Có hệ thống nước sạch gần 21 tỉ đồng, dân vẫn phải dùng... nước không tên

Dù có hệ thống nước sạch được đầu tư gần 21 tỉ đồng, nhưng người dân 3 thôn ở xã miền núi tỉnh Ninh Thuận vẫn phải dùng nước không tên.

Ngày 9-5, ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận (Ban ODA), cho biết sẽ báo cáo UBND tỉnh về việc nâng cấp hệ thống nước sạch tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái.

Nửa xã phải sử dụng nước không tên

Theo báo cáo của UBND xã Phước Bình, địa phương hiện có ba công trình cung cấp nước. Tuy nhiên, chỉ 3/6 thôn của xã có nước sạch, người dân 3 thôn còn lại phải dùng nước từ hệ thống tự chảy hoặc nước sông, suối, giếng đào.

 Đồng hồ nước gia đình ông Pi Năng Bắc đã bị tháo bỏ từ lâu. Ảnh: H.H

Đồng hồ nước gia đình ông Pi Năng Bắc đã bị tháo bỏ từ lâu. Ảnh: H.H

Ông Trần Văn Hiếu, cán bộ UBND xã Phước Bình, cho biết trong 3 công trình thì Tiểu dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Bình do Ban ODA làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành khai thác tháng 7-2020.

Hệ thống cấp nước này có công suất thiết kế 420 m3/ngày đêm, nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 928 hộ dân đồng bào Raglai 6 thôn toàn xã. Tuy nhiên, sau thời gian vận hành, hệ thống này chỉ cung cấp nước được cho 3 thôn với khoảng 430 hộ dân.

Bên cạnh đó, nguồn nước cũng được cung cấp theo giờ, chất lượng nước đôi lúc chưa đảm bảo, có màu vàng đục vào mùa mưa. Riêng các thôn Hành Rạc 1, Bậc Rây 1 và Bậc Rây 2 với hơn 650 hộ dân chưa tiếp cận được nước sạch.

“Thôn Hành Rạc 1 và một phần Bậc Rây 1 sử dụng nước tự chảy hệ thống tam nông không qua xử lý. Còn thôn Bậc Rây 2 phải dùng nước sông, suối hoặc giếng đào” - ông Hiếu cho hay.

 Đồng hồ nước được gắn từ nhiều năm trước nhưng hầu như không hoạt động. Ảnh: H.H

Đồng hồ nước được gắn từ nhiều năm trước nhưng hầu như không hoạt động. Ảnh: H.H

Ông Pi Năng Bắc, người dân khu tái định cư thôn Bậc Rây 2, cho biết trước đây gia đình cũng được chính quyền lắp đồng hồ, kéo hệ thống nước sạch. Song do không có nước nên đồng hồ bị tháo bỏ.

“Chúng tôi phải mua nước của nhà ông Banh bơm từ trên núi xuống với giá 20.000 đồng mỗi phi" - ông Pi Năng Bắc nói.

 Hơn 40 hộ dân ở khu tái định cư thôn Bậc Rây 2 đã lâu không có nước sạch. Ảnh: H.H

Hơn 40 hộ dân ở khu tái định cư thôn Bậc Rây 2 đã lâu không có nước sạch. Ảnh: H.H

Tương tự, chị Bô Bô Thị Bé nói gia đình chuyển về khu tái định cư này được 10 năm nhưng chưa bao giờ có nước sạch để dùng. Chị Bé cho hay trước đây cũng được gắn đồng hồ nước nhưng không có nước nên đồng hồ bị trộm mất.

Để có nước sinh hoạt, gia đình chị Bé hùn tiền với 4 hộ khác kéo ống lấy nước từ trên núi xuống. "Mùa nắng nước chỉ nhỏ giọt phải hứng vào phi, giặt quần áo, tắm rửa thì ra suối. Chúng tôi cũng bán lại nước cho các hộ không kéo được đường ống nhưng chỉ đủ tiền để tu sửa, thay ống bị bể” - chị Bé kể.

Vì sao nước không đến được với dân?

Ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc Ban ODA, cho biết Tiểu dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Bình có tổng giá trị quyết toán gần 21 tỉ đồng. Sau đó, dự án được bàn giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận quản lý và vận hành.

 Hệ thống cấp nước của Ban ODA chỉ cung cấp được 3/6 thôn của xã Phước Bình. Ảnh: H.H

Hệ thống cấp nước của Ban ODA chỉ cung cấp được 3/6 thôn của xã Phước Bình. Ảnh: H.H

Ông Tú khẳng định dự án được thiết kế với công suất 420m3/ngày đêm đủ cung cấp cho 928 hộ của toàn xã Phước Bình. Hệ thống cấp nước của Ban ODA đấu nối với hệ thống tăng áp cấp nước do Ban Quản lý dự án huyện Bác Ái đầu tư.

“Hệ thống nước của Ban ODA đấu nối với các trạm tăng áp của hệ thống nước hiện hữu. Hiện các trạm tăng áp không hoạt động nên các khu vực ở xa không có nước” - ông Tú nêu lý do.

Tuy nhiên, theo ông Lương Công Đồng, Phó Phòng Quản lý khai thác công trình cấp nước của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm nhận bàn giao dự án của Ban ODA vào năm 2022.

Ông Đồng cho hay trước khi nhận bàn giao dự án, Trung tâm đã có báo cáo về những bất cập của hệ thống trên về việc chưa thể cung cấp nước sạch cho các thôn Hành Rạc 1, Bậc Rây 1 và Bậc Rây 2.

“Mục tiêu của dự án là cung cấp nước sạch cho toàn xã Phước Bình. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản hoạt động, thực trạng của hệ thống này chỉ đảm bảo cho 3 thôn” - ông Đồng nói.

 Trạm bơm tăng áp đã xuống cấp. Ảnh: H.H

Trạm bơm tăng áp đã xuống cấp. Ảnh: H.H

Theo ông Đồng, Trung tâm đã kiến nghị Ban ODA bố trí nguồn vốn bổ sung xây dựng hai trạm bơm để đảm bảo áp lực nước toàn tuyến, cung cấp cho người dân. Ngoài ra, Ban ODA đang tìm nguồn vốn tài trợ từ một quỹ đặc biệt của nước ngoài để nâng cấp hệ thống trong giai đoạn 2024-2025 nên không thể đề xuất nâng cấp, cải tạo hệ thống.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ PLO, ông Lê Xuân Tú cho biết đã có cuộc làm việc với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vào sáng 9-5.

Theo ông Tú, quỹ đặc biệt của nước ngoài đã từ chối tài trợ nâng cấp, cải tạo hệ thống vì không đúng mục tiêu. Do đó, Ban ODA thống nhất với Trung tâm báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến, chỉ đạo Trung tâm sử dụng nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo hệ thống, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

"Ban sẽ báo cáo UBND tỉnh và trong tuần sau sẽ tiến hành khảo sát để thống nhất phương án"- ông Tú nói.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-he-thong-nuoc-sach-gan-21-ti-dong-dan-van-phai-dung-nuoc-khong-ten-post848674.html
Zalo