Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, dự án đường sắt đô thị (Metro) tuyến số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội có hơn 4 km đi ngầm. Từ ngày 30/7, robot đào hầm TBM số 1 đã khởi động tại ga S9 Kim Mã và đang tiến sâu vào lòng đất, hướng về ga S12 Trần Hưng Đạo. Điểm đặc biệt của TBM này chính là việc khoan đến đâu, các vỏ hầm sẽ được lắp đặt luôn đến đó.
Video cận cảnh quy trình sản xuất vỏ hầm phục vụ robot TBM:
Ông Nguyễn Văn An, Phó Tổng Giám đốc nhà máy AMACCAO Hà Nam cho biết, 4 km đi ngầm của Metro Nhổn sẽ sử dụng tới 3.488 vòng vỏ hầm. Vỏ hầm (Tunnel Lining Segments) được sản xuất tại tỉnh Hà Nam và vận chuyển bằng xe chuyên dụng về ga S9 Kim Mã (Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Văn An, yêu cầu về tuổi thọ của vỏ hầm phải đạt được 100 năm, nên từ khâu vật liệu đầu vào, khâu kiểm soát, khâu chế tạo và thu hoàn thiện mỹ quan hình ảnh phải đạt tiêu chí rất cao. Để đáp ứng tiến độ dự án, hiện nhà máy đang vận hành 2 dây chuyền sản xuất 24/7. Dự kiến hết quý I/2025, nhà máy sẽ kết thúc khâu sản xuất vỏ hầm này.
3.488 vòng vỏ hầm của tuyến Metro Nhổn được sản xuất trong nhà máy AMACCAO ở tỉnh Hà Nam.
Quy trình sản xuất vỏ hầm bao gồm 10 giai đoạn: Thiết kế và lập kế hoạch, chuẩn bị nguyên vật liệu và kiểm soát chất lượng vật liệu, kiểm tra và nghiệm thu ván khuôn, lắp đặt cốt thép, đổ bê tông, bảo dưỡng bê tông, tháo khuôn và kiểm tra chất lượng, hoàn thiện và xử lý bề mặt, phủ lớp sơn chống thấm ngoài vỏ hầm, lắp đặt phụ kiện vỏ hầm.
Gói thầu sản xuất vỏ hầm này có tổng giá trị hơn 276 tỷ đồng, do MRB là chủ đầu tư, liên danh Hyundai - Ghella là tổng thầu; đơn vị tư vấn là Systra S.A (Cộng hòa Pháp).
Nguyên vật liệu để sản xuất vỏ hầm bao gồm: Xi măng, cốt thép, cốt liệu (đá, cát), nước, phụ gia và các phụ kiện khác.
Chất lượng bê tông yêu cầu nghiêm ngặt, quy trình cân cốt liệu với sai số rất nhỏ (0,5% đến 2% tùy vật liệu).
Bê tông được trộn bằng trạm trộn tự động theo tỷ lệ cấp phối được lập trình bằng máy tính, sau đó được đổ vào khuôn đúc đã lắp cốt thép, sử dụng các kỹ thuật đầm rung để loại bỏ bọt khí và đảm bảo bê tông phân bố đều.
Sau đó, bê tông được bảo dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật bằng cách giữ ẩm và kiểm soát nhiệt độ để đảm bảo cường độ và chất lượng.
Sau khi bê tông đạt cường độ cần thiết, đội ngũ công nhân sẽ tiến hành tháo khuôn và kiểm tra chất lượng, các thông số kỹ thuật như kích thước, độ phẳng, và cường độ nén.
Bề mặt bê tông được xử lý để đảm bảo độ mịn và thẩm mỹ, vỏ hầm được quét phủ lên 2 lớp sơn chống thấm, mỗi lớp dày ≥ 100µm. Thời gian bảo dưỡng có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, trung bình khoảng 8 tiếng.
Bước cuối cùng là lắp đặt phụ kiện vỏ hầm bao gồm: gioăng chống thấm, thanh dẫn hướng và tấm ép bằng gỗ cứng.
Các phân đoạn vỏ hầm được kiểm tra và nghiệm thu.
Tổng số vòng vỏ hầm của dự án là 3.488 vòng, bao gồm 120 vòng loại cốt thép nặng, 30 vòng được quan trắc và 3.338 vòng loại cốt thép tiêu chuẩn. Khối lượng tấm vỏ hầm lớn nhất là 4 tấn.
Quy trình vận chuyển vỏ hầm trên quãng đường 71 km (từ Hà Nam về Ga S9 Kim Mã-Hà Nội) gồm 5 giai đoạn.
Nếu phát hiện bất kỳ hư hỏng nào, các biện pháp sửa chữa và bảo trì sẽ được thực hiện ngay lập tức để đảm bảo chất lượng của vỏ hầm trước khi lắp đặt.
Hiện máy TBM đã tiến sâu vào lòng đất hơn 50 mét; khoan đến đâu, các vỏ hầm được máy lắp đặt đến đó.
Trung Nguyên/Báo Tin tức