Cô gái xúc động kể hành trình thoát khỏi bờ vực trầm cảm khi chống chọi ung thư

Chuẩn bị cho mình một tâm thế, ý thức về sự hữu hạn của thời gian để sống có ích hơn là điều cần thiết hơn bao giờ hết… là thông điệp tác giả đoạt giải nhất cuộc thi viết 'Trang sách thay đổi đời tôi' Đỗ Thị Vân - người đã vượt qua nỗi sợ hãi, chiến đấu với bệnh ung thư.

Ngày 23/12, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Trang sách thay đổi đời tôi” và cuộc thi “Video clip với chủ đề lịch sử Việt Nam”.

 Anh Nguyễn Kim Quy phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Nguyễn Kim Quy phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Nguyễn Kim Quy – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Mặt trận thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” năm 2024, với nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách; xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách trong thanh niên.

Với cuộc thi viết “Trang sách thay đổi đời tôi” và thi video clip với chủ đề “Lịch sử Việt Nam”, sau thời gian triển khai rất ngắn, đã nhận được gần 300 bài viết và gần 100 video clip của các tác giả trên toàn quốc gửi về tham dự.

 Ban Tổ chức trao giải cuộc thi viết "Trang sách thay đổi đời tôi". Ảnh: Xuân Tùng

Ban Tổ chức trao giải cuộc thi viết "Trang sách thay đổi đời tôi". Ảnh: Xuân Tùng

 Ban Tổ chức trao giải cuộc thi video clip với chủ đề lịch sử Việt Nam.

Ban Tổ chức trao giải cuộc thi video clip với chủ đề lịch sử Việt Nam.

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cuộc thi viết “Trang sách thay đổi đời tôi” cho tác giả Đỗ Thị Vân với bài viết “Điểm đến cuộc đời”; giải Nhì thuộc về tác giả Hương Thảo với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”; tác giả Trần Thị Minh với “Màu của gió” đoạt giải Ba.

Về cuộc thi video clip chủ đề “Lịch sử Việt Nam”, tác giả Bùi Thị Hường đoạt giải Nhất với “Những ký ức Điện Biên”. Giải Nhì thuộc về tác giả Vũ Thị Hải Ngọc với “Lịch sử Việt Nam”; giải Ba thuộc về Nguyễn Ngọc Minh với “Việt Nam thời dựng nước”.

 Các tác giả giao lưu, chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Các tác giả giao lưu, chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Sống chậm và yêu thương nhiều hơn

Chia sẻ tại chương trình, tác giả Đỗ Thị Vân cho biết, chị đã không ngừng nỗ lực học tập, vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Chính những cuốn sách – hạt giống tâm hồn, đã tiếp thêm cho chị niềm tin, tình yêu vào cuộc sống; thoát ra khỏi “bờ vực của những tháng ngày trầm cảm”, nhất là khi chống chọi với căn bệnh ung thư.

Ngày biết mình mắc bệnh ung thư, chị Vân hoàn toàn suy sụp, bất lực. Mẹ vừa mất chưa được bao lâu, bố tàn tật lại tâm thần, 3 đứa con còn nhỏ.

“Sự bất lực rồi biến thành trách móc. Tôi tự trách bản thân vì đã không đi khám sớm hơn. Tôi buồn đau, giận dữ trước những lời hỏi thăm của người thân và tự ru ngủ mình rằng, vì họ khỏe mạnh nên họ đang thương hại tôi bằng những lời động viên “cố lên” đầy sáo rỗng. Thậm chí, tôi nghĩ rằng đó là nghiệp chướng của chính mình”, chị kể.

 Chị Đỗ Thị Vân (ngồi giữa) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Chị Đỗ Thị Vân (ngồi giữa) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Trong tình cảnh ấy, chị Vân đọc cuốn sách “Điểm đến cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang, ghi lại hành trình của những người cận tử, đã giúp chị “thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan”, cảm thấy “mình hạnh phúc và giàu có”.

Chị sống chậm hơn và yêu thương nhiều hơn; trân trọng hơn những hạnh phúc giản đơn như hít thở, đi bộ, ngắm ánh mặt trời mọc... Chị tích cực giúp đỡ, san sẻ thức ăn, chỗ ở, hay thuốc men và những bài học, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho những người ốm đau, bệnh tật; phát huy nghiệp vụ sư phạm để dạy thêm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

 Đại biểu và các tác giả chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Đại biểu và các tác giả chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

"Ung thư đang trở thành căn bệnh thời đại và ngày càng trẻ hóa ở Việt Nam. Nó nhấn chìm con người trong những đau đớn thể xác và tinh thần, tiêu cực và sợ hãi. Nhìn thẳng vào cái chết là điểm đến của cuộc đời mỗi con người, chuẩn bị cho mình một tâm thế, ý thức về sự hữu hạn của thời gian để sống có ích hơn là điều cần thiết hơn bao giờ hết...", chị Vân chia sẻ.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-gai-xuc-dong-ke-hanh-trinh-thoat-khoi-bo-vuc-tram-cam-khi-chong-choi-ung-thu-post1703303.tpo
Zalo