Có giải pháp để cây hồ tiêu phát triển bền vững

Khác với không khí phấn khởi vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch hồ tiêu của năm 2024 - khi cây hồ tiêu vừa được mùa vừa được giá, những ngày này, tại các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều nông dân lo lắng bởi họ đang phải đối mặt với một vụ mùa thất thu. Năm nay, hầu hết các vườn tiêu đều bị nhiễm bệnh, héo vàng lá, năng suất thấp.

Vườn tiêu ở xã Gio An, huyện Gio Linh tuy đã đến giai đoạn thu hoạch nhưng tỉ lệ đậu quả rất ít và có hiện tượng vàng lá - Ảnh: H.T

Vườn tiêu ở xã Gio An, huyện Gio Linh tuy đã đến giai đoạn thu hoạch nhưng tỉ lệ đậu quả rất ít và có hiện tượng vàng lá - Ảnh: H.T

Gần 20 năm trồng hồ tiêu, chưa khi nào gia đình ông Nguyễn Đăng Lục, ở thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ thấy cây tiêu cho năng suất thấp như năm nay. Theo ông Lục, do mùa nắng năm 2024 kéo dài nên đến giai đoạn hồ tiêu ra hoa nhưng không đủ nước tưới, một số diện tích khác ra hoa muộn thì lại gặp rét nên không đậu quả.

Trước đó, vào năm 2020, mưa lớn cũng đã làm xuất hiện nhiều mạch nước ngầm khiến rễ cây hồ tiêu bị thối; cành, nhánh không phát triển được. Ông Lục cho biết: “Năm nay, sản lượng hồ tiêu của gia đình tôi nguy cơ thất thu 50% so với năm trước. Năm 2024, với 500 gốc hồ tiêu (tương đương khoảng 0,3 ha), tôi thu về 8 tạ tiêu khô nhưng năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 4 tạ”.

Cũng theo ông Lục, do có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây tiêu nên từ nhiều tháng trước, khi nhận thấy tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gia đình ông đã khẩn trương áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như làm đất, thoát nước, chống hạn... mới có được sản lượng này. Trên địa bàn xã có nhiều hộ trồng tiêu nguy cơ mất trắng do cây tiêu bị nhiễm bệnh, vàng lá, một số vườn cây chết hoàn toàn.

“Biểu hiện của cây hồ tiêu khi bị ngập nước là vàng lá chứ chưa chết ngay. Có những trụ tiêu vẫn sống 4 - 5 năm sau nhưng không phát triển, rễ bị thối, năng suất giảm dần rồi chết”, ông Lục nói.

Tuy chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng tại xã Gio An, huyện Gio Linh, sản lượng tiêu dự kiến chỉ đạt khoảng 1/3 so với năm 2024.

Ông Lâm Quang Thiện, ở thôn Bình Sơn, xã Gio An, cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng hơn 200 gốc tiêu, nhưng sau những trận mưa lớn năm 2024 thì có nhiều cây bị thối rễ chết do mạch nước ngầm. Nếu như năm ngoái, vườn tiêu nhà tôi thu được từ 2-3 tạ tiêu khô thì với tình hình này, dự kiến thu hoạch chỉ được khoảng hơn 20 kg”.

Theo ông Hoàng Đình Thăng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Gio An, tổng diện tích tiêu trên địa bàn xã Gio An khoảng 77 ha, trong đó có 57,47 ha được chứng nhận Hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản; 100% sản lượng được liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu. Vào năm 2024, năng suất tiêu toàn xã đạt khoảng 1,3 - 1,5 tấn/ha.

Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất ước giảm 2/3 so với vụ trước, thậm chí nhiều diện tích không thể thu hoạch. Sau khi trừ chi phí như phân bón, nhân công, làm cỏ... hầu hết các hộ đều rơi vào cảnh thiệt hại, giảm thu nhập. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do năm 2024 mưa nhiều, mạch nước ngầm dâng cao gây thối rễ, chết cây, làm giảm mạnh tỉ lệ đậu quả.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, hồ tiêu được xác định là cây trồng chủ lực ở khu vực gò đồi Quảng Trị, đặc biệt tại các địa bàn như: Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Hướng Hóa. Với lợi thế về khí hậu, đất đai phù hợp cho loại cây này, những năm gần đây, tỉnh đã định hướng mở rộng diện tích trồng hồ tiêu theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học và liên kết chuỗi giá trị. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.000 ha hồ tiêu.

Trong đó, diện tích cho sản phẩm gần 1.900 ha. Năm 2024, cây hồ tiêu tại Quảng Trị được mùa với năng suất đạt 12,5 tạ/ha, cao hơn 0,7 tạ/ha so với năm 2023; giá hồ tiêu ở mức cao, nhiều hộ lãi lớn. Tuy nhiên bước sang năm 2025, năng suất hồ tiêu giảm mạnh khiến nông dân lo lắng.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bùi Phước Trang thông tin: “Chi cục đang phối hợp với các địa phương rà soát diện tích tiêu bị thiệt hại, hướng dẫn người dân trồng mới, dặm lại, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu chuyển đổi giống tiêu chống chịu tốt với điều kiện ẩm ướt.

Sau khi thu hoạch xong vụ tiêu 2025, chi cục sẽ có văn bản cụ thể hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh vườn, cải tạo đất, bón phân cũng như xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý để bảo vệ diện tích tiêu cũng như nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu”.

Trước những biến động của thời tiết, giá cả của hồ tiêu như hiện nay, bên cạnh việc khuyến cáo người dân tập trung chăm sóc những vườn hồ tiêu khỏe mạnh, phù hợp để ổn định sản xuất, ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp phục hồi các vườn tiêu cũ, quy hoạch vùng trồng mới cây hồ tiêu ở những vùng có điều kiện thuận lợi.

Áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chú trọng công tác quản lý dịch bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.

Đồng thời tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để phát huy tiềm năng lợi thế, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập ổn định cho nông dân.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/co-giai-phap-de-cay-ho-tieu-phat-trien-ben-vung-193886.htm
Zalo