kể từ đầu năm khi tâm lý thị trường duy trì được động lượng tích cực.

Khối phân tích duy trì quan điểm tích cực đối với cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, khu công nghiệp, thực phầm đồ uống, tiêu dùng, và ngành hàng và dịch vụ công nghiệp.

Trong khi đó, bất động sản dân dụng, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, bán lẻ, tiện ích và năng lượng, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng là các nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm khi có sự chiết khấu hợp lý về thị giá.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-hoi-de-chung-khoan-tim-lai-moc-1300-diem-trong-thang-9.html
Zalo