Có gì trong cuốn lưu bút của một giai nhân?

Nửa thế kỷ trôi qua nhưng nghệ sĩ Xuân Lan luôn nâng niu quyển lưu bút như báu vật. Đó là nỗi nhớ, niềm thương đầy khắc khoải, như thanh xuân tươi đẹp mà bà và đồng nghiệp đã dành trọn cho sân khấu, cho những ngày tháng đời nghệ sĩ...

Điểm mặt giai nhân một thời

Nghệ sĩ Xuân Lan hẹn gặp chúng tôi vào buổi sáng cuối tuần tại quán ăn của gia đình trên đường Âu Cơ (quận 11, TP Hồ Chí Minh). Ở tuổi 74, bà vẫn đẹp, vẫn giữ trên môi nụ cười duyên dáng và cách nói chuyện dịu dàng, gần gũi của một nghệ sĩ cải lương thời hoàng kim xưa.

Quyển sổ lưu bút đã trở thành tài sản quý giá trong cuộc đời đi hát của nghệ sĩ Xuân Lan.

Quyển sổ lưu bút đã trở thành tài sản quý giá trong cuộc đời đi hát của nghệ sĩ Xuân Lan.

Bà tên thật là Nguyễn Thị Xuân Lan, những năm 80 của thế kỷ 20 từng nổi tiếng với vai diễn Công chúa Bích Vân trong vở “Bên cầu dệt lụa”; vai Bích Huệ trong “Cô gái Rừng Mai”; Mục Niệm Từ trong “Anh hùng xạ điêu” hay Hiệu úy Kỳ hoa trong “Thái hậu Dương Vân Nga”…

Thế nhưng, phía sau ánh đèn sân khấu thì cuộc đời đi hát của nghệ sĩ Xuân Lan đã từng nếm trải cảnh ăn chợ ngủ đình, rày đây mai đó, không ít lần phải tá túc nhà khán giả khi đi biểu diễn ở tỉnh xa. Những lần như vậy, khi rời đi trong lòng bà luôn có cảm giác quyến luyến không nỡ. “Một chút gì đó bâng khuâng, một chút gì đó tiếc nuối khi nhìn thời gian cứ vô tình lặng lẽ trôi nhanh mang theo hình bóng thân yêu của mọi người mình từng gắn bó”, nghệ sĩ Xuân Lan chia sẻ.

Vốn tính lãng mạn, thích viết lách, trang trí nên một lần được bạn tặng quyển sổ vào cuối năm 1974, bà liền nảy ra ý định làm một quyển lưu bút để lưu dấu những kỷ niệm với các anh em đồng nghiệp, những nghệ sĩ cải lương từng sinh hoạt chung gánh hát và cả những khán giả biết đến và yêu quý nghệ sĩ Xuân Lan. Ngày khởi đầu quyển lưu bút vào năm 1974, khi ấy nghệ sĩ Xuân Lan vừa tròn 24 tuổi.

“Hoa khôi cải lương” Mộng Tuyền làm thơ gửi tặng nghệ sĩ Xuân Lan trong quyển lưu bút khi chia tay vào năm 1980.

“Hoa khôi cải lương” Mộng Tuyền làm thơ gửi tặng nghệ sĩ Xuân Lan trong quyển lưu bút khi chia tay vào năm 1980.

50 năm thấm thoát thoi đưa, những dòng bút tích xưa có những trang chữ màu mực đã phai nhòa, những lời tự sự của nghệ sĩ Xuân Lan trong trang mở lời quyển lưu bút năm nào đến nay đã thành sự thật. “Xuân Lan vô cùng cảm động khi trao quyển lưu bút này đến tay các bạn. Hình như tạo hóa đã sẵn dành định luật ấy cho chúng ta, để một ngày nào đó, khi xa nhau, hành trang kỷ niệm của Lan còn gì? Phải chăng chỉ là quyển lưu bút kỷ niệm này. Xuân Lan sẽ lật giở từng trang, để nghe niềm nhớ thương dâng cao chất ngất và hình ảnh của các bạn sẽ hiện về rõ rệt…”. Cứ thế, mạch câu chuyện giữa chúng tôi lại cuốn trôi về ký ức thời gian từ cuối năm 1974 khi nghệ sĩ Xuân Lan về đoàn tỉnh hát cùng các nghệ sĩ Thanh Nga, Mỹ Châu, Mộng Tuyền, Thanh Nguyệt, Minh Phụng, Minh Sang…

Đối với nghệ sĩ Xuân Lan từng trang, từng chữ trong quyển lưu bút đều hàm chứa những kỷ dấu đặc biệt, như soạn giả Kiên Giang khởi đầu rất dễ thương, ông viết rằng bản thân đã ngưng viết lưu bút từ khi nghệ sĩ Xuân Lan chưa ra đời vì lưu bút vốn chỉ dành cho lứa tuổi học trò trong khi nghệ sĩ Xuân Lan đã lớn và đi hát, đã trải qua dâu bể cuộc đời. Dẫu vậy, ông vẫn viết rất nhiều cùng lời gửi gắm tới nghệ sĩ Xuân Lan, gạt bỏ những ủy mị của người nghệ sĩ qua bốn câu thơ: “Buông xuống màn nhung, danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn / Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Nghệ sĩ Hùng Minh dành nhiều lời tâm sự cho nghệ sĩ Xuân Lan với vai trò của một người anh lớn trong nghề.

Nghệ sĩ Hùng Minh dành nhiều lời tâm sự cho nghệ sĩ Xuân Lan với vai trò của một người anh lớn trong nghề.

Chính Nghệ sĩ ưu tú Hùng Minh, kép độc nổi tiếng, đã trách yêu nghệ sĩ Xuân Lan trong lưu bút rằng: “Anh biết viết gì cho em đây, ở vào lứa tuổi của anh mà bảo viết nhật ký hay lưu bút là cả một vấn đề rất khổ sở cô bé có biết không? Thế mà cô cứ nhõng nhẽo kỳ nèo cho bằng được”. Có lẽ chính sự nhõng nhẽo, dễ thương nhưng cũng đủ sự chân thành, kiên trì ấy nên quyển lưu bút đã kịp lưu lại những hình ảnh, những cảm xúc thanh xuân của tài danh cải lương.

Nghệ sĩ Hùng Minh đã dành nhiều lời tâm sự với vai trò của một người anh lớn trong nghề nhắn nhủ Xuân Lan hãy luôn sống và trân trọng nghề hát đã được tổ nghiệp ưu ái. Ông mong nghệ sĩ Xuân Lan: “Có một tình thương chan hòa, có một chiều hướng sống chết vì nghệ thuật và tuyệt đối không bao giờ phản bội nghệ thuật”.

Nghệ sĩ Minh Vương viết trong lưu bút cho nghệ sĩ Xuân Lan: “Trao về Xuân Lan ảnh Minh Vương để nhớ mãi trên sân khấu Việt Nam”.

Nghệ sĩ Minh Vương viết trong lưu bút cho nghệ sĩ Xuân Lan: “Trao về Xuân Lan ảnh Minh Vương để nhớ mãi trên sân khấu Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương, một trong những ngôi sao cải lương bậc nhất của làng cải lương Việt Nam đã tặng bức ảnh “soái ca” của mình cho người bạn đồng môn - nghệ sĩ Xuân Lan cùng lời nhắn gửi: “Trao về Xuân Lan ảnh Minh Vương để nhớ mãi trên sân khấu Việt Nam, chúng ta đã được khán giả bốn phương tán thưởng nhiệt liệt. Chúc Xuân Lan tiến mãi trên con đường nghệ thuật”.

Ngoài những kép đẹp đình đám, những cô đào nổi tiếng của cải lương dành những lời chia sẻ thật tâm với nghề, trong đó nghệ sĩ Ngân Hà nhắn gửi: “Những ngày tháng vui chơi ta chẳng bao giờ quên được, bọn mình hai đứa vẫn ở bên nhau, hay một ngày nào đó phải xa thì những gì buồn vui ta trao để làm hành trang khi nào ta nhớ đến”. Trong quyển lưu bút ấy, không chỉ nhẹ nhàng là những lời chúc thân thương, mà cũng có không ít những giãi bày, những tâm sự, quan điểm về nghề hát, về cuộc đời.

Nghệ sĩ Mỹ Châu và Xuân Lan cùng tuổi, nên bà đã chia sẻ với người bạn cùng “một kiếp con tằm” của mình rằng: “Hằng đêm chúng mình cùng diễn chung một sân khấu. Chúng ta từng đóng kịch và đã đóng kịch quá nhiều phải không Lan? Tuy mình gặp Lan rất ít, nói chuyện rất ít nhưng chúng ta không bao giờ quên những câu chuyện giá trị mà mình và Lan đã tâm sự với nhau. Mình không mong gì hơn là khi Lan nghĩ đến mình, khi mình nhớ về Lan phải thật, rất thật. Và đừng bao giờ chúng ta đóng kịch với nhau khi trở về với thực tại, có như thế tình thân của chúng ta cho nhau mới bền vững, phải không Lan”.

Đó còn là những dòng của nghệ sĩ kỳ cựu Bích Sơn nhắn nhủ em gái Xuân Lan về vinh nhục của nghề hát, về sự đố kỵ, ghen ghét. Từ kinh nghiệm của người đi trước, bà muốn chia sẻ cho Xuân Lan để có thể vững vàng vượt qua. Bà viết: “Chẳng nên buồn, cũng chẳng thèm ghét ai hết, có thế tâm hồn mới thảnh thơi và trẻ thêm được vài tuổi. Ai danh vọng cho bằng rồi cũng mất hết phải không Lan. Thế thì tranh giành để làm gì? Ghen ghét để làm gì? Cần nhiều thương nhau là quý, phải ko em?”.

Là những dòng lưu bút của nghệ sĩ Thanh Nguyệt dành cho nghệ sĩ Xuân Lan như lời tâm sự tự tận đáy lòng của một người nghệ sĩ: “Chúng ta gặp nhau trên sân khấu Thanh Minh được gần hai năm rồi Lan hả? Thời gian trôi nhanh quá, biết bao kỷ niệm vui buồn, biết bao cuộc đổi thay và chúng ta là những người buồn nhiều Lan nhỉ. Nỗi buồn đó chỉ có chúng ta hiểu nhau thôi. Mà buồn làm gì hả Lan, khi chúng ta là nghệ sĩ, tủi nhục nhiều, còn danh vọng là phù du. Vậy thì hành trang của chúng ta là những nỗi buồn dài thênh thang…”.

Người về lòng rũ sạch sầu thương

Đặc biệt hơn cả, cuốn lưu bút còn lưu giữ được thủ bút của cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga, một người chị rất thương quý Xuân Lan trong những năm hoạt động chung đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Nghệ sĩ Thanh Nga viết nhẹ nhàng: "Chị gởi cho Xuân Lan chút kỷ niệm để giữ mãi mối cảm tình êm đẹp khi chúng ta cùng sống chung trong đoàn Việt Nam".

Lật giở đến đây, nghệ sĩ Xuân Lan bồi hồi nhớ lại kỷ niệm với người chị thân thiết. Trước đó, bà chỉ biết đến và ngưỡng mộ nghệ sĩ Thanh Nga như một ngôi sao cải lương đương thời. Cơ duyên để được làm việc với cố nghệ sĩ Thanh Nga là trong một lần đi diễn rồi gặp nhau, cố nghệ sĩ đã hỏi Xuân Lan vì sao có giọng hát hay nhưng sao không được nhiều người biết. Bà thú nhận trước giờ không có ai nâng đỡ nên cuộc sống cứ lênh đênh. Vậy nên nghệ sĩ Thanh Nga đã nói “về đây với chị, chị sẽ nâng đỡ cho em”.

Hồi mới từ tỉnh về thành phố, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Thương hoàn cảnh đàn em, nghệ sĩ Thanh Nga cho tiền Xuân Lan sắm sửa từng bộ quần áo, son phấn… xem Xuân Lan như một người em gái, chăm lo bảo ban nhiều điều trong cuộc sống. Xuân Lan được cố nghệ sĩ một tay nâng đỡ, tạo điều kiện tham gia vai chính trong các vở “đinh”, nhờ đó vụt sáng giữa nhiều cô đào hát.

Nói đến đây nghệ sĩ Xuân Lan lại nhớ, trong buổi đầu tiên lúc nghệ sĩ Thanh Nga mời bà về đoàn để trao đổi vai Bích Vân công chúa. Thanh Nga thường nói với Xuân Lan: “Chị thích hát Bích Vân vì có tính cách nhưng mẫu người để diễn Quỳnh Nga trong đoàn lại không có, thành ra chị phải hóa Quỳnh Nga. Lúc đầu về cũng không nghĩ vai này hay như vậy”.

Cả hai nghệ sĩ Mỹ Châu và Bích Sơn đều dành tâm sự, chia sẻ về nghề hát, về cuộc đời đi hát với nghệ sĩ Xuân Lan.

Cả hai nghệ sĩ Mỹ Châu và Bích Sơn đều dành tâm sự, chia sẻ về nghề hát, về cuộc đời đi hát với nghệ sĩ Xuân Lan.

Công chúa Bích Vân không phải là vai đào độc, nàng là một công chúa kiều diễm nhưng tâm hồn Bích Vân vẫn là một cô gái ngây thơ được cưng chiều nên luôn ảo tưởng là công chúa thì muốn cái gì cũng đạt được. Chính vì vậy khi bị Trần Minh từ chối không nhận hôn nhân, sự thất bại cay đắng của công chúa thật đáng thương. Nghệ sĩ Xuân Lan cảm nhận được chiều sâu của nhân vật và vở diễn “Bích Vân Công chúa” trở thành một kỷ niệm lớn trong cuộc đời nghệ thuật của bà. Khi Thanh Nga qua đời đột ngột, vở “Bên cầu dệt lụa” của hai chị em trở thành tài sản vô giá với nữ nghệ sĩ và ghi dấu ấn đậm nét trong lòng những người thương vọng cổ.

Dẫu thời gian gắn bó với cố nghệ sĩ Thanh Nga chỉ 3 năm (từ năm 1976-1978), nhưng Xuân Lan luôn trân trọng, lưu giữ đoạn ký ức đẹp nhất của năm tháng làm nghề. Chuyện buồn vui, vinh quang lẫn tủi nhục của đời hát cả hai chị em đều tâm tình với nhau. “Tôi có phước vì được sống với chị Nga đến ngày cuối đời của chị. Tôi cũng vô phước vì không còn được đồng hành bên chị thêm lâu hơn nữa”, nghệ sĩ Xuân Lan xúc động kể về người nghệ sĩ mà bà rất mực kính trọng.

Nửa thế kỷ trôi qua, không ít nghệ sĩ từng lưu bút trong cuốn sổ đã qua đời, ngoài những vai diễn “chết tên” trên ánh đèn sân khấu, thì bút tích của họ trong cuốn lưu bút vẫn còn khắc khoải, phảng phất hình bóng thân quen, khắc ghi cuộc đời vinh nhục của một đời làm nghệ thuật.

Ngọc Hoa - Nguyễn Nga

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/co-gi-trong-cuon-luu-but-cua-mot-giai-nhan--i736934/
Zalo