Cơ hội cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam
Việc thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào việc giảm phát thải khí nhà kính.
Cơ hội tài chính từ việc mua tín chỉ các-bon
Thị trường carbon là một công cụ quan trọng trong nền kinh tế xanh, giúp các doanh nghiệp và tổ chức quản lý phát thải khí nhà kính của mình thông qua việc mua bán các tín chỉ carbon (carbon credits).
Tuy nhiên, việc triển khai thị trường carbon tại Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, cả về pháp lý, cơ sở hạ tầng lẫn khả năng thích ứng của các doanh nghiệp.
Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau COP26, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon. Việt Nam có thể tạo ra các khoản tín dụng carbon chất lượng cao và bán chúng trong khu vực và toàn cầu.
Theo thống kê, diện tích rừng hiện nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, trên diện tích rừng hiện nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành Lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.
Khi phát triển tín chỉ carbon mở rộng, Cục Lâm nghiệp đã điều chỉnh dự báo doanh thu tín chỉ carbon quốc gia từ 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tạo ra khoảng 200 triệu USD, lên 57 triệu tín chỉ carbon, với khả năng tạo ra 300 triệu USD.
Ngày 25/1/2025, Chính phủ Việt Nam đã chính thức thông qua Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Việc thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào việc giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường carbon sẽ tạo ra một cơ chế tài chính để các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải, như đầu tư vào các công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và phương pháp sản xuất bền vững. Đồng thời, thị trường này cũng tạo ra động lực để các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thị trường carbon sẽ thúc đẩy sự minh bạch trong việc đo lường và kiểm soát lượng khí nhà kính phát thải. Các doanh nghiệp cần chứng minh sự giảm thiểu phát thải của mình qua việc mua bán tín chỉ carbon, giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng.
Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực đạt được các mục tiêu phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông qua việc tham gia vào thị trường các-bon, các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon từ những tổ chức hoặc công ty thực hiện được các biện pháp giảm phát thải hiệu quả.
Việc mua bán này giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ các quy định môi trường, đặc biệt là đối với các ngành sản xuất có lượng phát thải cao như công nghiệp năng lượng, xi măng, thép, và hóa chất.
Với quy định nêu trên, doanh nghiệp có thể tiếp cận với các cơ hội tài chính từ việc mua tín chỉ các-bon với mức giá hợp lý hơn, đặc biệt trong bối cảnh các quy định về môi trường đang ngày càng nghiêm ngặt.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở nước ta, việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được doanh nghiệp thực hiện từ những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Đến nay, đã có hơn 300 chương trình đăng ký, trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới, đưa Việt Nam là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ.
Riêng tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Các dự án đã được cấp tín chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng, ông Cường cho biết thêm
Ngoài nguồn tài nguyên rừng phong phú, Việt Nam còn có khả năng bán tín chỉ carbon từ lúa, hay các cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, cà phê, dừa,... nếu được xác lập theo tiêu chí của đối tác.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay lúa chúng ta đang phát thải 90% qua rễ, 9% qua thân và 1% qua lá. Chính vì vậy khi chúng ta áp dụng các phương pháp canh tác mới là canh tác ngập khô, ướt khô sẽ giúp chúng ta giảm được phát thải metan đối với lúa và có thể tạo ra được tín chỉ carbon.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, trong thời gian tới nhiều nước phát triển sẽ hỗ trợ Việt Nam khai thác tín chỉ carbon liên quan đến biển xanh, đất ngập nước, liên quan tới việc cô lập và tách carbon trên biển. Chính vì vậy, các khu vực giàu đa dạng sinh học, có khả năng hấp thụ carbon như Cần Giờ (TP.HCM) sẽ là cơ hội để chúng ta có thể thực hiện việc bán tín chỉ carbon.
Hoàn thiện các quy định pháp lý
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ không chỉ giúp giảm thiểu tác động của khí nhà kính mà còn tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực công nghệ sạch.
Việc tham gia vào thị trường carbon là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và giảm ô nhiễm. Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy vậy, một trong những thách thức lớn nhất đối với thị trường carbon tại Việt Nam là việc thiếu cơ sở hạ tầng và hệ thống giám sát hiệu quả. Việc xây dựng và vận hành một thị trường carbon yêu cầu một nền tảng kỹ thuật vững chắc, có khả năng theo dõi và ghi nhận các hoạt động phát thải của doanh nghiệp, cũng như kiểm soát quá trình mua bán tín chỉ.
Để làm được, đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, hệ thống quản lý và kiểm tra, song trong bối cảnh nền tảng cơ sở dữ liệu và công nghệ hiện tại của Việt Nam vẫn còn hạn chế thì khó để thực thi.
Việc thông qua Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon mới chỉ là bước đầu trong quá trình hoàn thiện các chính sách liên quan.
Các quy định pháp lý hiện tại về phát thải khí nhà kính, giao dịch tín chỉ carbon và cơ chế xử lý vi phạm vẫn chưa được đồng bộ và hoàn thiện.
Do đó, các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc hiểu rõ các yêu cầu và thực hiện các biện pháp phù hợp. Thêm vào đó, việc thiếu các khuyến khích và chính sách hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ cũng có thể tạo ra rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn không có đủ nguồn lực để thực hiện các dự án giảm phát thải quy mô lớn.
Mặc dù thị trường carbon sẽ mang lại nhiều cơ hội tài chính cho doanh nghiệp, nhưng chi phí đầu tư ban đầu để đạt được các tiêu chuẩn về giảm phát thải là khá lớn.
Các doanh nghiệp sẽ phải chi trả chi phí lớn để cải tiến công nghệ, nâng cấp thiết bị, và triển khai các phương pháp sản xuất bền vững, có thể gây khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn.
Chia sẻ từ một doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại Việt Nam cho biết, mặc dù họ rất ủng hộ việc tham gia vào thị trường carbon, nhưng chi phí ban đầu để đầu tư vào công nghệ xanh và phương pháp giảm phát thải là rất lớn.
Thị trường carbon sẽ tạo cơ hội nhưng cũng đồng nghĩa với áp lực tài chính không nhỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp nặng.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường carbon quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu và tận dụng các cơ hội từ thị trường carbon quốc tế nếu không có sự kết nối và hợp tác quốc tế mạnh mẽ.
Hơn nữa, việc thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong các giao dịch quốc tế có thể tạo ra các rủi ro và chi phí không mong muốn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Để giảm thiểu những khó khăn và thách thức nêu trên, một số ý kiến đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về thị trường carbon, đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ trong các chính sách bảo vệ môi trường. Các chính sách hỗ trợ tài chính và khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch cần được triển khai rộng rãi, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, việc xây dựng một nền tảng hạ tầng kỹ thuật vững chắc để giám sát và quản lý hoạt động phát thải khí nhà kính là rất quan trọng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin và kết nối với các thị trường quốc tế để tối ưu hóa cơ hội kinh doanh và giảm thiểu rủi ro trong quá trình tham gia vào thị trường các-bon.