Có gì đặc biệt trong ngôi nhà của hơn 30 nghệ sĩ?

Trong cuốn sách 'Nhà và Người' được giới thiệu ngày 8/8, họa sĩ Lê Thiết Cương đã mô tả lại những ngôi nhà của hơn 30 người nghệ sĩ khác nhau. Mỗi nơi lại ẩn chứa câu chuyện riêng.

 Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ tại buổi ra mắt sách Nhà và Người sáng ngày 8/8. Ảnh: Đức Huy.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ tại buổi ra mắt sách Nhà và Người sáng ngày 8/8. Ảnh: Đức Huy.

Tại buổi ra mắt sách Nhà và Người sáng ngày 8/8, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ rằng trong hơn 20 năm qua, ông luôn chú ý quan sát ngôi nhà của những người bạn làm nghệ thuật xung quanh mình. Họa sĩ tin rằng những ngôi nhà đã mang theo vẻ đẹp tinh thần từ chủ nhân của nó. Hơn hết, khi khái niệm "nhà" được mở rộng thành nơi chốn, nó còn thể hiện mối quan hệ đặc biệt với cảm xúc của con người.

Chuyện của mọi nhà

Đối với họa sĩ Lê Thiết Cương, cuốn sách Nhà và Người là sự tích tụ các quan sát từ những lần thăm nhà bạn bè của mình. Suốt hành trình dài này, ông nhận ra vẻ đẹp văn hóa, tinh thần đã gắn vào từng nơi chốn, đồ vật bởi câu chuyện cá nhân của họ.

Chẳng hạn tại sao nhà của nhiếp ảnh gia nude Trần Huy Hoan được bạn bè gọi vui là “nhà khách”, nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại được gọi là nhà “thích khách”... Đặc biệt, tại buổi ra mắt, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, nhân vật xuất hiện trong cuốn sách Nhà và Người của họa sĩ Lê Thiết Cương, đã lý giải về câu chuyện đằng sau những nơi ông gọi là “nhà”.

Suốt nhiều năm theo đuổi nhiếp ảnh, ông Dương Minh Long không thực sự ở một chỗ hay có khái niệm coi nhà như một nơi “an cư lập nghiệp”. Mỗi ba đến sáu tháng, ông lại chuyển chỗ ở một lần. Hành trang quan trọng nhất ông mang theo là vô số các cuộn phim máy ảnh. Đó cũng là gia sản mà ông luôn gìn giữ với những ghi chú cụ thể về chúng trong sổ tay của mình.

 Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chia sẻ về câu chuyện trong cuốn sách Nhà và Người.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chia sẻ về câu chuyện trong cuốn sách Nhà và Người.

“Cho tới thời điểm được đề cập trong cuốn sách, năm 2006, tôi đã chuyển nhà 14 lần. Cho tới nay, tổng cộng là 39 lần. Có lẽ vì vậy, họa sĩ Lê Thiết Cương đã dành tặng cho tôi một chương mang tiêu đề ‘Không có nhà’, nhưng kỳ thực, trong tâm tưởng, mỗi nơi tôi đến đều là nhà”, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chia sẻ tại sự kiện.

Mối liên hệ giữa con người và ngôi nhà của họ còn được họa sĩ Lê Thiết Cương nhìn nhận qua những đồ vật nhỏ. Điều này được thể hiện trong khi ông quan sát lọ đựng thuốc lào của nhà điêu khắc Khúc Thanh Bình. Chiếc lọ đó độc đáo bởi nó có khả năng bảo quản độc đáo khiến sợi thuốc lào không bị ẩm trong mùa nồm cũng không bị giòn trong mùa hanh. Hơn hết, nó đại diện cho một lạc thú độc đáo gắn kết ông và nhà điêu khắc Khúc Thanh Bình.

“Ẩn chứa bên trong đó là những câu chuyện văn hóa, câu chuyện đời, chuyện người của xứ này”, họa sĩ Lê Thiết Cương viết trong tác phẩm của mình. Tương tự với những vật trang trí khác trong nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người bạn Lê Nuôi, ông đều cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa đặc trưng vùng miền hiện lên.

Tại sao Đà Lạt lại buồn?

Nếu như hai phần đầu cuốn sách, họa sĩ Lê Thiết Cương đã mô tả câu chuyện của nhà và người, một phần ba cuốn sách còn lại sẽ nói về câu chuyện của cảnh quan. Trong vô vàn địa danh, Đà Lạt là nơi được ông lựa chọn để thể hiện một nghịch lý: “Buồn thì đẹp”.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, nỗi buồn ở Đà Lạt không đơn thuần là sự u uất hay chán chường, mà là nỗi niềm của những người tha hương, những người mang trong mình những trăn trở, khát khao tìm kiếm giá trị bản thân. Nỗi buồn ấy không phải là một cái gì đó để trốn tránh, mà chính là một phần của vẻ đẹp Đà Lạt, một thành phần tạo nên sự hấp dẫn không thể cưỡng lại của thành phố này.

Như ông đã nói, "Nỗi buồn góp lại, cô quánh tạo thành vẻ đẹp ám ảnh cho Đà Lạt." Chính cái sự "cô quánh" của nỗi buồn ấy đã tạo ra một không gian mà ở đó, con người có thể cảm nhận được sự thanh thản, dễ dàng buông bỏ mọi ưu tư, thậm chí là tha thứ cho chính mình và cho cả người khác.

 Cuốn sách Nhà và Người của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Nhà xuất bản Hội nhà văn.

Cuốn sách Nhà và Người của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Nhà xuất bản Hội nhà văn.

Cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt, với đồi thông, hồ nước phẳng lặng và không khí se lạnh, dường như cũng mang trong mình một chút gì đó u buồn, một chút gì đó khiến người ta dễ dàng đắm chìm vào những suy tư, hoài niệm. Đà Lạt không chỉ đẹp bởi cái nhìn đơn thuần, mà còn đẹp bởi chiều sâu của tâm hồn, cái sự kết hợp giữa những gì mắt thấy và những gì tâm hồn cảm nhận.

Nhà và Người không chỉ là một cuốn sách về nhà ở và con người, mà còn là một tác phẩm đầy triết lý về văn hóa. Họa sĩ Lê Thiết Cương đã dùng nghệ thuật và cảm nhận tinh tế của mình để đưa ra một cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và cảnh quan. Ông cho rằng mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà, mỗi con đường đều mang một câu chuyện, một nỗi niềm, và tất cả tạo nên một vẻ đẹp không dễ gì quên được.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-mat-ve-nhung-ngoi-nha-cua-nguoi-nghe-si-post1490850.html
Zalo