Cơ hội chiêm ngưỡng cổ vật vừa được hồi hương tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) vừa giới thiệu tới công chúng pho tượng nữ thần Durga 4 tay - một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Champa mới được hồi hương tháng 6/2024, sau hành trình dài lưu lạc ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tháng 8/2023, pho tượng đồng Nữ thần Durga có nguồn gốc Việt Nam được thu hồi từ một vụ án buôn bán cổ vật bất hợp pháp ở nước ngoài. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu và xác định tượng đồng Nữ thần Durga mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc Champa giai đoạn sớm (thế kỷ VII), có giao lưu, ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc với văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn và giao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là đơn vị tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản hiện vật tại Việt Nam.

Tượng đồng Nữ thần Durga ra mắt công chúng ngày 28/8 tại Hà Nội

Tượng đồng Nữ thần Durga ra mắt công chúng ngày 28/8 tại Hà Nội

Vào ngày 18/6/2024, tượng đồng Nữ thần Durga đã được vận chuyển an toàn về lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến ngày 28/8, lần đầu tiên công chúng được tiếp cận, chiêm ngưỡng tượng đồng Nữ thần Durga tại Hà Nội.

“Bức tượng đã được Hội đồng khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hội đồng chuyên gia đánh giá là hiện vật thuộc loại quý hiếm của Việt Nam, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Champa, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử... Những cổ vật này khi được đưa trở về Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt đối với việc bảo tồn, phát huy đầy đủ hơn các giá trị di sản văn hóa, khơi dậy lòng tự tôn và niềm tự hào dân tộc”, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Bức tượng có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Bức tượng có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Pho tượng đồng Nữ thần Durga được ra mắt cùng trưng bày “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian”, do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam và nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức.

Diễn ra từ ngày 28/8 đến tháng 10/2024, trưng bày “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian” gồm 2 phần. Phần 1 là “Tượng và linh vật tôn giáo” giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu như: Tượng thần Shiva, tượng nam thần, nữ thần, tượng thần Ganesha, tượng Phật, tượng Bồ tát Avalokitesvara, Linga - Yoni, tượng bò thần Nandin… bằng chất liệu vàng, bạc gắn đá quý.

Phần 2 là “Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo và quyền uy hoàng tộc”, giới thiệu những hiện vật mang biểu tượng quyền uy hoàng tộc và tôn giáo, như: Khuyên tai, nhẫn, dây chuyền, trâm cài tóc, lược, vòng tay, bao tay, thắt lưng, hộp đựng đồ trang sức, các đồ đội dạng mũ, vương miện, bịt tóc... được trang trí những biểu tượng mang tính tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của nghệ thuật Champa, đặc biệt là các vị thần Hindu giáo như: thần Brahma, thần Visnu, thần Shiva, thần Ganesha, bò thần Nandin, chim thần Garuda, rắn thần Naga…

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn công chúng trong và ngoài nước có cơ hội thưởng lãm các cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn của lịch sử văn hóa của Champa dường như còn ít được biết tới. Trưng bày cũng góp phần tiếp tục thực hiện đẩy mạnh vai trò của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng như các bảo tàng công lập trong việc phối hợp, hỗ trợ để các bảo tàng, sưu tập tư nhân có điều kiện phát huy giá trị di sản tới rộng rãi công chúng.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/san-tour/co-hoi-chiem-nguong-co-vat-vua-duoc-hoi-huong-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia-post1117417.vov
Zalo