'Cô giáo' 19 tuổi vượt qua nỗi sợ để gieo mầm tri thức tại Lớp Học Cầu Vồng

Mặc dù không theo học ngành Sư phạm nhưng Đinh Minh Tâm (sinh năm 2005) đã là 'cô giáo' kì cựu tại Lớp Học Cầu Vồng, dự án phi lợi nhuận nhằm lan tỏa tri thức cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Câu chuyện của nữ sinh là minh chứng cho sức mạnh của lòng nhiệt huyết và tình yêu thương.

Đinh Minh Tâm đang là sinh viên năm 2, ngành Báo Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đinh Minh Tâm đang là sinh viên năm 2, ngành Báo Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

“Mình nghĩ sẽ bỏ cuộc sớm sau kiếp nạn ngày đầu tiên đến lớp nhưng ai ngờ đã hơn một năm mình gắn bó với Lớp học Phúc Xá”, Minh Tâm cười nói.

Chạy xe đến lớp học hơn chục cây số, vào mỗi chủ nhật hàng tuần, Minh Tâm sẽ có mặt để dạy cho các em. Lớp học nằm ở cuối xóm Phao nên để đến nơi, cô cần phải băng qua chợ Long Biên, nơi được ví như đất “không ngủ” trong lòng Hà Thành. Tuy nhiên, do đây là khu chợ đầu mối, người ra người vào vô kể, đến từ tứ phương nên Minh Tâm cũng có những mối quan ngại nhất định.

“Dù lo sợ nhưng chân vẫn rảo bước, cố gắng đi tiếp. Mình đã nhận lớp nên phải có trách nhiệm với học sinh. Cuối cùng, mình đã vượt qua nỗi lo lắng và đến được lớp học”, Minh Tâm nói.

Cứ nghĩ sẽ bỏ cuộc sớm, nhưng nữ sinh đã đồng hành với Lớp Học Cầu Vồng được một năm hai tháng. Không chỉ dừng lại ở vị trí tình nguyện viên dạy học, hiện tại, cô đang là Trợ của chị Trần Quý Thu Hà, người sáng lập dự án.

 Lớp học Phúc Xá chính là điểm khởi đầu cho dự án Lớp Học Cầu Vồng.

Lớp học Phúc Xá chính là điểm khởi đầu cho dự án Lớp Học Cầu Vồng.

Lớp học Phúc Xá (Hà Nội) là hạt mầm đầu tiên của dự án Lớp Học Cầu Vồng gieo xuống miền đất yêu thương. Sự nghèo khó về vật chất chính là rào cản lớn nhất để các em học sinh tiếp cận với con chữ, bước xa hơn trong thế giới của tri thức. Hiểu được những khó khăn các em phải trải qua, Minh Tâm quyết định trở thành tình nguyện viên của dự án, góp một phần sức lực để tiếp thêm tri thức vào tương lai tươi sáng cho các em.

“Mình tham gia lớp học để có một ‘sân chơi’ riêng, kết nối thêm với nhiều người. Chưa bao giờ mình nghĩ đến giấy chứng nhận khi làm công việc tình nguyện”, nữ sinh bộc bạch.

Minh Tâm cho biết, sự gắn bó dài lâu với dự án một phần nhờ vào sự công nhận đến từ các em học sinh. Đây là lần đầu tiên nữ sinh đứng lớp, dạy học như một người cô đúng nghĩa. Dù không có kĩ năng sư phạm nhưng Minh Tâm đã hết lòng truyền đạt kiến thức mình đã biết đến với các em.

Trong các buổi học, các bạn học sinh luôn ngoan ngoãn, lễ phép với tình nguyện viên, thân thiết trò chuyện như người thân trong gia đình. Những đứa trẻ dù sống trong điều kiện khắc khổ, không được học hành đầy đủ nhưng vẫn lớn lên như bông sen tươi đẹp trong vũng bùn. “Các em tôn trọng và yêu quý người hỗ trợ các em trên con đường của tri thức. Mình cảm thấy hạnh phúc khi các em công nhận và tiến bộ lên từng ngày”, cô chia sẻ.

Tinh thần học tập hăng say kết hợp với thái độ ngoan ngoãn, nghiêm túc của học sinh chính là động lực to lớn để các tình nguyện viên tiếp tục hành trình gieo mầm chữ.

Tinh thần học tập hăng say kết hợp với thái độ ngoan ngoãn, nghiêm túc của học sinh chính là động lực to lớn để các tình nguyện viên tiếp tục hành trình gieo mầm chữ.

Bên cạnh đó, yếu tố thứ hai giúp Tâm gắn bó sâu sắc với Lớp học Phúc Xá là tình cảm của những người trong ban quản lý lớp học. Hầu hết các anh chị đều đã ra trường, có công việc đầy đủ. Tuy nhiều việc nhưng mọi người vẫn hoàn thành trách nhiệm của mình và cật lực cống hiến vào sự phát triển của Lớp Học Cầu Vồng. Thông qua các sự kiện thiện nguyện, các thành viên trở nên gắn bó như một gia đình.

“Điều mình học được nhiều nhất qua quá trình làm việc với các anh chị chính là tinh thần trách nhiệm trong công việc. Mình phải chắc chắn làm được thì mới nhận việc. Một khi đã nhận, mình cần làm bằng tất cả sức lực, phải tạo ra kết quả xứng đáng, không phải cứ nhận rồi để đấy”, Minh Tâm bộc bạch.

Nữ sinh cho biết, cô rất thích tư tưởng của chị Trần Quý Thu Hà, người sáng lập dự án thiện nguyện Lớp Học Cầu Vồng. Tại đây, chúng ta đều làm công việc tình nguyện nhưng thứ chúng ta nhận lại được không phải là tiền bạc hay bất kì sự ban thưởng nào của người đời. Mà đó chính là lương tâm của mình được xoa dịu, trở nên tốt đẹp và trong sáng hơn.

Các em học sinh tại Lớp học Phúc Xá không cùng lứa tuổi nên cần lên giáo án phù hợp với tất cả các bạn. Theo kinh nghiệm của Minh Tâm, trước hết, chúng ta cần biết được các em đang theo học bộ sách giáo khoa nào, nhận thức được trình độ của từng bạn. Sau đó, xác định thành các nhóm để bổ trợ phần kiến thức cần thiết. Châm ngôn là học đến đâu, chắc đến đó, “đánh trúng trọng tâm, không dàn trải”.

Minh Tâm ấn tượng nhất với Gia Bảo, bạn học sinh đầu tiên của Lớp học Phúc Xá. Lớp Học Cầu Vồng được thành lập tám năm về trước. Đồng nghĩa với việc, em đã theo học tại đây được tám năm. Em rất thân thiện với tất cả các anh chị tình nguyện viên. Thay vì cảm thấy lạc lõng, cô đơn do khoảng cách tuổi tác, Bảo lại là người anh cả trong lớp học.

Nữ sinh chia sẻ: “Tất cả các buổi học, Bảo là người giúp mình quản lý các em học sinh khác, nhắc nhở như người anh lớn. Mình mong muốn sau này em có thể trở thành tình nguyện viên, tiếp nối con đường mang chữ tới nhiều bạn học sinh nhỏ tuổi khác”.

Có những lúc nữ sinh rơi vào tình trạng mệt mỏi. Do khoảng cách di chuyển đến lớp khá xa, tình trạng ách tắc giao thông trên các tuyến đường Hà Nội, và áp lực công việc học tập nên đôi khi, Minh Tâm thấy nản lòng.

Tuy nhiên, cô vẫn luôn quan niệm sẽ làm bằng toàn bộ cái tâm, hết sức mình. Nếu sau này không thể tiếp tục, cô sẽ rời đi nhưng không bao giờ hối tiếc.

“Đôi khi áp lực, mệt mỏi, công việc dồn dập; những lúc muốn bỏ cuộc; mình nghĩ lại về lương tâm của bản thân và thấy công sức bỏ ra rất xứng đáng. Chính vì vậy, mình vẫn cứ tiếp tục trên hành trình thắp sáng tương lai”, Tâm nói.

Với nữ sinh, việc dạy học tại Lớp học Phúc Xá là khoảng thời gian để cô ôn tập lại những kiến thức đã học bằng cách trao đi. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian cô cho phép mình có khoảng lặng trên hành trình học tập suốt đời. Ngoài ra, do cô cũng là trợ lý của người sáng lập nên mỗi ngày, Minh Tâm dành ra 20-30 phút để hoàn thành công việc được giao. Thói quen sắp xếp mọi thứ có kế hoạch giúp cô giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Dự án Lớp Học Cầu Vồng là thành viên của Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực miền Bắc (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia) và may mắn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.

Theo Minh Tâm, để đạt được điều này là nhờ vào uy tín của tổ chức cũng như cách làm việc công khai, minh bạch và rõ ràng. Tất cả sự gửi gắm của nhà hảo tâm trên cả nước xuất phát từ sự tin tưởng rằng dự án thật sự đem đến giá trị cho cộng đồng. Những hình ảnh đăng lên trang mạng xã hội đều là minh chứng thực, lan tỏa trực tiếp đến mọi người mà không nhờ bất kì chiêu trò marketing, quảng cáo nào.

“Sự uy tín được tạo nên nhờ công sức của cả đội ngũ tình nguyện viên dạy học lẫn ban quản lý. Mọi người đều nhiệt tình, tâm huyết và làm việc bằng tất cả trách nhiệm”, Minh Tâm nói.

Theo nữ sinh, khi ta đã tham gia vào một tổ chức, hãy làm việc bằng trách nhiệm, tận tâm gắn bó. Xuất phát từ cái tâm, không nên nghĩ quá xa xôi, tự khắc sau khi trao gửi đến cộng đồng, mình sẽ nhận lại theo một cách nào đó.

Như số đã định, Minh Tâm kết nối với Lớp Học Cầu Vồng. Để rồi, nhìn lại khoảng thời gian đã qua, cô nhận thấy sự gặp gỡ này là mối duyên lành của năm tháng đôi mươi.

(Ảnh: NVCC)

Tú Chân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/co-giao-19-tuoi-vuot-qua-noi-so-de-gieo-mam-tri-thuc-tai-lop-hoc-cau-vong-post1674852.tpo
Zalo