Cô gái ở Hà Nội đi cấp cứu sau vài giây được người quen tiêm vào trán

Chỉ vài giây sau khi được tiêm filler vào trán, chị H. ở Hà Nội đã có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, đau nhức dữ dội, mờ mắt ngay, phải đi cấp cứu.

Tình huống xảy ra với chị V.T.H, 29 tuổi, ở Hà Nội vào ngày 4/2. Chia sẻ với VietNamNet, chị H. cho biết do đã có "kinh nghiệm" tiêm filler lần 1 vào má nên lần 2 này, dù biết người tiêm không phải là bác sĩ, chị vẫn đồng ý để họ đến tận nhà tiêm.

Chị H. cho hay người trên chỉ học tiêm filler qua một người khác, từng làm cho nhiều người đều "không sao" nên chị chủ quan.

"Chỉ vài giây ngay khi họ tiêm tê và đưa kim tiêm filler vào trán, tôi đã có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, đau nhức dữ dội, mờ mắt ngay", chị H. kể, ngày 7/2.

Ngay khi có biểu hiện lạ, chị H. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Sau đó, người bệnh được chuyển sang hai bệnh viện trung ương khác trước khi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết bệnh nhân khi vào viện có cảm giác đau nhức vùng hốc mắt và nửa đầu bên trái, kèm theo yếu các cơ vận động của nhãn cầu và mí mắt.

"Các bác sĩ xác định người bệnh bị tắc hệ mạch mắt và động mạch trung tâm võng mạc, gây tổn thương nghiêm trọng dây thần kinh thị giác", bác sĩ Hà cho biết.

Sáng 7/2, tức 3 ngày sau khi vào viện, sức khỏe người bệnh tạm ổn định. Mắt trái vẫn còn biểu hiện sưng to, xung huyết, phù nề, không còn thị lực.

Bác sĩ Hà thăm khám cho bệnh nhân H. sáng 7/2. Ảnh: H.My

Bác sĩ Hà thăm khám cho bệnh nhân H. sáng 7/2. Ảnh: H.My

Nữ sinh 14 tuổi nhập viện vì tự tiêm filler nâng mũi tại nhà

Một trường hợp khác cũng vào viện cấp cứu sau khi tiêm filler tại nhà là nữ sinh 14 tuổi ở Hà Nội. Bác sĩ Hà cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt trái suy giảm thị lực nặng, mi mắt sưng nề, sụp mi, kèm theo bầm tím vùng trán và sống mũi.

Người bệnh kể do xem quảng cáo từ mạng xã hội và tìm hiểu về nâng mũi bằng tiêm filler nhanh, đơn giản nên đã tự tiêm tại nhà. Trong lúc tiêm, bệnh nhi có cảm giác đau buốt nhưng cho rằng đó là cảm giác bình thường nên tiếp tục tiêm.

Sau đó, người bệnh xây xẩm, choáng váng, nhìn đôi, mờ. Người nhà chuyển nữ sinh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu.

"Người tiêm không có kiến thức nên đã tiêm chất filler từ các mạch máu ở ngoài thông với mạch máu não gây ra tắc động mạch não, dẫn tới choáng với triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi", bác sĩ Hà nhận định. Cách tiêm này làm hẹp, tắc động mạch trung tâm võng mạc có thể dẫn tới giảm thậm chí mất thị lực hoàn toàn.

Sau khi tiếp nhận, nữ sinh được can thiệp khẩn cấp bằng kỹ thuật thông mạch, một trong những kỹ thuật hiện đại nhất thế giới.

"Kỹ thuật này sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm thông mạch máu bị tắc nghẽn, phục hồi lưu thông máu, cứu vãn thị lực và ngăn ngừa tổn thương con ngươi", theo bác sĩ Hà. May mắn, sau khi được can thiệp mạch khẩn cấp, thị lực của nữ sinh đã dần phục hồi.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo tiêm filler không đúng cách có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng, hoại tử da, thậm chí đe dọa tính mạng.

Do vậy, người dân chỉ thực hiện tiêm filler tại các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ được cấp phép; người thực hiện phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về tạo hình thẩm mỹ.

Đặc biệt, không tự tiêm filler tại nhà hoặc thực hiện tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn, giấy phép hoạt động. "Nếu có dấu hiệu biến chứng (sưng, đau, mất thị lực, khó thở…), người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn sâu để cấp cứu kịp thời", bác sĩ Hà khuyên.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-gai-o-ha-noi-phai-di-cap-cuu-sau-vai-giay-duoc-nguoi-quen-tiem-vao-tran-2369292.html
Zalo