Có GV bỏ nghề vì áp lực, để phổ cập mầm non 3-5 tuổi cần đảm bảo đội ngũ
Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi có thể gặp khó khăn do thiếu giáo viên. Áp lực công việc, lương thấp khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề.
Vừa qua, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại là giáo viên mầm non hiện nay đang phải đối mặt với áp lực công việc lớn, dẫn đến tình trạng bỏ nghề. Việc thiếu hụt nhân lực, cùng với khối lượng công việc vất vả và mức lương chưa tương xứng, đang khiến không ít giáo viên chuyển hướng tìm công việc khác. Điều này có thể gây khó khăn cho mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi.
Áp lực công việc và lương thấp khiến giáo viên mầm non bỏ nghề
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thanh Vân (sinh năm 1993), từng là giáo viên một trường mầm non công lập tại Hà Nội cho biết: “Tôi đã có thời gian gắn bó với với việc giảng dạy học sinh mầm non được 6 năm. Đối với nghề này cần phải có sự tận tâm, kiên nhẫn, đảm bảo đủ sức khỏe để làm việc.
Tuy nhiên, khó khăn về tài chính cùng căng thẳng trong môi trường làm việc khiến tôi khá mệt mỏi. Sau một thời gian dài đối mặt với khó khăn trong công việc, tôi đã quyết định bỏ nghề và chuyển hướng sang kinh doanh để tìm kiếm môi trường làm việc thoải mái, chủ động hơn”.
Cô Vân chia sẻ thêm, ngoài công việc chăm sóc, giảng dạy, cô còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác như trang trí lớp và tham gia các hoạt động khác ngoài chuyên môn. Trong khi đó, việc chỉ có 2 giáo viên phải quản lý khoảng 40 – 43 học sinh thực sự là một thách thức lớn. Số lượng học sinh đông đúc khiến việc theo dõi sát sao và đảm bảo chất lượng giáo dục cho từng trẻ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các giáo viên không chỉ phải kiên nhẫn, tận tâm mà còn phải linh hoạt, xử lý nhiều tình huống phát sinh cùng lúc.
Ngoài ra, khi trẻ đã ngủ trưa, các cô lại vừa tranh thủ ăn, sắp xếp lại dụng cụ học tập vừa chuẩn bị giáo án cho buổi chiều và đi kiểm tra xem trẻ đã ngủ ngon giấc chưa. Thậm chí, khoảng thời gian này, giáo viên phải rất để ý vì trong lúc ngủ trẻ có thể bị sặc, nôn, trớ, khó thở hay xảy ra những tình huống bất ngờ khác.

Cô Đào Thanh Vân (áo xanh, bên trái) cùng học sinh tham gia một buổi văn nghệ. Ảnh: NVCC
“Mặc dù công việc chiếm nhiều thời gian, đòi hỏi sự cẩn thận, kiên nhẫn, đảm bảo về sức khỏe nhưng mức lương vẫn chưa tương xứng với khối lượng công việc phải đảm nhận. Trước khi nghỉ việc, lương và phụ cấp của tôi là khoảng 7 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để tôi trang trải sinh hoạt phí và chăm lo cho gia đình tại Hà Nội.
Vì vậy, dù yêu nghề, nhưng những hy sinh và vất vả không đáp ứng được về vật chất và tinh thần khiến giáo viên mầm non như tôi cảm thấy mất động lực tiếp tục gắn bó với nghề. Có những ngày trở về nhà, tôi mệt đến mức không có thời gian chăm sóc bản thân hay gia đình.
Việc quyết định từ bỏ nghề giáo viên để bắt đầu với kinh doanh giúp tôi không phải đối mặt với những áp lực nặng nề như trước. Tuy nhiên, những kỷ niệm đẹp về nghề giáo, đặc biệt là sự trưởng thành của những đứa trẻ, tôi vẫn luôn trân trọng.
Câu chuyện của bản thân tôi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp giáo viên phải bỏ nghề vì áp lực, mức lương thấp. Dù tôi không còn theo nghề nhưng nếu muốn giáo viên mầm non gắn bó với nghề thì cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho đội ngũ giáo viên mầm non hiện nay, nhất là khi giảm độ tuổi phổ cập giáo dục mầm non xuống 3 tuổi”, cô Vân chia sẻ.
Cần bố trí đủ giáo viên mới có thể đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi
Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng để làm được việc này trước hết cần đảm bảo đội ngũ giáo viên. Hiện tại, nhiều trường mầm non vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, nhiều cô giáo phải kiêm nhiệm cả những công việc khác ngoài chuyên môn dẫn đến mất động lực làm việc.
Cô Nguyễn Thị Kiều Thụy – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho rằng: “Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng giúp các địa phương đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non. Đây là mục tiêu then chốt trong lộ trình phát triển giáo dục toàn diện ngay từ bậc học đầu đời.
Theo đó, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập được tuyển dụng mới từ năm học 2025-2026 đáp ứng nhiệm vụ phổ cập được hưởng chính sách thu hút tối thiểu 1 năm tiền lương cơ bản.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng.
Chính sách thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với những người đang làm việc trong môi trường giáo dục đặc thù. Những ưu đãi đi kèm chính sách không chỉ giúp giáo viên yên tâm công tác, mà còn tạo nền tảng để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em và giữ chân đội ngũ gắn bó lâu dài với nghề”.

Cô Nguyễn Thị Kiều Thụy – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: NVCC
Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng cho biết thêm, nhà trường đang bố trí 2 giáo viên/lớp. Nếu so với quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định, đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí 2,2 giáo viên/lớp, thì trường còn thiếu 2 giáo viên.
Tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến công tác giảng dạy cũng như việc phân công nhiệm vụ trong nhà trường. Khi không đủ giáo viên, một cô giáo sẽ phải kiêm nhiệm nhiều công việc hơn. Ngoài chuyên môn giảng dạy, các cô sẽ phải đảm nhận thêm các nhiệm vụ liên quan đến y tế học đường, thủ quỹ hoặc một số hoạt động khác ngoài chuyên môn.
Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, cô Thụy cho rằng, cần phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên/lớp. Việc thiếu giáo viên khi triển khai phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 tuổi sẽ đặt ra nhiều thách thức, do ở độ tuổi này, trẻ cần phải được theo dõi sát sao và hỗ trợ liên tục trong mọi hoạt động học tập, sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, các trường mầm non cần được bố trí thêm nhân viên y tế trường học. Dù vị trí này đã được đề cập trong vị trí việc làm chuyên môn, song thực tế nhiều trường, đặc biệt các trường mầm non và tiểu học vẫn chưa có nhân sự chuyên trách.
Việc thiếu nhân viên y tế trường học là một trong những nỗi lo lớn với giáo viên mầm non. Chẳng hạn, tại một trường mầm non có khoảng 500 học sinh, trong trường hợp các em bị sốt cao dẫn đến co giật, hoặc bị thương khi vui chơi, việc sơ cứu kịp thời là yếu tố ban đầu để đảm bảo an toàn cho trẻ. Sự có mặt kịp thời của nhân viên y tế trường học vừa giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh vừa là chỗ dựa tinh thần quan trọng, để giáo viên yên tâm tập trung vào công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ.
Trong trường hợp, không có nhân viên y tế, trách nhiệm lại dồn lên vai giáo viên. Nhiều cô lúng túng hoặc không đủ kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ, thậm chí có thể để lỡ “thời điểm vàng” trong sơ cứu ban đầu, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, việc bổ sung nhân viên y tế trường học không chỉ là yêu cầu cấp thiết về mặt an toàn sức khỏe cho trẻ, mà còn góp phần giảm tải áp lực tâm lý cho đội ngũ giáo viên mầm non.

Học sinh Trường mầm non Hoa Phượng (tỉnh Tuyên Quang) trong một buổi đọc sách. Ảnh: NTCC
Đồng quan điểm, cô Văn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: “Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi không chỉ đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách toàn diện hơn. Ở giai đoạn này, trẻ có khả năng tiếp nhận, học hỏi và hình thành kỹ năng cơ bản rất nhanh. Sự phát triển đồng đều về trí tuệ, thể chất và cảm xúc trong những năm đầu đời sẽ là tiền đề vững chắc cho trẻ khi bước vào bậc tiểu học và các cấp học cao hơn sau này.
Tuy nhiên, để công tác phổ cập giáo dục mầm non được triển khai hiệu quả, cần phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên trên mỗi lớp. Nếu đội ngũ nhân sự không đủ để đáp ứng, có thể gây ra bất cập và khó khăn trong công tác tổ chức cũng như làm giảm hiệu quả của các chương trình giáo dục mầm non. Vì vậy, Nhà nước cần có những biện pháp kịp thời và phù hợp nhằm đảm bảo số lượng giáo viên đủ để đáp ứng nhu cầu tại các cơ sở giáo dục mầm non”.
Cô Huệ cho biết, hiện nay, trường có 9 lớp với tổng cộng 18 giáo viên. Tuy nhiên, trường chỉ có 12 giáo viên biên chế và 5 giáo viên hợp đồng. So với quy định, trường thiếu khoảng 2 giáo viên, nếu đạt tỷ lệ 2,2 giáo viên/lớp sẽ đảm bảo chất lượng giảng dạy và chăm sóc tốt hơn cho trẻ.
Do thiếu giáo viên, nên nhiều trường mầm non phải hạn chế số lượng trẻ nhập học. Việc tuyển sinh vượt quá số lượng giáo viên hiện có sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy cũng như chăm sóc trẻ.
Mặc dù Trường Mầm non Sơn Ca là trường mầm non hạng I, nhưng hiện chỉ có một phó hiệu trưởng do thiếu cán bộ quản lý. Mặc dù đã có nhiều kiến nghị và đề xuất, nhưng tình trạng thiếu hụt nhân sự vẫn chưa được giải quyết.

Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) trong một buổi học ngoại khóa. Ảnh: website nhà trường
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, hiện nay, công tác tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt với trẻ 3 tuổi vẫn còn hạn chế, thường ưu tiên chủ yếu cho trẻ 4 và 5 tuổi. Việc phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 tuổi chỉ có thể thực hiện tốt nếu đảm bảo tuyển dụng đủ số lượng giáo viên.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy và chăm sóc trẻ. Nếu không đủ nhân sự, các trường không thể tiếp nhận thêm học sinh do phải tuân thủ quy định về tỷ lệ học sinh/giáo viên. Khi đội ngũ giáo viên ổn định, các cô sẽ toàn tâm toàn ý với công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách ưu đãi cho giáo viên, đặc biệt với thầy cô công tác tại vùng sâu, vùng xa. Nhà nước nên có chính sách rõ ràng hơn về việc tăng mức phụ cấp cho giáo viên tại các vùng khó khăn, nhằm tạo động lực cho họ gắn bó lâu dài với nghề.