Có được xây nhà trên đất đang tranh chấp không?
Đất đang tranh chấp mà một bên tự ý xây nhà là hành vi tiềm ẩn rủi ro pháp lý, vậy xây dựng như vậy có vi phạm không? Làm sao để bảo vệ quyền lợi?

Gia đình tôi đang tranh chấp chia thừa kế phần đất do bố mẹ để lại ở Tòa án cấp huyện. Đang trong quá trình giải quyết vụ án thì anh trai tôi cứ thực hiện việc xây nhà lên trên phần đất đang tranh chấp. Giờ tôi phải làm thế nào để không ảnh hưởng đến việc chia thừa kế và quyền lợi của mình?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng Văn Phòng Luật Kết Nối trả lời:
Nhiều người với suy nghĩ rằng đất do mình đang quản lý, sử dụng thì cứ xây nhà lên, chẳng có ai làm gì được mình hết, thậm chí việc xây nhà đó cũng tạo lợi thế cho họ, khiến cho họ có nhiều quyền lợi hơn, chiếm giữ được nhiều đất hơn. Vì thế, họ tìm mọi cách để xây nhà chui, bất hợp pháp, không xin giấy phép, mặc kệ ý kiến của các bên đương sự phản đối việc xây dựng. Chính những hành động này khiến cho vụ án trở nên phức tạp, tranh chấp kèo dài.
Theo quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 39 Luật Kiến trúc 2019 và khoản 32 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì nếu đáp ứng đủ các điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì sẽ được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Trong trường hợp này, phần đất này đang xảy ra tranh chấp, nếu người có quyền lợi liên quan nộp đơn khởi kiện và có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp cấp tạm thời thì không ai được xây dựng làm thay đổi hiện trạng thửa đất, việc xây dựng là trái phép. Trên thực tế, dù tòa án có áp dụng biện pháp khẩn cấp cấp tạm thờ hay không thì vì đất đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, chưa được giải quyết dứt điểm bằng một bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì chưa có căn cứ để xác định chủ sử dụng đất là ai… Vì vậy, việc xây dựng sẽ không được chính quyền cho phép.
Như vậy, nếu xét góc độ pháp luật rõ ràng việc xây dựng trên là không có giấy phép, trái quy định pháp luật và các bên có quyền yêu cầu tháo dỡ công trình xây sai phạm như thế này hoặc không công nhận giá trị tài sản trên đất. Các bên phải có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng tài sản tranh chấp, không được phép thay đổi, xây dựng gì thêm khi Tòa án đang giải quyết tranh chấp. Vụ án này kéo dài có thể do giá trị tài sản lớn nên Tòa án cũng phải cân nhắc kĩ tất cả các vấn đề liên quan, cũng xem các bên có hướng thương lượng, hòa giải hoặc tìm phương án giải quyết nào phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi các bên.