Có gì trong những cuốn sách Phật giáo bản đặc biệt?
Sự mộc mạc của chất liệu, không bóng bẩy, không phô trương, gợi nhắc tinh thần buông xả làm các chủ nhân của từng tác phẩm Phật giáo bản đặc biệt thấy nhẹ nhàng, thoải mái, ung dung tự tại, an nhiên.
Trong thời đại công nghệ và tốc độ, con người thường tìm về với những gì chậm rãi, sâu lắng và chân thật. Có lẽ vì thế, những cuốn sách Phật giáo đặc biệt - nơi từng chất liệu được lựa chọn bằng sự nâng niu và chánh niệm - đã lặng lẽ tìm được vị trí trong trái tim người đọc.
Những cuốn sách được chế tác mừng Đại Lễ VESAK lần thứ 20 được tổ chức tại Việt Nam càng cần đặc biệt hơn nữa.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thái Hà Books - đơn vị xuất bản đầu tư bài bản cho những cuốn sách đặc biệt, nhất là sách Phật giáo - cho biết, khi chế tác những cuốn sách này, những chuyên gia không chỉ nghĩ đến việc truyền tải nội dung mà còn mong muốn để cuốn sách tự thân trở thành một phần của thông điệp chánh niệm tỉnh giác, mang đến cho người nhận được có cảm giác bình an và hạnh phúc ngay bây giờ, ở đây.
Bởi như trong giáo lý nhà Phật, hình tướng và bản thể vốn không tách rời. Một cuốn sách về đạo Phật đính kèm tượng Phật, lá sen khô hay một chiếc lá bồ đề… tự nó đã là một lời mời nhẹ nhàng: quay về với bên trong mình, về tâm mình.

Cuốn Thế giới Phật giáo bản đặc biệt.
Cuốn sách An lạc từng bước chân bản đặc biệt được đính lá sen khô. Lá sen không chỉ tượng trưng cho sự thanh tịnh và giác ngộ mà còn mang theo hồn cốt Việt Nam - nhẹ nhàng và sâu lắng. Mỗi bìa sách là một đóa hoa của tâm thức, một lời nhắn gửi dịu dàng: "Mỗi bước chân đều có thể là bước chân an lạc".
Cuốn Thế giới Phật giáo bản đặc biệt có đính lá bồ đề mạ vàng thỉnh từ đất Phật Bồ Đề Đạo Tràng về. Những lá bồ đề đặc biệt này được sư thầy Bhante Bimala mang từ Ấn Độ sang Việt Nam tết Ất Tỵ 2025. Lá bồ đề được gắn tay, cẩn trọng trên bìa sách như một nghi lễ. Không chỉ là biểu tượng giác ngộ, đó còn là cách để người đọc cảm nhận năng lượng của sự tĩnh lặng, của một truyền thống được giữ gìn bằng lòng kính ngưỡng, như cảm nhận đang có mặt dưới cội bồ đề linh thiêng nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ giải thoát.

Sự mộc mạc của chất liệu, không bóng bẩy, không phô trương, gợi nhắc tinh thần buông xả của Phật giáo.
Cuốn Đức Phật Thích Ca bản đặc biệt sắp được kèm theo một bức tranh Phật an nhiên bằng sơn mài. Khi mở sách và chạm vào pho tượng là lúc người đọc có thể chạm vào chính mình - vào phần tâm thức sâu thẳm bên trong. Bất cứ ai chạm vào tác phẩm này cũng như vỡ òa.
Nhân đại lễ VESAK lần thứ 20 tổ chức tại Việt Nam, Thái Hà Books cũng tổ chức trưng bày nhiều tác phẩm quý được chế tác tỉ mỉ và công phu để Phật tử chiêm ngưỡng và cảm nhận như: Đi gặp mùa xuân với hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chạm khắc trên đồng; Toàn cảnh Phật giáo đính tượng Phật khắc gỗ; Thiết lập tịnh độ được thêu công phu bởi các nghệ nhân ở Quất Động, Thường Tín… Mỗi cuốn đều mang một hơi thở riêng, một thông điệp từ trái tim gửi đến trái tim.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng và các cộng sự tin rằng, thân sách cũng có thể trở thành Pháp. Ông cho rằng, chúng ta nghe thuyết Pháp nhiều, bây giờ để những cuốn sách đặc biệt này thuyết Pháp, để chúng ta cùng thấy rõ Pháp thuyết.
"Sự mộc mạc của chất liệu, không bóng bẩy, không phô trương, gợi nhắc tinh thần buông xả làm các chủ nhân của từng tác phẩm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, ung dung tự tại, an nhiên. Sự giới hạn về số lượng, từ vài chục đến một trăm bản là cách để những người thực hiện và bạn đọc, Phật tử thực hành hạnh 'biết đủ'. Từng chi tiết được chăm chút bằng chánh niệm là cơ hội để cả nhóm dự án thực hành lời Phật dạy trong từng việc làm, ứng dụng đạo Phật trong cuộc sống đúng như tên của tác phẩm cũng được chế tác bản đặc biệt - Thiền trong từng phút giây”, ông Hùng chia sẻ.
Ảnh: NVCC