Có hay không màn 'núp bóng ẩn mình, điều binh khiển tướng' của Grab tại Việt Nam?

Với việc duy trì 51% cổ phần do người Việt nắm giữ, Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) sẽ không thuộc đối tượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên khi nhìn vào nguồn gốc của số cổ phần trong nước, không khó để nhìn thấy ai mới thực sự là chủ của hãng xe công nghệ này.

Người mang danh, kẻ nắm quyền

Được thành lập vào tháng 2/2014, tiền thân của Grab Việt Nam (địa chỉ Tòa nhà Mapletree Business Centre, 1060 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM) là Công ty TNHH GrabTaxi.

Tại thời điểm đó, vốn điều lệ của công ty này là 20 tỷ đồng, do ông Nguyễn Tuấn Anh (đăng ký thường trú tại TP HCM) góp 6,8 tỷ đồng, nắm giữ 34% vốn điều lệ; ông Nguyễn Phú Sinh (thường trú tại TP Đà Nẵng) góp 6,6 tỷ đồng, chiếm 33% và Trần Anh Đức (thường trú tại tỉnh Quảng Bình) góp 6,6 tỷ đồng để nắm giữ 33% vốn điều lệ.

Đến tháng 3/2016, thành viên góp vốn của Grab Việt Nam có sự xuất hiện của doanh nghiệp nước ngoài, khi Grab Inc (Grab) góp 10,1 tỷ đồng để nắm giữ 50,5% vốn điều lệ của doanh nghiệp. 49,5% vốn điều lệ còn lại tương đương khoảng 9,9 tỷ đồng do ông Nguyễn Tuấn Anh nắm giữ.

Đây cũng là thời điểm Grab Việt Nam từ một công ty 100% vốn trong nước trở thành doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Sau đó khoảng 1 tháng, Grab đã giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 49% và ông Nguyễn Tuấn Anh tăng tỉ lệ nắm giữ vốn của Grab lên 51%, tương đương 10,2 tỷ đồng.

Đến thời điểm tháng 3/2020, thành phần cổ đông của Grab Việt Nam có sự thay đổi, khi bà Lý Thụy Bích Huyền (trú tại TP HCM) hiện đang giữ chức vụ Head of VN Operations của Grab Việt Nam thay thế ông Nguyễn Tuấn Anh nắm giữ 51% vốn điều lệ nói trên.

Sẽ không để nói nếu như phần vốn giúp các cổ đông Việt như ông Tuấn Anh hay bà Huyền không có “bóng dáng” của Grab ở phía sau. Bởi 51% này luôn dính dáng đến các khoản vay trực tiếp từ Grab Việt Nam với số tiền vay tương đương tiền góp vốn hoặc việc cầm cố, thế chấp cổ phần cho các công ty liên quan.

Điều đó cũng khiến dư luận dấy lên nghi vấn về việc Grab Việt Nam đang hoạt động như một Nominee Structured Company - Công ty được thành lập bởi một tổ chức được ủy thác để nắm giữ và quản lý vốn hoặc tài sản khác với tư cách là người giám sát (chủ sở hữu được đăng ký) thay mặt cho chủ sở hữu thực sự (chủ sở hữu thụ hưởng) thông qua một thỏa thuận quản lý tài sản. Để từ đó công ty này có thể “dễ thở” thay vì hoạt động như một công ty FDI với nhiều yêu cầu về giấy phép, giám sát hoạt động khắt khe.

“Một cuộc chơi không fair”

Theo Luật sư Lê Văn Dương - Luật sư thành viên Công ty luật TNHH PTN (Đoàn luật sư Hà Nội) với các liên doanh có vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài dưới 50% thì sẽ không “được coi” là một nhà đầu tư nước ngoài, không phải làm thủ tục xin chấp thuận mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức khác. Đồng thời trong quá trình hoạt động thì một số giấy phép cũng đơn giản hóa hơn, giảm bớt một số nghĩa vụ về báo cáo, yêu cầu về tuân thủ hơn.

“Ví dụ với các công ty có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 50% trở lên thì phải nộp báo cáo đầu tư định kỳ, hoặc yêu cầu nộp báo cáo kiểm toán, hay doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo đầu tư định kỳ so với các công ty trong nước (khi mà yêu cầu về kiểm toán chỉ áp dụng cho các công ty đại chúng)”, ông Dương cho biết.

Ngoài ra, luật sư này cũng cho biết, cơ chế Nominee này chưa được pháp luật bảo vệ đầy đủ khi có tranh chấp xảy ra, nó sẽ là một rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần đó có thể được xác định là của người lao động. Đó cũng là lý do các công ty nước ngoài sẽ có một biện pháp kĩ thuật đó là cho nhân viên vay tiền để đóng tiền vào vốn điều lệ. Nhân viên phải ký lại những hợp đồng thế chấp cổ phần để trong mọi trường hợp đều có sự kiểm soát từ nhà đầu tư nước ngoài /công ty mẹ.

Biện pháp kỹ thuật cũng là cách để nhà đầu tư nước ngoài giữ tỷ lệ sở hữu của họ dưới 50%. Tuy nhiên hệ lụy về quản lý nhà nước đó là công ty hoạt động theo cơ chế này sẽ không thực hiện cái chế độ báo cáo đầy đủ. Do đó, con số hoặc tình hình kinh doanh có thể thay đổi, chưa biết con số đầu tư thực tế của doanh nghiệp như thế nào, không thống kê được FDI vào Việt Nam ra làm sao.

Đặc biệt, luật sư Lê Văn Dương cũng nhấn mạnh, cơ chế hoạt động này này ảnh hưởng đến tình hình đầu tư và khuyến khích đầu tư chung của Nhà nước. Đồng thời khiến “cuộc chơi” này không fair play cho tất cả các doanh nghiệp khác.

“Từ đó khiến con số về đầu tư nước ngoài thực tế nó không đúng với thực tế, không đúng với những cái con số mà mà thị trường với cả mong muốn của của Nhà nước hướng tới. Đặc biệt là Nhà nước sẽ khó kiểm soát nguồn tiền đầu tư và ảnh hưởng đến các hoạt động phòng chống rửa tiền”, luật sư Dương cho biết.

Ánh Vân

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/co-hay-khong-man-nup-bong-an-minh-dieu-binh-khien-tuong-cua-grab-tai-viet-nam-82586.html
Zalo